Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

3 dự án khơi thông cửa ngõ TP.HCM sắp được khởi công

Mở rộng quốc lộ 50, xây nút giao An Phú, đường nối Trần Quốc Hoàn là những dự án trọng điểm ở TP.HCM dự kiến được khởi công trong vòng 6 tháng tới.

Đóng vai trò cửa ngõ TP.HCM song ba khu vực cửa ngõ nút giao An Phú, quốc lộ 50 và sân bay Tân Sơn Nhất gắn liền tình trạng ùn tắc giao thông đã nhiều năm.

Để tháo gỡ nút thắt này, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết các dự án cửa ngõ xây dựng nút giao thông An Phú (TP Thủ Đức); xây dựng, mở rộng quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa nối với nhà ga T3 (quận Tân Bình) sẽ được khởi công vào quý III/2022.

Xóa kẹt quốc lộ 50

Vào các dịp lễ, Tết, tảo mộ hoặc thậm chí là cuối tuần, đoạn qua quốc lộ 50, cửa ngõ về miền Tây thường xuyên căng thẳng. Đây cũng là đường dẫn vào khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước nên mật độ giao thông rất lớn. Trong khi đó, hiện trạng diện tích mặt đường hẹp khiến người qua đây phải chen chúc.

Chị Hồng Ngọc (26 tuổi, ngụ quận 7) thường đi qua quốc lộ 50 để về quê Long An. Tuy nhiên vào dịp lễ, Tết hàng năm, chị này phải tranh thủ xuất phát sớm nhất để không gặp cảnh kẹt cứng.

"Những ngày sát Tết là đông nhất, người đi tảo mộ, người đi mua sắm, người về quê khiến tuyến đường này quá tải. Nếu bị kẹt lại, phải hơn một giờ mới qua khỏi", chị Ngọc nói.

Theo đó, mục tiêu mở rộng tuyến quốc lộ 50 được ngành giao thông đánh giá có tính cấp bách để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa. Ngoài TP.HCM, tuyến này còn nối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khi cắt ngang cao tốc Bến Lức - Long Thành và tuyến vành đai 4; sân bay Long Thành trong tương lai.

Sap khoi cong 3 du an giao thong cua ngo TP.HCM anh 1

Quốc lộ 50 hướng đi Long An. Ảnh: Lê Quân.

Quốc lộ 50 được mở rộng trên chiều dài 7 km, rộng 34 m. Công trình chia làm 2 đoạn: Đoạn một dài gần 4,4 km xây đường mới song song quốc lộ 50; đoạn 2 dài hơn 2,5 km mở rộng tuyến hiện hữu.

Dự án mở rộng quốc lộ 50 qua huyện Bình Chánh có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, từ nguồn vốn Trung ương và ngân sách TP.HCM. Công trình vừa được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương hồi tháng 6/2021, dự kiến thực hiện từ năm 2022 đến 2024.

Khơi thông cửa ngõ

Tương tự, người dân không lạ gì với cảnh nút giao An Phú (TP Thủ Đức) kẹt xe kéo dài hàng km ở khắp ngả đường Lương Định Của, Mai Chí Thọ, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Nút giao thông An Phú có lượng xe cộ rất lớn, là nơi giao nhau của ba hướng giao thông quan trọng như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây kết nối về miền Đông, đường Mai Chí Thọ kết nối về miền Tây và đường ra vào cảng biển Cát Lái, Sài Gòn. Tuy nhiên, nơi đậy hiện vẫn là nút giao đồng mức dạng ngã 5.

Nhiều tài xế container vào cảng Cát Lái cho biết họ mất gần 30 phút để vượt qua nút giao này vào giờ cao điểm. Tính cả lúc quay ra, mỗi khi di chuyển vào cảng mất một giờ. Mỗi ngày, ước tính có hàng chục nghìn lượt xe container qua đây.

Sap khoi cong 3 du an giao thong cua ngo TP.HCM anh 2

Phối cảnh nút giao An Phú 3 tầng. Ảnh: Sở QHKT.

Để giảm bớt áp lực giao thông, nút giao An Phú sẽ được xây hầm chui, cầu trên cao. Công trình được khởi công vào cuối năm nay và hoàn thành năm 2025.

Một dự án cửa ngõ quan trọng khác được TP.HCM đặt nhiều kỳ vọng khi khởi công cuối năm nay là xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn với Cộng Hòa (quận Tân Bình). Tuyến đường mới được xem là cửa ngõ thứ hai của sân bay Tân Sơn Nhất trong tương lai với tổng vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng.

Dự án có chiều dài khoảng 4,4 km với lộ trình: Trần Quốc Hoàn - Thăng Long - trạm gác quân đội (Phan Thúc Duyện) - đường 18E - đường C2 - Hoàng Hoa Thám - đường C12 - Cộng Hòa.

Sap khoi cong 3 du an giao thong cua ngo TP.HCM anh 3

Vị trí đường mới nối Trần Quốc Hoàn với Cộng Hòa. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Khi hoàn thành, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa phục vụ việc khai thác nhà ga hành khách T3, nâng công suất phục vụ của sân bay lên 50 triệu lượt hành khách mỗi năm.

Hiện, TP.HCM tập trung khép kín vành đai 2, xây các tuyến đường giải tỏa điểm nóng sân bay Tân Sơn Nhất. 5 năm tới, thành phố ưu tiên thực hiện 3 tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và TP.HCM - Trung Lương (mở rộng); tập trung các tuyến quốc lộ qua địa bàn thành phố cùng việc đẩy nhanh khép kín vành đai 3.

Sap khoi cong 3 du an giao thong cua ngo TP.HCM anh 4

Điểm đen ùn tắc giao thông gần sân bay Tân Sơn Nhất. Đồ họa: Minh Hồng.

Giai đoạn này, thành phố đồng thời tập trung vào dự án trọng điểm như metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên, 89% khối lượng); metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) và metro số 5 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn, đang giải phóng mặt bằng).

Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết từ nay đến cuối tháng 4, TP đón nhiều công trình lớn hoàn thành như cầu Thủ Thiêm 2, kênh nước đen, đường song hành Võ Văn Kiệt...

Đề xuất lập dự án thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM

Vành đai thu phí dự kiến được triển khai tại các tuyến đường bao quanh quận 1, 3 và vùng giáp ranh quận 5, 10. Việc thu phí nhằm giảm tải áp lực giao thông khu trung tâm TP.HCM.

Thư Trần

Bạn có thể quan tâm