Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khoảnh khắc mang tính quyết định trong đời bà Kamala Harris

“Tôi như được khai sáng, đó là khoảnh khắc chứng tỏ việc để những người nhân từ làm công tố viên quan trọng biết bao”, bà Kamala Harris chia sẻ trong cuốn hồi ký.

Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên bước vào Tòa án Cấp cao hạt Alameda ở Oakland, California với tư cách là một nhân viên. Đó là năm 1988, kì nghỉ hè cuối cùng ở trường luật, và tôi cùng 9 người khác được mời thực tập hè tại văn phòng công tố của quận.

Tôi có cảm giác muốn trở thành một công tố viên, tôi muốn đứng trên tuyến đầu để cải cách tư pháp hình sự, và tôi muốn bảo vệ những người yếu thế. Nhưng vì chưa từng được chạm tay đến gần chức vụ đó nên tôi đã không thể đưa ra quyết định.

[…]

Là thực tập sinh kì hè, có thể hiểu là chúng tôi có rất ít quyền hạn hay tầm ảnh hưởng. Công việc của chúng tôi chủ yếu là học hỏi và quan sát, đồng thời hỗ trợ những nơi nào cần. Đó là cơ hội để chúng tôi biết hệ thống tư pháp hình sự hoạt động như thế nào từ bên trong, khi công lý được thực thi thì ra sao - và khi không được thực thi thì ra sao.

Sach Su that ta nam giu anh 1

Cuốn hồi ký của bà Kamala Harris. Ảnh: T.V.

Chúng tôi được sắp xếp làm việc cùng với các luật sư đang giải quyết tất cả các loại vụ án, từ lái xe khi say xỉn đến giết người, có cơ hội có mặt trong văn phòng - và là một phần của quá trình - tổng hợp một vụ án.

Tôi sẽ không bao giờ quên một lần người hướng dẫn của tôi giải quyết vụ án liên quan đến một cuộc truy bắt ma túy. Cảnh sát đã vây bắt và giam giữ một vài người, trong đó có một người ngoài cuộc vô tội: một người phụ nữ không may bị cuốn vào đợt truy bắt này. Tôi chưa gặp cô ấy. Tôi không biết cô ấy là ai hay cô ấy trông như thế nào. Tôi không có bất kì mối liên hệ nào với cô ấy, ngoại trừ bản báo cáo mà tôi đang xem qua. Nhưng cô ấy có điều gì đó khiến tôi chú ý.

Đó là một buổi chiều muộn ngày thứ Sáu, hầu hết mọi người đã về nhà nghỉ cuối tuần. Từ nay cho đến thứ Hai, gần như chắc chắn là thẩm phán sẽ không thể gặp cô ấy. Điều đó có nghĩa cô ấy sẽ phải ngồi tù trong hai ngày cuối tuần.

Cô ấy có làm việc vào cuối tuần không? Cô ấy có phải giải thích cho chủ của cô ấy biết rằng mình đã ở đâu không? Cô ấy có bị sa thải không?

Quan trọng hơn, tôi biết cô ấy có con nhỏ ở nhà. Chúng có biết cô ấy đang ở trong tù không? Chúng ắt hẳn sẽ nghĩ rằng cô ấy đã làm điều gì đó sai trái. Hiện ai đang chăm sóc chúng? Có ai chăm sóc chúng không? Có thể sẽ có người gọi cho Cơ quan Bảo vệ Trẻ em. Chúa ơi, cô ấy có thể mất con.

Tất cả mọi thứ mà người phụ nữ này có đều đang bị đe dọa: gia đình, kế sinh nhai, vị thế trong cộng đồng, phẩm giá, sự tự do. Và cô ấy không làm gì sai cả.

Tôi vội vã đến gặp thư kí của tòa án và yêu cầu triệu tập vụ án ngay hôm đó. Tôi đã van xin. Tôi đã nài nỉ. Nếu thẩm phán có thể lên tòa trong năm phút, cô ấy có thể được thả. Tất cả những gì tôi có thể nghĩ đến là gia đình và những đứa con đang hoảng sợ của cô ấy.

Sach Su that ta nam giu anh 2

Bà Kamala Harris thời trẻ, năm 1986. Nguồn: bambridgeaccountants.

Cuối cùng, khi ngày dần kết thúc, thẩm phán đã quay trở lại. Tôi quan sát, lắng nghe khi ông xem xét trường hợp của cô ấy, và chờ ông đưa ra phán quyết. Sau đó, chỉ có thế, cô ấy đã được tự do. Cô ấy được về nhà với các con kịp giờ ăn tối. Tôi chưa bao giờ có cơ hội gặp lại, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên cô ấy.

Đó là một khoảnh khắc mang tính quyết định trong cuộc đời tôi. Đó là sự kết tinh cho thấy, có những rủi ro cực kì cao và tình người có sức mạnh phi thường như thế nào, ngay cả ở bên lề của hệ thống tư pháp hình sự.

Tôi nhận ra rằng, ngay cả với quyền hạn hạn chế của một thực tập sinh, những người có lòng thành vẫn có thể thực thi công lý. Tôi như được khai sáng, đó là khoảnh khắc chứng tỏ việc để những người nhân từ làm công tố viên quan trọng biết bao.

Trong những năm trước khi tôi được bầu vào vị trí điều hành một văn phòng công tố lớn, thì đây là một trong những chiến thắng quan trọng nhất với tôi.

Tôi cũng đã biết kiểu công việc mà tôi muốn làm và kiểu người mà tôi muốn phục vụ.

[…]

Tôi biết rõ thời kì này - về những người đàn ông vô tội bị buộc tội, về những cáo buộc chống lại người da màu mà không có đủ bằng chứng, về việc các công tố viên che giấu những thông tin có thể minh oan cho các bị cáo, về việc áp dụng luật pháp không đồng đều. Tôi lớn lên với những câu chuyện này, vì vậy tôi hiểu rõ lí do cộng đồng mình luôn thận trọng. Nhưng lịch sử vẫn có một câu chuyện khác.

Tôi biết về những công tố viên dũng cảm đã truy lùng Ku Klux Klan (những người da trắng ủng hộ các quan điểm cực đoan) ở miền Nam. Tôi biết câu chuyện về những công tố viên truy lùng những chính trị gia tham nhũng và các công ty gây ô nhiễm môi trường.

Tôi biết về di sản của Robert Kennedy, với tư cách là tổng chưởng lý Mỹ, ông đã cử quan chức Bộ Tư pháp đến bảo vệ những nhà dân quyền đi xe buýt xuyên miền Nam nước Mỹ để phản đối phân biệt chủng tộc vào năm 1961, và cử cảnh sát tư pháp Mỹ đến bảo vệ James Meredith khi ông ấy nhập học Đại học Mississippi vào năm sau đó.

Tôi biết khá rõ rằng luật pháp công bằng là điều ai nấy đều khát khao. Tôi biết rằng uy quyền của luật pháp được áp dụng không đồng đều, đôi khi là do cố ý. Nhưng tôi cũng biết rằng những điều sai trái của hệ thống này rồi sẽ thay đổi. Và tôi muốn đóng góp một phần để thay đổi điều đó.

Một trong những câu nói yêu thích của mẹ tôi là “Đừng để người khác nói cho con biết con là ai. Con hãy cho họ biết con là ai”. Và tôi đã làm đúng như vậy. Tôi biết một phần của việc tạo ra thay đổi chính là điều mà tôi đã chứng kiến trong suốt cuộc đời mình, khi xung quanh tôi là những người trưởng thành hò hét, diễu hành và đòi công lý ở bên ngoài.

Nhưng tôi biết vai trò của người bên trong cũng quan trọng khi họ ngồi ở bàn làm việc và đưa ra quyết định. Khi các nhà hoạt động xã hội diễu hành và đến đập cửa, tôi muốn ngồi ở phía bên trong để đón họ vào.

Tôi sẽ trở thành một công tố viên theo cách của riêng mình. Tôi sẽ thực hiện công việc thông qua góc nhìn từ chính những trải nghiệm và quan điểm của bản thân, từ sự hiểu biết mà tôi lĩnh hội được từ mẹ, từ hội trường ở Rainbow Sign và từ Sân Howard.

Kamala Harris / Tân Việt Books & NXB Dân trí

SÁCH HAY