Bộ phim Kim Ji Young 1982 đã nhận được sự đồng cảm của nhiều khán giả, khi lột tả sự bất công mà người phụ nữ có gia đình phải chịu. Ảnh: IMDb. |
Phụ nữ vô hình - Bất bình đẳng từ khoảng trống dữ liệu của tác giả Caroline Criado Perez là cuốn sách xã hội học đem tới một cái nhìn bao quát về bất bình đẳng giới đối với phụ nữ trong nhiều mặt của đời sống. Sự bất công đó vẫn luôn ẩn mình trong xã hội hiện đại, nơi đề cao sự văn minh, dân chủ và bình đẳng.
Cuộc sống vận hành theo cách có lợi cho đàn ông
Caroline Criado Perez đã đứng ở vị trí trung tâm, để quan sát nhiều mặt của đời sống, từ các điểm nhìn khác nhau, cô chỉ ra những bất lợi mà phụ nữ phải chịu, khi họ sống trong một thế giới được “thiết kế” để thuận tiện cho các nhu cầu mà nam giới chiếm đa số. Đàn ông ra ngoài làm việc nhiều hơn, họ nắm giữ nhiều vị trí quan trọng và tạo ra nhiều của cải, nên nhận được sự ưu tiên là điều dễ hiểu.
Cuốn sách Phụ nữ vô hình của tác giả Caroline Criado Perez. Ảnh: Oanh Đỗ. |
Khi nghiên cứu về nhiều mặt của đời sống như: Giao thông, y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội… phần lớn dữ liệu được thu thập từ nam giới, hoặc không phân biệt giới tính khi tiến hành khảo sát. Từ đó các nhu cầu của phụ nữ không được quan tâm đúng mức.
Tác giả đã đưa ra ví dụ cụ thể từ sự phân luồng giao thông công cộng ở một số nước châu Âu. Các phương tiện giao thông công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt thường có trạm dừng ở gần các tòa nhà văn phòng, để phục vụ việc đi làm của phần lớn nam giới. Trong khi đó, phụ nữ mới là đối tượng sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn.
Họ không chỉ dùng phương tiện công cộng để đi đến nơi làm việc, mà còn di chuyển đến nhiều địa điểm khác như: trường học, đi chợ, tới bệnh viện chăm sóc người thân. Nếu kinh tế eo hẹp, người vợ quyết định ở nhà làm nội trợ thì phương tiện công cộng là phương án di chuyển phù hợp. Để thuận tiện cho công việc, đàn ông thường ưu tiên đi làm bằng phương tiện cá nhân.
Chốn công sở có thiên vị cho phía bên kia?
Trong xã hội ngày nay, những người phụ nữ tài giỏi xuất hiện ở bất cứ đâu, họ là chính trị gia, giám đốc điều hành của nhiều tập đoàn lớn với năng lực và tầm ảnh hưởng ngang bằng các đồng nghiệp nam. Phụ nữ đã góp mặt trong nhiều lĩnh vực mà trước đây người ta cho rằng đó là “địa hạt” của riêng nam giới. Thế nhưng bất bình đẳng giới vẫn tồn tại ở chốn công sở.
Các nhà tuyển dụng vẫn ưu ái cho các ứng viên là nam giới. Để tiết kiệm chi phí, các công ty luôn muốn nhân viên của mình làm thêm giờ, hoặc tăng ca. Dù được tăng lương và trả thêm phụ cấp, nhưng đàn ông vẫn dễ dàng ở lại văn phòng sau giờ hành chính, vì trách nhiệm chăm sóc con cái và gia đình phần lớn do người vợ đảm đương.
Nếu phụ nữ quyết định kết hôn và sinh con, chắc chắn công việc của họ sẽ bị gián đoạn. Điều đó trở thành “hiểm họa được báo trước” với người sử dụng lao động. Để tránh rủi ro này, họ sẽ hạn chế tuyển nhân viên nữ, dù đó là công việc phụ nữ có thể đảm đương và đạt hiệu quả tương đương nam giới.
Theo khảo sát của Caroline Criado Perez, so với đồng nghiệp nam, các nhân viên nữ khó đàm phán để tăng lương và thăng chức hơn. Nhiều công ty không muốn tuyển nhân sự trên 35 tuổi, đặc biệt là nữ giới. Sau khi sinh hai con, cơ hội việc làm của nhiều phụ nữ bị thu hẹp.
Việc không được nhìn nhận đúng đắn trong công việc khiến nhiều người mẹ quyết định lui về làm tròn thiên chức, chăm sóc gia đình. Điều này khiến cho xã hội mất đi nguồn tài nguyên lớn về con người.
Cuốn sách Phụ nữ vô hình - Bất bình đẳng từ khoảng trống dữ liệu mang đến cho người đọc một cái nhìn khác về bình đẳng giới. Bình đẳng không nằm ở việc đặt hai giới ngang nhau khi suy xét một vấn đề cụ thể. Sự công bằng đến từ việc nhìn nhận một cách đúng đắn về các hạn chế của phụ nữ từ đó giúp họ thể hiện hết khả năng của mình và không bị tụt lại phía sau.
Caroline Criado Perez đã thổi một luồng gió mới vào một cuốn sách về xã hội học tưởng chừng rất khô khan. Để viết được tác phẩm với cái nhìn đa chiều, bao quát trên nhiều lĩnh vực, tác giả đã phải cần mẫn làm việc với một khối lượng tài liệu rất lớn, phân tích và sắp xếp chúng một cách hệ thống, khoa học.
Lối viết dí dỏm của Caroline Criado Perez khiến người đọc hào hứng hơn trước một đề tài khó tiếp cận. Ngoài các số liệu và nghiên cứu xã hội học, tác giả đã lấy nhiều dẫn chứng từ chính cuộc đời và sự nghiệp của một số nữ doanh nhân nổi tiếng. Điều đó đã khiến cho cuốn sách của cô giàu sức thuyết phục và truyền cảm hứng tới độc giả.