Hà Nội lại đón một ngày nắng. Những ô kính cách nhiệt tòa cao ốc thô cứng, không ngăn nổi sự chói chang của Mặt Trời. Trong văn phòng, người ta râm ran chuyện mua quà cho trẻ nhỏ. Đó là chủ đề luôn nằm “ngoài vùng phủ sóng” của đám nhân viên độc thân. Cô bạn đồng nghiệp khẽ thở dài, rồi lại chăm chú nhìn vào tập tài liệu. Màn hình điện thoại của tôi nhấp nháy, một tin nhắn vừa đến.
Duy gửi cho chúng tôi đoạn video ngắn. Ở quê giờ này, mọi người đang chuẩn bị Tết Thiếu nhi cho đám trẻ. Cậu còn gửi kèm lời nhắn: “Về nhà đi, có nhiều kẹo ngon để ăn đấy. Ngon hơn kẹo chúng mình vẫn ăn ngày bé!”.
Tôi bật cười. Bao nhiêu năm rồi, Duy vẫn hài hước như vậy. Dường như một phần thơ bé vẫn còn sót lại bên trong con người cậu.
Duy chuẩn bị đi xa để hoàn thành giấc mơ từ thuở nhỏ. Trước khi đi, cậu nói sẽ về nhà chơi mấy hôm, vừa đúng dịp tổ chức liên hoan cho đám trẻ. Nhà văn hóa thôn đã khác rất nhiều so với ngày chúng tôi còn bé. Chỉ có cây gạo bánh xe là vẫn kiên trì đứng đó. Giờ này, chẳng biết mấy đứa nhóc có còn nhặt quả gạo để chơi đồ hàng nữa không?
Kỷ niệm về ngày thơ bé lại ùa về mỗi dịp tháng 6. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang. |
Khi còn nhỏ, mỗi dịp 1/6, chúng tôi cũng háo hức ghê lắm. Chẳng mấy khi có dịp được ăn bánh kẹo và uống nước ngọt thoải mái, lại có loa thùng để hát hò.
Đám con trai chẳng màng ăn uống. Mấy anh chàng choai choai chỉ hăm hở vì trận đấu bóng đá giao hữu với làng bên. Tôi còn nhớ, vừa lấy được áo thi đấu, Duy đã hăm hở thử ngay. Nó còn đứng trước gương ngắm hồi lâu, khiến cho tôi, Hiên và Hưng chỉ biết đứng cười ngặt nghẽo.
Từ hồi còn bé, nó đã thích đá bóng, đợi mãi mới đủ tuổi vào đội của xóm. Nói là “đội bóng” cho oai vậy thôi, chứ mỗi năm chỉ tập hợp đúng một lần ngày 1/6 để thi đấu. Thế nhưng, Duy vẫn yêu đội bóng nhỏ ấy, anh chàng phấn chấn hẳn lên khi nói về trận đấu.
Năm nào đội bóng của thôn tôi thắng, mặt mũi đứa bạn tươi như hoa. Trên đường về nhà, gặp ai, nó cũng hồ hởi chào hỏi, ai nhờ gì cũng giúp đỡ rất nhiệt tình. Nếu đội nhà thua, trông nó buồn còn hơn bị viết bản kiểm điểm. Lúc ấy, ai mà nhỡ trêu anh chàng sẽ biết tay ngay.
Dẫu thế, Duy cũng chẳng buồn được đến buổi tối. Ăn cơm xong, lũ trẻ con trong xóm đã í ới gọi nhau ra sân nhà văn hóa. Có hôm, chúng tôi ra sớm quá, các anh chị vẫn còn bày bánh kẹo và cắt giấy màu trang trí. Nhìn đám em út, mấy chị khẽ cười rồi nói: Mấy năm nữa, các chị đi xa làng, đến phiên các em lo chuẩn bị nhé.
Chúng tôi nghe thấy thế chỉ cười. Đợi lúc không ai để ý, cả đám nhón cái bánh bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến. Lúc ấy, nghe thấy “mấy năm nữa” sao mà xa xôi thế. Bỗng đâu, chớp mắt một cái, tất cả đã thành người lớn. Các chị còn là mẹ của mấy đứa con.
Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 1/6, cái Hiên chọn bộ váy đẹp nhất để mặc. Nó còn thắt hai bím tóc xinh xinh. Cô bạn nhỏ của tôi sẽ lên sân khấu hát vài bài. Từ ngày học mẫu giáo, nó đã mơ thành ca sĩ. Sân khấu nhỏ dưới gốc cây gạo là nơi đầu tiên để cô bạn nâng niu giấc mơ của mình.
Nhưng háo hức nhất vẫn là Hưng. Năm nào, cứ đến ngày Quốc tế Thiếu nhi, nó cũng được đến cơ quan bố ở Hà Nội. Anh chàng phải háo hức mất mấy ngày. Nó băn khoăn không biết mặc gì, đòi bố đưa đi đâu? Hà Nội có bao nhiêu chỗ để chơi, nếu không tính toán kỹ sẽ thấy tiếc vì chưa đi được đến chỗ hay ho đã phải về.
Điều quan trọng nhất là ở trên đó có nhiều món ngon. Chuyện ăn cái gì cũng phải tính toán cho kỹ. Lên Hà Nội được mấy hôm, Hưng huyên thuyên kể chuyện. Chúng tôi chỉ nghe rồi tròn mắt thán phục. Sau đó, cả đám mới phát hiện đôi chỗ anh chàng nói khoác. Được cái, Hưng là đứa rất thảo, lần nào đi chơi về cũng mang bánh kẹo cho chúng tôi.
Giờ đây, những ngày tháng ấu thơ ấy chỉ còn là kỷ niệm. Ngày 1/6 cũng lặng lẽ trôi qua như mọi ngày bình thường. Ra phố, nhìn những gương mặt non nớt, vô ưu, tôi chỉ mong mình bé lại. Giờ này ở quê, đám trẻ cũng chuẩn bị ra sân nhà văn hóa liên hoan. Hát hò cùng đám nhóc, Duy có nhớ đến chúng tôi không? Chắc là có đấy! Có thể, nó còn để phần kẹo cho chúng tôi nữa.