Trong mảng chơi sách, thì chơi thủ bút cũng là một thú chơi kì phu, mệt mỏi và tốn kém. Bởi đa số những thủ bút hiếm đều của nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình đã về với cát bụi từ đời nảo đời nào. Chưa kể, có người chỉ vỏn vẹn ba chục cái xuân xanh đã lìa trần thì sự tìm còn vất vả, gian nan gấp vạn.
Nhưng trong bài viết này tôi không nói đến sự hạn hẹp của một thú chơi và sự khó khăn của nó. Tôi chỉ muốn nói đến khi gặp thủ bút của một cuốn sách bình thường, ra đời gần đây thì nhà văn, người đọc sẽ ứng xử với nó ra sao.
Nhà văn cảm thấy gì khi gặp lời đề tặng trang trọng của mình trong tiệm sách cũ? Tranh minh họa: Boglakar Viola. |
Nhà văn gặp thủ bút chính mình
Không hiếm nhà văn khi lang thang hiệu sách cũ vô tình gặp đứa con tinh thần của mình kí tặng trân trọng một người bạn thân thiết bị đem ra bán với giá vài nghìn đồng. Dòng đề tặng vẫn còn thơm mùi mực, sách còn nguyên nhiều trang chưa đọc. Thế là thoáng buồn, rút ví mua lại cuốn sách của mình cất công đưa tặng đem về.
Hôm sau, gặp người được tặng có gì đấy như căm ghét. Trong lòng giữ một sự ấm ức, khó chịu, muốn hỏi ngay tại sao ông/ bà, anh/ chị lại làm thế với cuốn sách tâm huyết của tôi. Hay muốn vứt đi thì vứt chỗ nào kín kín, xé trang kí tặng đi có được không. Và rồi từ đó trong cuộc sống đối xử với nhau cũng có phần khang khác.
Đồng thời, cái quyển sách tặng quay trở về nhà người viết, ngự trên giá sách như trêu ngươi. Cái trang được tặng đầy đủ tên người, ngày tháng với nét chữ bay bướm cứ uốn lượn, lởn vởn trong đầu cả tháng mới phai.
Từ đó, mỗi lần nhà văn ra sách đều cân nhắc rất kĩ việc tặng người này, không tặng người kia. Hoặc tặng sách thôi chứ không kí tá gì, để tránh cảm giác xót xa khi gặp đứa con tinh thần của mình được bán cân.
Tính sơ sơ trong một nghìn cuốn bình thường in ra thì chỉ có vài chục, nhiều lắm đến gần trăm người có thủ bút kí tặng của tác giả, dịch giả.
Với bản thân nhà văn, khi tặng ai cuốn sách đều mong họ đọc, chia sẻ với nhau dăm ba điều thì tốt. Ở thời hiện đại thì chụp cái ảnh với thiếu nữ, hoa đẹp, cà phê cà pháo quăng lên Facebook quảng cáo càng tốt.
Nhưng rốt lại, bỏ qua phù phiếm bên ngoài thì nhà văn vẫn muốn người ta đọc tác phẩm của mình một cách nghiêm túc. Đọc xong, giữ sách đấy, dù cũng biết sách tặng nhiều, chưa kể mua mới cứ dồn ứ lên, một ngày phình quá cỡ sẽ phải "toang".
Nhưng khi bắt gặp sách mình tặng ở hàng đồng nát, sách báo cũ vẫn thấy nhoi nhói.
Cái tâm trạng đối lập biết người ta không thể giữ sách mình mãi, cũng như mình không thể giữ hết sách được tặng cứ quanh quẩn. Trách hay không trách, làm thế nào với cuốn sách tặng của mình đang bị bán rẻ rúm kia. Mua lại cũng được, bỏ qua cũng được.
Xong nếu để tránh mệt mỏi, khôn ngoan hơn thì nhà văn nên nhẹ nhàng bỏ qua. Mua lại là mua vào phiền phức, ngày ngày nhìn thấy.
Bởi ở đây cần hiểu, bản chất con đường của sách vở vốn là một vòng tròn của tích trữ rồi thất tán, rồi lại tích trữ, thất tán… đến khi quyển sách bị hủy làm bột giấy thì mới xong một đời sách.
Sách Bến không chồng và thủ bút của nhà văn Dương Hướng. |
Người đọc gặp thủ bút nhà văn
Với người đọc bình thường khi mua sách báo cũ vô tình gặp thủ bút nhà văn là một may mắn hiếm có. Bởi nhà văn nhà thơ ở xứ ta được coi sống ở một cõi khác, xa xăm lắm.
Ở Quảng Ninh, chủ một quán cho thuê truyện mừng như bắt được vàng khi tôi mang cho chị một quyển sách có thủ bút nhà văn Dương Hướng kí tặng. Ở cùng trong một thành phố, nhưng chị chưa bao giờ nghĩ đến việc gặp, chứ đừng nói có chữ kí tặng của nhà văn nổi tiếng.
Người chính là cha đẻ của tiểu thuyết Bến không chồng, được giải thưởng văn học của Hội nhà văn Việt Nam năm 1991, bên cạnh Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường.
Những thủ bút do vô tình lang thang sách cũ mua được thường chỉ hên xui, được chăng hay chớ, lúc có lúc không. Giờ chữ kí của nhà văn, dịch giả đến với độc giả theo nhiều con đường hơn. Thứ nhất là trên các bản đặc biệt, bìa cứng, đánh số có chữ kí do nhà sách làm, với số lượng vài chục đến vài trăm bản.
Lời đề tặng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. |
Thứ hai là tại các buổi giới thiệu, kí tặng sách nhân dịp cuốn sách mới ra hay được tái bản lần thứ bao nhiêu đó. Thứ ba, các trang bán sách trên Facebook cũng đánh hơi được thị trường người mua tiềm năng này lên rất chủ động trong việc đi xin chữ kí tác giả. Không phải chỉ kí tên vào là xong, mà còn đề tặng tên của chính người đặt mua, thế thứ hỏi độc giả nào không thích.
Một độc giả ở tận mũi Cà Mau hay địa đầu Móng Cái có trong tủ sách của mình một cuốn sách của chính tác giả yêu mến, trên cuốn sách mới ra còn thơm đẫm mùi mực in thì còn gì bằng.
Thứ tư là các trang bán sách cũ cũng thu gom, lựa chọn những đầu sách có thủ bút, chữ kí về bán, giá tiền xê dịch tùy thuộc vào mức độ nổi tiếng của nhà văn, kí ít hay kí nhiều, còn sống hay đã chết.
Nhiều khi nhìn vào số sách cũ bán trong một buổi, có cùng đề tặng một người, vậy là biết sách thuộc sở hữu của một nhà văn nào đó đã xong nhiệm vụ nằm trong tủ, giờ nó đang quay lại đời sống phong trần của mình.
Tôi đã từng chứng kiến được vài trường hợp như vậy với những thủ bút đề tặng nhà văn Phùng Quán, nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận, hay gần nhất là Nguyễn Trí Trung, nhà văn được giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012.
Nhà văn với thủ bút nhà văn
Nhà văn, nhà thơ, dịch giả tặng nhau sách, quý thật, vì đều ở trong một quỹ đạo chữ nghĩa, phải thương lấy nhau. Nhưng được tặng nhiều quá, tích lại mãi không được, nhà chật, cơ quan hết chỗ để thì phải làm sao.
Nhiều nhà văn quan niệm sách được tặng phải trân trọng, gìn giữ đến lúc thân mình không lo được nữa mới đành buông xuôi sách ra. Những nhà văn này khi gặp phải sách mình bị bán trên vỉa hè, mạng xã hội rất dễ nổi cáu, sẵn sàng tát nước đổ đi với nhà văn được tặng kia. Tình bạn bao năm phút chốc tan biến, đổ sông đổ bể hết.
Cạnh đó, là cánh nhà văn trẻ hơn quan niệm sách để luân chuyển, chia sẻ, đọc xong thì để cho người khác cùng đọc, thế mới là sách sống, không nằm một chỗ thì thành sách chết. Nên đều đặn, họ đóng thùng cẩn thận, đâu là văn xuôi, đâu là thơ, đâu là sách thiếu nhi đem gửi những trường học, thư viện vùng cao còn khó khăn. Nhiều nhà văn thì tặng những quỹ văn hóa đọc của các bạn trẻ thường xuyên kêu gọi trên mạng xã hội.
Người có nhà dưới quê rộng thì mang sách đó về quê, đóng giá làm tủ sách, phân loại từng giá: Sách của chính nhà văn, sách được đồng nghiệp tặng, văn học nước ngoài, văn học Việt Nam, triết học, nghiên cứu phê bình, bổ sung cả truyện tranh, truyện cổ tích, làm thành một thư viện nho nhỏ cho trẻ em nơi mình sinh ra, lớn lên ngày ngày đến đọc, mượn về.
Thủ thư nhiều khi chính là bố mẹ, cũng coi như tạo công ăn việc làm cho người thân, để nhà cửa có người ra người vào trò chuyện đỡ buồn. Sâu xa hơn là để lũ trẻ được tiếp cận sớm với sách, mong chúng cũng có được cái mầm chữ nghĩa như mình từng có ngày xưa...