Trong quý IV/2022, nguồn cung bất động sản sụt giảm kỷ lục với gần 7.000 sản phẩm. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đây là thông tin được ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cung cấp trong tham luận gửi hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh ngày 17/2.
Theo đó, ông cho biết năm 2022, nguồn cung bất động sản ra thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, chủ yếu là sản phẩm cao cấp, giá trị lớn. Quý IV/2022, nguồn cung sụt giảm kỷ lục với gần 7.000 sản phẩm.
Tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường năm 2022 đạt khoảng 39%, tương đương 19.000 giao dịch, chỉ bằng 17% so với lượng giao dịch của năm 2018. Sơ bộ tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường ước đạt mức thấp kỷ lục, không đáng để thống kê.
80% môi giới bất động sản mất việc
Theo lãnh đạo Hiệp hội bất động sản Việt Nam, hiện nay số dự án bất động sản đang triển khai trên cả nước phải tạm dừng lên đến nghìn dự án với giá trị đầu tư khoảng 800.000 tỷ đồng (khoảng 30 tỷ USD), trong đó có dự án nhà ở xã hội.
Số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước, ước lượng gần 1.200 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phải phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản bộ máy, lao động. Thậm chí dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng dự án dở dang; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO...
Ngoài ra, ông Đính cho biết doanh nghiệp môi giới bất động sản cũng chật vật, thậm chí nhiều chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải bán tài sản cá nhân để duy trì hoạt động. Số môi giới phải nghỉ việc lên đến hàng chục nghìn người, ước đạt 80% lực lượng.
Công ty môi giới bất động sản không chật vật thì cũng giải thể. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo ông Đính, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là vướng mắc về cơ chế chính sách chưa được tháo gỡ triệt để. Tắc nguồn vốn tín dụng, trái phiếu và cả nguồn vốn huy động từ khách hàng.
"Doanh thu sụt giảm, chi phí tăng cao do chi phí tiếp cận tài chính, chi phí đầu vào, lãi suất tăng... khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản 'đói vốn', phải tạm dừng triển khai dự án", lãnh đạo hiệp hội đánh giá.
Doanh nghiệp nên tăng phân khúc sản phẩm giá rẻ
Đề xuất giải pháp gỡ khó cho thị trường, ông Đính cho rằng cần tháo gỡ khó khăn về hoàn thiện cơ chế, chính sách như đẩy nhanh quá trình sửa luật; cần có những chính sách khuyến khích, kích thích phát triển nhà thương mại có mức giá phù hợp; phải xác định rõ quan điểm, chỉ phê duyệt khi thực sự giải quyết được hết các vướng mắc...
Bên cạnh đó, lãnh đạo hiệp hội đề xuất một số giải pháp về tín dụng như Ngân hàng Nhà nước nên thúc đẩy nhanh việc bơm vốn cho nền kinh tế, trong đó có hoạt động phát triển bất động sản. "Tuy nhiên, cần kiểm soát tốt dòng tiền, hướng vào các phân khúc sản phẩm phù hợp và những dự án ưu tiên", ông lưu ý.
Doanh nghiệp nên cấu trúc lại các phân khúc sản phẩm của dự án theo hướng "tăng phân khúc sản phẩm giá rẻ" để dễ hấp thụ và sớm có dòng tiền.
Đối với các doanh nghiệp bất động sản, Ngân hàng Nhà nước nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giãn, hoãn các khoản vay đến hạn. Trường hợp doanh nghiệp bị nhảy sang nhóm nợ xấu hơn thì khôi phục lại và không nên áp dụng mức lãi suất mới cho các khoản vay cũ...
Ngoài ra, ông cho rằng cần có chính sách hỗ trợ để người dân có nhu cầu vay mua nhà để ở dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn. Đặc biệt là nhóm đối tượng thu nhập thấp, công nhân, người lao động.
Đối với các doanh nghiệp đang có nhiều dự án gặp khó khăn, lãnh đạo hiệp hội cho rằng nên cấu trúc lại các phân khúc sản phẩm của dự án theo hướng "tăng phân khúc sản phẩm giá rẻ" để dễ hấp thụ và sớm có dòng tiền.
Nên điều chỉnh dự án hoặc một phần dự án (trong giai đoạn đang làm thủ tục đầu tư) sang nhà ở phù hợp với nhu cầu thị trường để được hưởng các cơ chế hỗ trợ và dễ được phê duyệt hơn; rà soát lại danh mục dự án; chuyển nhượng, chuyển giao các dự án không đủ nguồn lực thực hiện được.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế