Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Khoa học ngày 15/4, có khoảng 2,5 tỷ con khủng long bạo chúa T-rex từng sống trên Trái Đất trong vòng vài triệu năm, The Guardian đưa tin.
Nhóm nghiên cứu Berkeley tại Đại học California xác định số lượng quần thể T-rex trung bình là 2,5 tỷ con, dựa trên cơ sở các phép tính về kích thước, quá trình trưởng thành và nhu cầu sử dụng năng lượng của khủng long T-rex.
Ông Charles Marshall - tác giả chính của nghiên cứu và là giám đốc Bảo tàng cổ sinh vật học thuộc Đại học California - nói: “Con số cho thấy từng có rất nhiều răng và móng vuốt. Ước tính này giúp các nhà khoa học xác định tốc độ bảo quản của các hóa thạch T-rex”.
Bộ xương hóa thạch khủng long T-rex 67 triệu năm tuổi được trưng bày tại Viện Bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia Pháp. Ảnh: Reuters. |
Cô Kristi Curry Rogers, một nhà cổ sinh vật học thuộc Đại học Macalester, cho biết: “Có lẽ giống với nhiều người, tôi đã không thể tin vào mắt mình khi biết rằng 2,5 tỷ con T-rex từng sống trên Trái Đất”.
Ông James Farlow, giáo sư địa chất tại Đại học Purdue, chia sẻ: "Ngành khoa học nghiên cứu các loài ăn thịt trên cạn lớn nhất mọi thời đại là rất quan trọng. Phát hiện này thực sự rất tuyệt vời”.
Cũng theo nghiên cứu, khủng long bạo chúa T-rex chủ yếu sinh sống ở khu vực Bắc Mỹ trong khoảng từ 1,2 đến 3,6 triệu năm. Điều này cho thấy mật độ sinh sống của loài này khá hẹp, trung bình khoảng 2 con sẽ sống ở khu vực bằng diện tích của Washington, D.C. hoặc 3.800 con sẽ ở toàn bang California.
Hiện có khoảng 100 hóa thạch được tìm thấy, trong đó có 32 con trưởng thành. "Nếu chỉ có 2,5 riệu con T-rex thay vì 2,5 tỷ, có lẽ con người sẽ không bao giờ biết chúng từng tồn tại", ông Charles Marshall cho biết thêm.