Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Kho tên lửa sắp cạn, Mỹ có dừng viện trợ cho Ukraine?

Chuyên gia CSIS cho rằng kho dự trữ tên lửa Javelin sắp cạn không ảnh hưởng nhiều tới chính sách viện trợ cho Ukraine của Mỹ, nhưng Washington có thể đối mặt với một số rủi ro.

My vien tro quan su cho Ukraine anh 1

Trao đổi với Zing về ảnh hưởng của việc Mỹ viện trợ quân sự đáng kể cho Ukraine, ông Mark Cancian - cố vấn cấp cao Chương trình An ninh Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) - cho rằng Washington phải đối mặt với một số rủi ro khi chuyển giao các hệ thống vũ khí này cho Kyiv.

“Lầu Năm Góc đang tìm cách giảm thiểu rủi ro, như mua sắm khẩn cấp các trang thiết bị thay thế. Tuy nhiên, nếu Mỹ liên quan tới cuộc xung đột lớn trong thời gian dài, điều này sẽ gây một số ảnh hưởng đến Washington”, ông nhận định.

Theo ông Cancian, Mỹ đã duy trì kho dự trữ chuẩn bị cho một loạt xung đột toàn cầu có thể xảy ra.

My vien tro quan su cho Ukraine anh 2

Ông Mark Cancian là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, tổ chức tư vấn chính sách hàng đầu ở Washington D.C. Ông là đại tá về hưu sau hơn 30 năm trong lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ. Ảnh: CSIS.

“Tại một thời điểm nào đó, lượng dự trữ có thể thấp đến mức các nhà hoạch định quân sự sẽ đặt câu hỏi kế hoạch dự phòng chiến tranh có thực hiện được không. Mỹ có khả năng đang tiến gần đến mức này”, ông viết.

Ông đặc biệt đề cập tới tên lửa phòng không Stinger và tên lửa chống tăng Javelin. “Những tên lửa hạng nhẹ vác vai như Javelin và Stinger đang 'biến mất' trong các gói viện trợ vì tình trạng thiếu hụt”, ông nhận định với Zing.

Hôm 21/4, Tổng thống Joe Biden đã công bố gói viện trợ vũ khí mới 800 triệu USD cho Ukraine, một tuần sau khi Mỹ thông qua một gói viện trợ tương tự.

Trong gói mới nhất này, Mỹ chuyển cho Ukraine thêm 500 chiếc Javelin nhưng không thấy đề cập tới Stinger.

Ngoài ra, nước này cũng gửi 18 khẩu lựu pháo 155 mm và 40.000 viên đạn pháo. Tuy nhiên, một quan chức Mỹ cảnh báo rằng chúng có thể được sử dụng hết chỉ trong vòng vài ngày.

My vien tro quan su cho Ukraine anh 3

Tên lửa chống tăng Javelin được vận chuyển tới sân bay Boryspil bên ngoài Kyiv, Ukraine ngày 10/2. Ảnh: Reuters.

Mất nhiều năm để lấp đầy kho dự trữ

Mỹ không công bố số liệu về Javelin có trong kho. Tuy nhiên, theo ước tính của chuyên gia CSIS, kho dự trữ chỉ còn lại 20.000-25.000 tên lửa Javelin. Theo thông báo hôm 22/4 của Nhà Trắng, Washington đã chuyển cho Kyiv 5.500 chiếc Javelin.

Do đó, ông Cancian kết luận "sẽ mất khoảng 3-4 năm để lấp đầy lại chỗ tên lửa đã được chuyển giao. Nếu Mỹ tiếp tục viện trợ thêm nhiều tên lửa hơn nữa cho Ukraine, thời gian bù đắp còn kéo dài hơn”.

Javelin là tên lửa chống tăng vác vai do công ty quốc phòng của Mỹ là Lockheed Martin và Raytheon chế tạo. Hoạt động theo nguyên tắc “bắn và quên”, Javelin là loại vũ khí tự dẫn đường đến mục tiêu sau khi phóng, cho phép người điều khiển nó ẩn nấp và tránh bị phản công.

Một loại vũ khí khác có lượng hàng trong kho hạn chế bên cạnh Javelin là tên lửa Stinger, theo ông Cancian. Dễ mang vác và vận hành, tên lửa Stinger giúp chống lại các mục tiêu nhỏ, chẳng hạn máy bay không người lái, tên lửa hành trình và trực thăng trinh sát hạng nhẹ cho các lực lượng cơ động cao.

Theo Nhà Trắng, tính tới ngày 12/4, Mỹ đã cung cấp hơn 1.400 chiếc Stinger cho Ukraine. Kể từ năm 2003, Mỹ không mua thêm bất kỳ chiếc nào và tổng số lượng được công bố 11.600 chiếc.

Trừ hao khoảng 1%/năm, trong kho hiện còn khoảng 8.000 chiếc. Do đó, Mỹ đã gửi khoảng gần 1/4 số lượng trong kho cho Ukraine.

Ông Cancian ước tính để lấp đầy lượng Stinger đang suy giảm, Mỹ sẽ cần ít nhất 5 năm.

“Vấn đề là chỉ có một số lượng nhỏ dây chuyền sản xuất được duy trì để đáp ứng đơn hàng nước ngoài”, do đó, thực tế có thể mất nhiều thời gian hơn so với ước tính ở trên, ông cho hay.

Hơn nữa, Bộ Quốc phòng Mỹ đang suy tính tới việc phát triển thế hệ tiếp theo của hệ thống phòng không tầm ngắn và có thể không muốn mua thêm thứ mà họ coi là “công nghệ lỗi thời”. “Vì vậy, rủi ro có thể kéo dài, khi hàng tồn kho ít nhưng không có sản phẩm thay thế”, ông kết luận.

My vien tro quan su cho Ukraine anh 4

Các lô vũ khí do Mỹ viện trợ tới sân bay Boryspil, thủ đô Kyiv, Ukraine. Ảnh: AFP.

Mỹ vẫn sẽ tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine

Theo chuyên gia từ CSIS, việc kho dự trữ vũ khí của Mỹ - trong đó có Javelin - đang cạn dần không ảnh hưởng tới chính sách viện trợ quân sự của Washington trong tương lai nếu xét tới cường độ của xung đột.

Hiện tại, cuộc chiến ở Ukraine đang bước sang giai đoạn 2. Ngày càng nhiều người lo ngại Ukraine có thể cạn kiệt đạn dược nhanh chóng khi các cuộc giao tranh gia tăng ở Donbas, sau khi lực lượng Nga rút quân khỏi Kyiv và chuyển phần lớn trọng tâm cuộc chiến sang khu vực này.

Hồi đầu tháng 4, một quan chức cấp cao Ba Lan cho biết trong một ngày, Ukraine sử dụng lượng vũ khí tương đương với số lượng họ nhận được trong một tuần.

Do đó, “mặc dù việc hỗ trợ chuyển giao cho Ukraine đang đặt ra những yêu cầu lớn về một số nguồn lực quân sự, từ quan điểm của tôi, Mỹ vẫn sẽ không thay đổi chính sách viện trợ nói chung”, ông nói với Zing.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Mỹ và các đồng minh sẽ khó kiếm được một số loại vật liệu quân sự cho đến khi kho dự trữ được củng cố.

Sự khác biệt ở gói viện trợ mới

Các gói viện trợ mới của Mỹ đang cho thấy sự thay đổi chiến thuật của Washington. Mỹ đang cung cấp một số lượng lớn các loại vũ khí chống tăng khác, như “vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới” NLAW, thay vì Javelin.

“Mỹ và các đồng minh đang cung cấp đủ vũ khí chống tăng cho Ukraine đến mức việc số lượng Javelin bị hạn chế sẽ không ảnh hưởng quá nghiêm trọng”, ông Cancian nói.

Hơn nữa, vị cố vấn cấp cao của CSIS cho biết vì cuộc chiến ở Ukraine đang bước vào giai đoạn mới liên quan đến tác chiến trong không gian mở, Mỹ đã tăng cường viện trợ loại vũ khí chủ chốt khác như pháo binh và xe bọc thép chở quân.

Các quan chức Ukraine ước tính khoảng một nửa xe tăng Nga tổn thất trong chiến dịch quân sự từ ngày 24/2 là do tên lửa chống tăng mà phương Tây viện trợ.

Tuy vậy, Kyiv thừa nhận vũ khí chống tăng cá nhân giảm hiệu quả trong cuộc chiến ở Donbas. Khu vực nông thôn ở đây không phù hợp cho chiến thuật phục kích bằng tên lửa chống tăng cá nhân như ở khu vực đô thị.

Trong bối cảnh đó, Lầu Năm Góc đã gửi vũ khí hạng nặng trong gói viện trợ mới, bao gồm 18 khẩu lựu pháo 155 mm và 200 xe bọc thép M113 (APC).

APC là thiết giáp chở quân bánh xích, được xem như “taxi chiến trường” và được quân đội Mỹ đưa vào biên chế từ năm 1960. Xe được thiết kế để chở theo khoảng 11-15 lính cùng các trang thiết bị chiến đấu của họ, đồng thời bảo vệ những người lính này khỏi hỏa lực từ súng trường tấn công của đối phương.

APC không phải là xe tăng, giáp tương đối mỏng và nhìn chung chỉ được vũ trang bằng súng máy, nhưng chúng cải thiện khả năng cơ động của bộ binh. Chúng giúp lực lượng Ukraine tiến hành các chiến dịch cơ động ở vùng đất trống phía đông.

My vien tro quan su cho Ukraine anh 5

Lựu pháo M777 155mm. Ảnh: AP.

Vai trò của pháo hạng nặng

Các loại pháo hạng nặng cũng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc giao tranh ở khu vực Donbas, phía đông Ukraine.

Địa hình tương đối bằng phẳng ở nơi này phù hợp với chiến thuật cơ động đánh tạt sườn. Khi đó, xe tăng và các lực lượng trên bộ khác sẽ được hỗ trợ bởi pháo tầm xa như lựu pháo 155 mm trong khi di chuyển.

Pháo có khả năng tấn công quân địch ở cự ly xa lên đến hơn 32 km. Theo AFP, dù cách xử lý các loại pháo Mỹ không khác mấy so với các loại pháo quân đội Ukraine đã quen thuộc, loại lựu pháo Washington gửi đợt này là dành cho cỡ nòng 155 mm. Nó vốn phổ biến ở các quốc gia thành viên NATO, trong khi Ukraine vẫn dùng pháo 152 mm do Nga sản xuất.

Vì vậy, quan chức quốc phòng Mỹ cho biết trong những ngày tới, các chuyên gia quân sự của nước này sẽ huấn luyện binh lính Ukraine cách sử dụng lựu pháo.

Ông Cancian cũng cho rằng khác với hệ thống chống vũ khí và phòng không di động như Javelin và Stinger, số lượng lựu pháo và xe bọc thép APC trong kho dự trữ của Mỹ không phải là vấn đề.

Quân đội Mỹ đang thay thế APC bằng xe bọc thép đa dụng (AMPV). Điều đó có nghĩa là việc vận chuyển APC cho Kyiv sẽ không ảnh hưởng nhiều đến năng lực nước này. Bên cạnh đó, lựu pháo 155 mm M777 vẫn đang được sản xuất, vì vậy loại vũ khí được chuyển giao có thể nhanh chóng được bổ sung.

Tuy nhiên, ông Cancian lưu ý số lượng lớn xe bọc thép APC được cung cấp có nghĩa là sẽ mất hàng tuần, hoặc thậm chí hàng tháng, để đưa tất cả chúng đến tay lực lượng Ukraine.

Mỹ cũng đang cung cấp nhiều hệ thống vũ khí khác, như vũ khí hạng nhẹ, radar theo dõi hay xe bọc thép, theo ông Cancian.

Dù vậy, với những loại này, số lượng được cung cấp tương đối nhỏ so với lượng hàng có trong kho. Ví dụ, Mỹ đã gửi cho Ukraine 50 triệu viên đạn dược.

“Nghe thì có vẻ nhiều, nhưng tổng lượng đạn dược của Mỹ cho mục đích quân sự và dân sự là 8,7 tỷ viên mỗi năm. Các chuyến hàng đến Ukraine chỉ chiếm chưa đến 1% trong số đó”, ông cho hay.

Việc Mỹ gửi nhiều loại vũ khí chủ chốt cho thấy Washington “dự đoán về một cuộc chiến dài hơi hơn, giúp phía Ukraine có đủ thời gian để đồng bộ hóa hệ thống vũ khí mới phức tạp”, ông nói thêm.

Nga tung video phóng tên lửa Iskander tiêu diệt mục tiêu Bộ Quốc phòng Nga ngày 25/4 đăng video cho thấy tổ hợp tên lửa Iskander được sử dụng trong "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.

Thế khó của thủ tướng Đức trong việc gửi vũ khí hạng nặng cho Ukraine

Đức nói nguồn cung vũ khí từ kho dự trữ "đã đạt tới giới hạn". Việc viện trợ vũ khí hạng nặng cho Kyiv có thể khiến Berlin không đảm bảo khả năng phòng thủ của chính nước này.

Vì sao Ukraine muốn nhiều vũ khí pháo binh từ Mỹ?

Khi lực lượng Nga chuyển mục tiêu đến miền Đông Ukraine, Mỹ cũng thay đổi kế hoạch viện trợ và tăng cường cung cấp vũ khí pháo binh hạng nặng cho Kyiv.

Phương Linh - Minh An

Bạn có thể quan tâm