Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khổ sở hoàn thuế

Cùng với nhiều nỗi khổ khác trong lĩnh vực thuế, hiện nay, hoàn thuế đang là gánh nặng của nhiều doanh nghiệp.

Năm 2012, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thép Khương Mai nhập khẩu số lượng lớn thép với mục đích xuất khẩu. Công ty đã đóng thuế giá trị gia tăng (GTGT) tại cơ quan hải quan để thông quan hàng hóa, nhưng từ bấy đến nay vẫn chưa được hoàn số tiền thuế 2,65 tỷ đồng. Nói như ông Đinh Công Khương, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty Khương Mai, “doanh nghiệp thiệt hại không biết bao nhiêu”.

Mòn mỏi chờ hoàn thuế

Cho đến nay, vụ vướng mắc hoàn thuế của Công ty Khương Mai đã kéo dài ròng rã ba năm. Hàng xuất khẩu cũng không xong nên còn nằm trong kho, vốn liếng của doanh nghiệp bị chôn trong đó.

Để phục vụ việc xuất khẩu, công ty phải lập một công ty khác, nhưng theo ông Khương, cũng hết sức mệt mỏi với đủ các thứ thủ tục, giấy tờ. Vì theo quy định, doanh nghiệp chỉ được hoàn thuế khi có đủ 12 tháng kinh doanh, nghĩa là mọi thứ phải bắt đầu lại từ đầu.

Hoàn thuế đang là gánh nặng của nhiều doanh nghiệp.
Hoàn thuế đang là gánh nặng của nhiều doanh nghiệp.

Trong thời gian này, nhân viên của ông Khương mất rất nhiều thời gian cho việc đi lại cơ quan thuế để thực hiện các thủ tục. Và mới đây nhất thì chính ông Khương đã tham dự cuộc đối thoại với lãnh đạo Cục Thuế TP HCM, để trình bày câu chuyện của mình. Rằng trường hợp của công ty ông đã được cán bộ thuế trả lời là không được hoàn thuế, vì kinh tế thành phố năm đó khó khăn, doanh nghiệp lại lỗ quá số vốn, và hồ sơ hoàn thuế thì chưa chuẩn.

Nhưng khi ông gõ cửa “cò” dịch vụ hoàn thuế thì được trả lời là sẽ lo được, nhưng phải trả phí bằng một nửa số tiền được nhận. Lãnh đạo Cục Thuế TP HCM tại buổi đối thoại đã trả lời một số vướng mắc của ông Khương, và mời ông lên cục thuế làm việc trực tiếp.

“Chúng tôi đã làm việc và được bộ phận quản lý trực tiếp thuộc cục thuế hướng dẫn làm hồ sơ. Dự kiến trong nay mai chúng tôi sẽ hoàn thiện hồ sơ để nộp lại. Kết quả như thế nào thì vẫn chưa biết”, ông Khương cập nhật tình hình.

Đại diện Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) chia sẻ: Năm 2010, nhân viên xuất nhập khẩu nộp nhầm thuế nên công ty làm thủ tục xin được hoàn thuế. Thuế nhập khẩu sau đó đã được cơ quan hải quan hoàn lại, nhưng thuế GTGT tổng cộng hơn 120 triệu đồng thì bị ách từ bấy đến nay.

Nhân viên hết đi đến cơ quan thuế lại sang cơ quan hải quan, vì hai bên chỉ qua chỉ lại. Lúc đầu, cơ quan hải quan hướng dẫn về Cục Thuế TP HCM để được hoàn thuế GTGT, vì đây là việc của thuế nội địa. Sang Cục Thuế TP HCM, sau một thời gian chờ đợi, công ty nhận được hướng dẫn trở lại Chi cục Hải quan Tân Cảng. Lên Tân Cảng thì lại được hướng dẫn bằng miệng là về cục thuế.

Thiệt hại mình doanh nghiệp chịu

Ông Khương nhẩm tính với số tiền 2,65 tỷ đồng nằm ở cơ quan thuế 3 năm qua, nếu ông đem gửi ngân hàng, tính lãi suất bình quân là 10%/năm thì ông đã có thêm 780 triệu đồng; nếu cho bên ngoài vay thì số tiền còn cao hơn. Vậy nhưng cả vốn lẫn lời (kỳ vọng) đó nằm chôn một chỗ. Và tất nhiên, không ai đền bù cho những thiệt hại tính được đó của doanh nghiệp.

Chị Mai Thư, Giám đốc một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu nguyên phụ liệu sản xuất bao bì, cũng mang một nỗi ấm ức không nhỏ. Mới đây, công ty của chị nhận được quyết định xử phạt hành chính của cơ quan thuế, vì chậm nộp thuế và tiền lãi chậm nộp, số tiền là 8 triệu đồng. Chị ấm ức không phải vì số tiền 8 triệu đồng (theo chị là không lớn), mà vì bản thân doanh nghiệp chị cũng đang bị tồn thuế GTGT cần hoàn gần 700 triệu đồng.

Nguyên nhân là hàng lưu kho năm, sáu tháng nay chưa bán ra được, nên doanh nghiệp chấp nhận chưa làm hồ sơ hoàn thuế dù đã đóng đủ khi nhập khẩu.

“8 triệu thì chúng tôi sẽ đóng thôi, nhưng tôi cảm thấy ấm ức vô cùng với kiểu quản lý áp đặt đó. 700 triệu đồng kia của chúng tôi, nếu tính theo lãi suất ngân hàng một tháng được bao nhiêu tiền, mà chúng tôi mới chậm nộp thuế vài ngày đã bị phạt và tính lãi khoản chậm nộp? Sao cơ quan thuế thì được quyền phạt còn doanh nghiệp thì không?”, chị Mai Thư thắc mắc.

Theo chị Thư, nỗi ấm ức càng lớn khi thấy các bạn hàng nước ngoài nói chuyện đóng thuế ở nước họ.

Chuyện thưởng phạt với doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý rất công bằng. Nếu cơ quan nhà nước có lỗi thì doanh nghiệp được bồi hoàn tiền cộng tiền lãi như lãi suất ngân hàng. Bên cạnh đó, người nộp thuế còn được trân trọng, cảm ơn. “Còn mình thì cứ như tội phạm”, chị Mai Thư so sánh.

Lý lẽ của cơ quan hoàn thuế

Về trường hợp của Công ty Khương Mai, lãnh đạo Cục Thuế TP HCM trả lời rằng, quy định về hoàn thuế GTGT hiện hành không đề cập đến việc doanh nghiệp lỗ hay không lỗ. Nói cách khác, đây không phải là điều kiện để được hay không được hoàn thuế. Tuy nhiên, trong từng trường hợp cụ thể, cơ quan thuế cũng cân nhắc, tính toán, vì trong thực tế có nhiều doanh nghiệp báo lỗ liên tục.

Bên cạnh đó, có thể doanh nghiệp chưa đủ điều kiện hoàn thuế. Vì khi kiểm tra, cơ quan thuế thấy hạch toán chưa đúng quy định kế toán. Và còn phụ thuộc vào Quỹ hoàn thuế GTGT, trong một số thời điểm, cơ quan thuế đã ra quyết định hoàn thuế, nhưng quỹ chưa đáp ứng được thì cũng đành hoàn trễ cho doanh nghiệp.

Về chuyện chậm hoàn thuế nói chung, một lãnh đạo của Cục Thuế TP HCM nhìn nhận là có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, lý do chủ yếu vì “đây là ngân sách nhà nước”, cán bộ thuế phải cẩn thận rà soát, nhằm tránh sai sót, tránh phải chịu trách nhiệm sau này.

Lý do thứ hai là cơ quan thuế địa phương phải cân đối với số tiền được Quỹ hoàn thuế GTGT phân bổ. “Vấn đề nằm ở chỗ, cơ quan cấp trên từ khi lập ra Quỹ hoàn thuế GTGT năm 2013 đã thực hiện phân bổ tiền cho các cơ quan thuế cấp dưới thấp hơn thực tế, và con số đã được cấp dưới dự toán chính xác trước đó”, vị này nói.

Còn theo một cán bộ thuộc ngành hải quan, chính vì Bộ Tài chính quản Quỹ hoàn thuế GTGT rất chặt, với số tiền phân bổ hàng năm theo một lượng nhất định, nên mới xảy ra chuyện hải quan và thuế đẩy qua đẩy lại.

Thêm vào đó, quỹ thường xuyên rơi vào tình trạng “thâm hụt”, nên hồ sơ từ năm này chuyển sang năm khác để lấy tiền phân bổ của năm sau là vậy.

Một người từng nhiều lần làm công việc hoàn thuế tiết lộ, vấn đề còn ở chỗ doanh nghiệp chấp nhận “lại quả” bao nhiêu cho cán bộ thuế, để mọi việc được nhanh chóng. Số tiền được hoàn lớn thì tỷ lệ sẽ thấp, chừng 1%.

Số tiền được hoàn nhỏ thì tỷ lệ sẽ là 2%.

Đại gia Việt bắt đầu đổ tiền đầu tư nhà di động

Tại Việt Nam, motorhome chưa nhiều, song với cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển, nhu cầu về những "ngôi nhà di động" ngày càng tăng.

http://www.thesaigontimes.vn/129908/Kho-so-hoan-thue.html

Theo Minh Tâm/Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Bạn có thể quan tâm