Ngày 5/5, Liên bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ các mặt hàng xăng RON 92, RON 95 và E5 tăng 1.950 đồng/lít. Theo đó, xăng RON 92 sẽ tăng từ 17.280 đồng lên 19.230 đồng, RON 95 và E5 từ 17.800 đồng lên 19.830 đồng. Giá cơ sở cho các mặt hàng xăng khoáng cũng lần đầu vượt mức 20.000 đồng/lít trong năm 2015.
Trước đó một ngày, đã có những dự báo về việc thay đổi giá bán lẻ các mặt hàng xăng RON 92, RON 95 và E5. Những dự đoán này đều cho thấy thị trường tin vào khả năng tăng giá của các mặt hàng nhiên liệu. Trong bối cảnh giá dầu thế giới liên tiếp tăng trở lại, cộng thêm việc nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu báo lỗ, các dự đoán trên được cho là hoàn toàn có cơ sở.
Tuy nhiên, kết quả cuối cùng là giá xăng dầu đã không có sự điều chỉnh trong ngày 4/5, thời điểm đáng lý những thông tin chính thức sẽ được công bố. Cùng ngày, Bộ Tài chính ra thông báo giảm thuế nhập khẩu cho mặt hàng dầu diesel xuống mức 12-13%.
Giá bán lẻ xăng dầu cơ sở đã vượt mức 20.000 đồng/lít. Ảnh: Hoàng Anh. |
Theo phân tích, có ít nhất 3 cơ sở để thị trường dự đoán giá xăng sẽ tăng. Thứ nhất, thuế bảo vệ môi trường chính thức tăng 300% từ mức 1.000 lên 3.000 đồng/lít kể từ 1/5. Thứ hai, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu báo lỗ lên tới 2.000 đồng/lít, dù đã có tác động của việc sử dụng Quỹ bình ổn.
Cuối cùng, giá dầu thế giới, mà cụ thể tại Singapore, nơi Việt Nam nhập khẩu trực tiếp cũng tăng lên trên 70 SGD một thùng kể từ đầu tháng 4. Thậm chí, trong những ngày gần đây, con số đã vượt ngưỡng 80 SGD một thùng.
Trước đó, ngày 21/1, giá xăng RON 92 đã giảm 1.900 đồng xuống mức 15.670 đồng/lít. Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn trong ngày hôm đó là việc các doanh nghiệp kinh doanh nhiên liệu trong cùng một ngày nhận được hai thông tư về chính sách thuế với xăng dầu.
Thông báo thay đổi mức điều chỉnh giá xăng dầu cũng thay đổi liên tục. Do đó, lần này việc những thông báo chính thức về việc điều chỉnh giá xăng dầu được đưa ra chậm hơn một ngày so với đúng chu kì được đánh giá là hành động cẩn thận, tránh những thay đổi bất ngờ gây khó hiểu cho doanh nghiệp.
Hiện tại, giá các mặt hàng xăng khoáng đã quay lại ngang bằng thời điểm cuối tháng 12/2014, sau gần 2 tháng không thay đổi.
Bên cạnh đó, việc giá xăng ngày 5/5 chưa vượt ngưỡng 20.000 đồng/lít có đóng góp không nhỏ của Quỹ bình ổn. Cụ thể, mức chi sử dụng Quỹ bình ổn mới đã tăng gần 500 đồng lên mức 1.437 đồng/lít. Việc tiếp tục sử dụng Quỹ được coi là hành động tích cực của Chính phủ trong việc điều khiển giá xăng, tránh những tác động tâm lý tiêu cực đối với đại bộ phận người tiêu dùng.
Bình luận về động thái tăng giá xăng tối muộn 5/5, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, thực chất, mức tăng 1.950 đồng chưa tính phần trích từ Quỹ bình ổn lên tới hơn 1.400 đồng. Bản chất, số tiền nói trên trong Quỹ bình ổn chính là tiền của người tiêu dùng ứng trước. Mỗi lít xăng đã được bù đắp 1.437 đồng nên mới tăng 1.950 đồng. "Thực chất, người tiêu dùng vẫn phải trả thêm hơn 3.000 đồng cho mỗi lít xăng, kể từ 21h ngày 5/5", chuyên gia này nêu quan điểm.
Một chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng, cần hạch toán cụ thể những nguồn hình thành Quỹ bình ổn giá. Nếu như đóng góp vào quỹ này chỉ có người tiêu dùng sẽ là bất hợp lý. "Doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng tham gia thị trường. Vì sao chỉ người tiêu dùng phải chịu, doanh nghiệp không bỏ ra?", vị này đặt vấn đề. Bên cạnh đó, làm rõ việc phân bố Quỹ bình ổn, khi nào dừng, khi nào thu cũng là vấn đề cần được công khai.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia nói trên, trong điều hành, công tác dự báo rất quan trọng. Tuy nhiên, tại Việt Nam và đối với lĩnh vực xăng dầu, công tác trên còn nhiều bất cập, hạn chế. Việc sử dụng các công cụ như thuế, phí, quỹ bình ổn cũng chưa thực sự linh hoạt.
Chuyên gia Ngô Trí Long đánh giá thêm, hai "cú" tăng giá với mức tăng tổng cộng 3.650 đồng trong tháng 1 và tháng 5 khá "sốc", chắc chắn sẽ tác động đến CPI. Ông cho rằng, cơ quan điều hành nên điều chỉnh đúng chu kỳ, tránh bất ngờ và đột ngột vì sẽ gây tác động không tốt đến tâm lý người dân.