Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xăng tăng mạnh, doanh nghiệp vận tải lại rục rịch tăng cước

Với mức tăng 2.000 đồng mỗi lít xăng, việc tăng giá cước là khó tránh khỏi.

Từ 21h tối qua (5/5), giá xăng tăng 1.950 đồng một lít. Kể từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ hai giá xăng tăng, và điều này có tác động khá lớn đến các doanh nghiệp (DN) vận tải. Tuy nhiên, đa số DN đều cho biết, sẽ thận trọng trước bài toán tăng giá.

Giá xăng dầu trong nước vẫn thấp

Tối 5/5, Liên bộ Công Thương - Tài chính có quyết định tăng giá mặt hàng xăng khoáng (xăng Ron 95, Ron 92) thêm 1.950 đồng một lít; xăng E5 thêm 1.950 đồng một lít; giữ nguyên giá bán các mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, áp dụng từ 21h ngày 5/5.

"Hiện mỗi ngày, trung bình tôi chạy xe xấp xỉ 200 km, chi phí tiền xăng trước đây cũng 250.000-300.000 đồng. Nay xăng tăng giá, mỗi ngày tôi sẽ phải chi thêm 35.000-40.000 đồng tiền xăng. Tính ra mỗi tháng sẽ mất thêm 1,1-1,2 triệu đồng”.

Nguyễn Văn Hậu
lái xe taxi Thành Công

“Trước đây, mỗi tháng vợ chồng tôi chạy hai xe máy hết khoảng 1 triệu đồng tiền xăng. Nay xăng tăng giá gần 2.000 đồng một lít, tính ra mỗi tháng gia đình cũng phải chi thêm trên 100.000 tiền xăng. Nhưng lo nhất vẫn là hiệu ứng giá cả leo thang thường diễn ra sau mỗi lần xăng tăng giá”.

Nguyễn Hải Hà
(Viện Hàn lâm khoa học xã hội
Việt Nam

Theo Bộ Công Thương, sau lần điều chỉnh giá xăng dầu gần nhất (ngày 13/4), giá xăng dầu thế giới tăng đột biến. Thời điểm ngày 4/5/2015, giá xăng Ron 92 đã tăng lên mức 80,890 USD một thùng, khiến cho giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu kỳ tính giá ngày 5/5/2015 chênh lệch so với giá bán như sau: Xăng Ron 92: cao hơn 3.387 đồng một lít; Xăng E5: cao hơn 3.222 đồng một lít; Dầu diesel 0.05S: cao hơn 322 đồng một lít; Dầu hỏa: thấp hơn 258 đồng một lít; Dầu mazut 3.5S: cao hơn 303 đồng/kg.

Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu phải nhằm hỗ trợ giảm chi phí đầu vào của DN sản xuất và kinh doanh, hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân, Liên Bộ quyết định: Chỉ sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để hỗ trợ mặt hàng xăng khoáng: 1.437 đồng một lít; Xăng E5: 1.272 đồng một lít để các mặt hàng xăng chỉ tăng giá bán 1.950 đồng một lít. Với mặt hàng dầu diesel, chi Quỹ Bình ổn 322 đồng mỗi lít để giữ nguyên giá bán; mặt hàng dầu mazut được chi Quỹ Bình ổn 303 đồng/kg để giữ nguyên giá bán. Riêng mặt hàng dầu hỏa, Liên bộ yêu cầu giảm giá bán 258 đồng mỗi lít.

Ngay sau đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thông báo điều chỉnh giá bán xăng Ron E5 vùng 1 là 19.830 đồng một lít, vùng 2 là 20.220 đồng một lít; Xăng Ron 92 là 19.230 đồng một lít (vùng 1), 19.610 đồng một lít (vùng 2); Xăng E5 là 18.900 đồng một lít (vùng 1), 19.270 đồng một lít (vùng 2); mặt hàng dầu hỏa giảm còn 15.810 đồng một lít (vùng 1); 16.120 đồng một lít (vùng 2).

Với mức tăng gần 2.000 đồng một lít xăng, việc tăng giá cước vận tải là khó tránh khỏi.

Như vậy, kể từ ngày 28/7/2014 đến nay, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã có 15 đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước bám sát giá của xăng dầu thế giới theo diễn biến giảm, trong đó mặt hàng xăng RON 92 có năm lần giữ giá, 14 lần giảm giá và hai lần tăng giá. Tổng mức giảm 7.315 đồng một lít, mặt hàng dầu diesel 0.05 S có 15 lần giảm giá, năm đợt giữ nguyên giá và một đợt tăng giá với tổng mức giảm 7.121 đồng một lít.

Theo Bộ Công Thương, với những nỗ lực giảm thuế nhập khẩu, xả Quỹ Bình ổn, hiện giá xăng dầu trong nước vẫn thấp hơn nhiều nước khu vực.

DN vận tải sốc nhưng không vội tăng cước

Trước thông tin giá xăng tăng vọt tới gần 2.000 đồng một lít, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, ngay ngày mai Hiệp hội sẽ họp với các DN taxi thành viên tại Hà Nội để tính toán, cân đối phương án kinh doanh.

“Với mức tăng 2.000 đồng mỗi lít xăng, việc tăng giá là khó tránh khỏi và cũng hợp lý. Còn tăng ở mức nào là tùy thuộc từng DN, sự gồng gánh và cân nhắc bài toán kinh doanh của DN. Có thể cũng sẽ có những DN kìm nén, chấp nhận không tăng giá, nhưng đồng nghĩa họ sẽ phải bù lỗ trong một giai đoạn nhất định”, ông Bình cho biết.

Ông Nguyễn Công Hùng, Phó tổng giám đốc Taxi Mai Linh Đông Bắc Bộ cũng cho biết, dù mấy ngày qua, thông tin tăng giá xăng đã râm ran, nhưng mức tăng gần 2.000 đồng một lít thì đến tối 5/5 DN mới biết, nên Mai Linh chưa có kế hoạch điều chỉnh giá cước.

“Chúng tôi sẽ họp bàn, cân nhắc lại bài toán kinh doanh, lấy ý kiến lái xe trước khi có một điều chỉnh nào đó. Trong giai đoạn vận tải cạnh tranh ngày càng khốc liệt này, DN cần tính toán thận trọng”, ông Hùng nói.

Tương tự, ông Nguyễn Thành Đô, Chủ nhiệm HTX Vận tải Thành Đô cho hay, hồi cuối năm 2014, đơn vị cũng đã giảm giá cước khoảng 12-13%. Nhưng hiện nay cạnh tranh vận tải rất gay gắt, muốn điều chỉnh giá cước cũng phải “nhìn trước ngó sau”, không thể cứ đầu vào tăng là tăng cước.

“Nếu không cân nhắc, tính toán linh hoạt, thì có khi tăng giá một ít lại mất nhiều thứ hơn. Nhưng nếu xăng dầu tăng mạnh quá, thì DN cũng không thể gồng mình chịu lỗ mãi được”, ông Đô cho hay.

 

http://www.baogiaothong.vn/xang-tang-gia-manh-doanh-nghiep-van-tai-lai-ruc-rich-tang-cuoc-d104609.html

Theo Hải Quỳnh/Báo Giao Thông

Bạn có thể quan tâm