Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Khó khăn lớn nhất ở TP Thủ Đức là giúp dân hiểu thủ tục hành chính'

Người phát ngôn UBND TP Thủ Đức nhận định khó khăn lớn đối với đơn vị hành chính mới là cần làm người dân hiểu việc sáp nhập 3 quận giúp mọi việc diễn ra thuận lợi, dễ dàng hơn.

dia diem lam giay to TP Thu Duc anh 1

Trong ngày làm việc đầu tiên của bộ máy chính quyền thành phố Thủ Đức, con dấu của UBND các quận 2, 9, Thủ Đức cũ đồng loạt chấm dứt hiệu lực. Đại diện pháp lý của đơn vị hành chính mới được sử dụng cùng thời gian đã đánh dấu những hoạt động đầu tiên của thành phố trực thuộc TP.HCM.

"Hiện, việc thay đổi tên gọi đơn vị hành chính, con dấu không phải vấn đề quá lớn. Điều mà bộ máy hành chính của TP Thủ Đức cần tập trung giúp mọi hoạt động diễn ra trơn tru, phục vụ người dân ở mức độ hài lòng cao nhất", ông Võ Tấn Quan, Chánh văn phòng UBND TP Thủ Đức, chia sẻ với Zing khi được hỏi về những khó khăn bước đầu của đơn vị hành chính mới.

Khó khăn lớn nhất là giúp người dân hiểu rõ

- Bộ máy chính quyền mới của TP Thủ Đức đã bước vào những ngày hoạt động đầu tiên. Chính quyền của đơn vị hành chính mới đã nhìn nhận được những khó khăn gì trong vận hành?

- Trong những ngày đầu tiên, số lượng hồ sơ tiếp nhận từ cá nhân, tổ chức của bộ phận giải quyết thủ tục hành chính không tăng đột biến và nằm trong khả năng dự trù. Theo tôi, khó khăn lớn nhất là cần có cách giải thích cặn kẽ, kỹ lưỡng cho người dân hiểu và an tâm.

Khó khăn lớn nhất là cần có cách giải thích cặn kẽ, kỹ lưỡng cho người dân hiểu và an tâm.

Người dân khi chưa hiểu rõ sẽ có suy nghĩ từ quận 2, 9, Thủ Đức giờ thành TP Thủ Đức thì thủ tục hành chính sẽ phức tạp và khó khăn hơn. Trách nhiệm của các cấp chính quyền là phải giải thích, hỗ trợ người dân tận tình, chu đáo và thời gian giải quyết hồ sơ cho người dân phải ngắn nhất có thể.

Cụ thể là trong việc chuyển đổi các loại giấy tờ, mọi khúc mắc của người dân cần được giải đáp ngay từ đầu. Trong khâu thực hiện, toàn bộ hồ sơ phải được ưu tiên, tạo điều kiện hơn thường lệ.

Mục đích cuối cùng là để người dân sẽ hiểu việc hình thành TP Thủ Đức giúp mọi việc diễn ra thuận lợi, dễ dàng hơn, chứ không phải thay đổi để làm mọi thứ khó khăn thêm.

dia diem lam giay to TP Thu Duc anh 2

Ông Võ Tấn Quan, Chánh văn phòng UBND TP Thủ Đức. Ảnh: Quang Huy.

- Những giải pháp nào đã được TP Thủ Đức áp dụng để tháo gỡ khó khăn trên?

- Trước đây, việc tiếp nhận hồ sơ trên địa bàn được thực hiện theo phương thức tiếp nhận và gửi trả kết quả xử lý. Hiện, các chuyên viên tiếp nhận hồ sơ của cư dân TP Thủ Đức sẽ thường trực để giải thích mọi vấn đề từ lúc họ tới làm việc.

Công tác tập huấn cho các chuyên viên tiếp nhận đã được chuẩn bị từ lâu. Bộ phận này gồm những người cứng về kỹ năng, kiến thức chuyên môn, có kinh nghiệm trong giao tiếp.

dia diem lam giay to TP Thu Duc anh 3

Lãnh đạo các phòng, ban trực thuộc TP Thủ Đức được phân công trực tiếp giải quyết vấn đề của người dân. Ảnh: Quang Huy.

Kiến thức chuyên môn được áp dụng để giải thích cặn kẽ, thấu đáo cho người dân trong từng hồ sơ vụ việc. Bên cạnh đó, chuyên viên tiếp nhận cũng cần có biện pháp trấn an tâm lý mỗi khi người dân bất đồng quan điểm hay lo lắng. Nếu chỉ đơn thuần áp dụng chuyên môn thì sẽ khô cứng và không giải quyết được mọi tình huống.

Suy cho cùng, khi tương tác tốt với người dân, họ sẽ thân thiện, cởi mở lại với chính quyền. Kết quả thu được là công việc hành chính sẽ được giải quyết nhanh chóng, nhẹ nhàng hơn.

Trong ngày làm việc đầu tiên, chúng tôi nhận thấy nhiều vấn đề chuyên viên chưa được quán triệt hoặc không đủ thẩm quyền để giải đáp. UBND TP Thủ Đức đã lên kế hoạch phân công lãnh đạo các phòng, ban túc trực để trực tiếp trả lời người dân trong những tình huống trên.

Không được trả hồ sơ của người dân

- Theo ghi nhận của Zing, nhiều người dân chưa rõ về nơi giải quyết thủ tục hành chính của TP Thủ Đức sau khi sáp nhập dẫn tới nhầm lẫn về địa điểm. Trong trường hợp này, chính quyền sẽ hỗ trợ họ ra sao?

- Trong ngày làm việc đầu tiên, nhiều người dân chưa biết rõ họ có thể nộp hồ sơ tại nơi làm việc của cả 3 quận trước đây. Nhiều người dân từ quận 9, Thủ Đức cũ đổ về trung tâm hành chính của TP Thủ Đức (phường Thạnh Mỹ Lợi) để nộp hồ sơ.

Chúng tôi đã yêu cầu bộ phận tiếp nhận vẫn xử lý hồ sơ trên, ngay cả những hồ sơ vượt thẩm quyền cũng tiếp nhận và báo cáo với lãnh đạo phòng ban, sau cùng là UBND TP Thủ Đức để giải quyết. Trong mọi trường hợp, hồ sơ của người dân cần được tiếp nhận và tìm hướng xử lý, không được trả hồ sơ của người dân.

Trong mọi trường hợp, hồ sơ của người dân cần được tiếp nhận và tìm hướng xử lý, không được trả hồ sơ của người dân.

Một vấn đề phát sinh khác là trước khi bổ nhiệm Trưởng phòng Tư pháp TP Thủ Đức, người dân cần đến UBND các phường trên địa bàn để thực hiện việc sao y, chứng thực giấy tờ. Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo UBND TP Thủ Đức đã có chủ trương phân công cán bộ túc trực, tiếp nhận và chuyển hồ sơ về các phường rồi lại chuyển về trụ sở tiếp dân sau khi hoàn thành.

Các phường cũng có bộ phận túc trực để xử lý những hồ sơ cần sao y chứng thực. Sự phối hợp nhịp nhàng trên sẽ giúp người dân thuận tiện, không cần chờ đợi lâu và di chuyển nhiều.

- Theo ông, việc chia quận Thủ Đức thành 3 khu vực để quản lý hành chính có tác động thế nào tới người dân và chính quyền trong thời điểm hiện tại?

- Sau khi có kết quả bầu cử của HĐND TP Thủ Đức ngày 22/1, UBND TP Thủ Đức đã ban hành quyết định phân công tạm thời Chủ tịch và các phó chủ tịch phụ trách theo lĩnh vực và địa bàn trên 3 khu vực: Khu vực 1 - quận 2 cũ; Khu vực 2 - quận 9 cũ; Khu vực 3 - quận Thủ Đức cũ.

Việc phân chia trên trước hết giúp người dân thuận tiện trong việc giải quyết hồ sơ hành chính. Hồ sơ của người dân được tiếp nhận, giải quyết, gửi trả tại địa điểm thuận tiện nhất so với nhu cầu.

Tại mỗi điểm tiếp nhận hồ sơ, quy trình, thủ tục thực hiện không đổi. Điều thay đổi duy nhất là UBND TP Thủ Đức trở thành đầu mối tiếp nhận, giải quyết toàn bộ vấn đề của người dân.

Ngoài ra, việc phân chia thành 3 khu vực còn giúp từng nơi rà soát, thống kê lại cơ sở vật chất, nhân sự để tái cơ cấu hợp lý.

Tận dụng tối đa điều kiện sẵn có

- Ngoài việc ổn định trong khâu vận hành, việc chuyển giao bộ máy, cơ sở vật chất từ 3 quận trước đây về TP Thủ Đức quản lý được thực hiện ra sao?

- Đến nay, TP Thủ Đức đã thực hiện được công tác chuyển giao đầu tiên là thu hồi con dấu của 3 quận trước đây. Con dấu mới của TP Thủ Đức đã chính thức có hiệu lực.

Ngoài ra, các biển hiệu, phần lớn bảng hướng dẫn tại các trụ sở hành chính cũ đã được thay đổi. Trong tuần này, việc thay đổi bảng, biển sẽ hoàn tất tại toàn bộ nơi làm việc để tránh nhầm lẫn, tạo thuận lợi cho người dân.

dia diem lam giay to TP Thu Duc anh 4

Trụ sở HĐND, UBND TP Thủ Đức được đặt tại vị trí của UBND quận 2 cũ. Ảnh: Quỳnh Danh.

Riêng việc chuyển đổi, bố trí trụ sở mới là việc phức tạp và cần có lộ trình thực hiện. Vấn đề chuyển giao nhân sự, cơ sở vật chất của 3 quận về TP Thủ Đức chắc chắn không thuận lợi được ngay. Việc gom về một đầu mối quản lý có khó khăn bước đầu do quận 2, 9, Thủ Đức trước đây là 3 đơn vị hành chính riêng, nền tảng cơ sở vật chất khác nhau.

Thách thức trước mắt có thể thấy là phải có đủ không gian trống để bố trí cơ sở vật chất 3 đơn vị hành chính cũ vào trụ sở UBND TP Thủ Đức. Trong tuần này, Văn phòng UBND TP Thủ Đức sẽ ngồi lại với các bên liên quan để ghi nhận cơ cấu, yêu cầu nhân sự, cơ sở vật chất và tìm phương án tổng thể di dời, tái bố trí.

Việc chuyển giao sẽ được thực hiện trên tinh thần tiết kiệm, tận dụng tối đa, sử dụng hiệu quả nguồn lực của quận 2, 9 , Thủ Đức trước đây.

- Ngoài cơ sở vật chất, việc chuyển đổi cổng thông tin, trục liên thông văn bản điện tử của 3 quận được thực hiện trong thời gian nào?

- Chúng tôi đã làm việc với Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM về vấn đề trên. Trang thông tin điện tử của quận 9 được lựa chọn làm website chính để nâng cấp và bổ sung nội dung từ cổng thông tin của 2 quận còn lại.

Sau khi cổng thông tin của TP Thủ Đức vận hành, dữ liệu cũ của 3 quận trước đây sẽ được giữ nguyên để tạo điều kiện tra cứu thông tin của người dân và những sản phẩm, nét đặc trưng những đơn vị hành chính cũ.

Ngoài ra, phần mềm tiếp nhận, xử lý ý kiến người dân TP Thủ Đức cũng được hợp nhất từ hệ thống hiện hữu của 3 quận thành phần.

Ngày bận rộn đầu tiên ở TP Thủ Đức

Ngày đầu tiên hoạt động, điện thoại đường dây nóng của TP Thủ Đức liên tục reo. Hơn 5 năm làm chuyên viên phụ trách đường dây nóng, ông Minh chưa bao giờ bận rộn như vậy.

Quang Huy - Thu Hằng

Bình luận

Bạn có thể quan tâm