Sáng 25/1, ông Phan Thanh Minh nhận tổng cộng 47 cuộc gọi từ người dân để hỏi về các thủ tục liên quan đến thành phố mới. Con số này gấp hơn 3 lần so với trước kia (khi còn là số hotline của UBND quận 2).
“Đa số người dân hỏi trụ sở cơ quan, trong đó có công an, chi cục thuế. Một số nội dung cũng hơi lúng túng một xíu vì chưa nắm được những đơn vị đó chuyển đi đâu, ví dụ như điểm tiếp nhận căn cước, hộ khẩu của công an. Khi đó mình phải hẹn người dân trả lời sau. Còn doanh nghiệp băn khoăn thay đổi tên thành TP Thủ Đức thì có phải thay đổi địa chỉ hay không và cách viết như thế nào", ông Minh cho hay.
Gộp 3 quận, giải quyết hồ sơ có chậm hơn trước?
Từ sáng sớm 26/1, ông Phạm Hà (ngụ quận 2 cũ) đã có mặt tại UBND TP Thủ Đức để làm thủ tục về đăng ký đất đai. Ông Hà khá ngạc nhiên khi biết thông tin từ 25/1, Văn phòng đăng ký đất đai tại 3 quận 2, 9, Thủ Đức cũ đã gộp thành một chi nhánh là Văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức (đặt tại số 1, đường Tagore, phường Bình Thọ, TP Thủ Đức). Do đó, những trụ sở tại 3 quận cũ sẽ trở thành chi nhánh của văn phòng mới này.
Nếu không nhờ các tấm biển “Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức” mới được dán ngoài cửa, ông Hà cũng không nhận ra đã có sự thay đổi.
“Hồ sơ thì vẫn nộp như mọi khi, còn thành phố xử lý khác thế nào thì tôi chưa biết. Lúc đầu tôi cũng ghi nhầm UBND TP Thủ Đức thành UBND quận 2, sau đó được cán bộ nhắc sửa lại”, ông Hà chia sẻ và cho biết khi đến đây, ông được các cán bộ giải thích tận tình, chu đáo. Điều ông băn khoăn là khi gộp văn phòng đăng ký đất đai 3 quận thành một chi nhánh, liệu việc giải quyết hồ sơ có kéo dài so với trước.
Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức tại phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2 cũ) và con dấu treo của TP mới (ảnh phải). Ảnh: Thu Hằng. |
Mong muốn làm thủ tục xóa kết quả đăng ký giao dịch đảm bảo cho khách hàng tại quận 2 cũ, chị Nguyễn Thanh Loan (cán bộ tín dụng của ngân hàng Vietcombank) chia sẻ băn khoăn lớn nhất của chị là việc thành lập TP Thủ Đức có khiến thủ tục hành chính thay đổi gì so với trước đây. Chị Loan cho biết từ khi có thông tin thành lập TP Thủ Đức, hồ sơ giao dịch liên quan đến bất động sản tại khu vực này tăng khoảng 20-30% so với trước nên chị khá quan tâm đến những thay đổi khi gộp 3 quận (2, 9, Thủ Đức).
“Mấy bạn môi giới hay lo lắng cho hồ sơ và liên tục hỏi này nọ. Mình phải gọi điện hỏi cán bộ làm việc trong này (UBND quận 2 cũ) thì được giải thích mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Mình cứ vào nộp hồ sơ, còn việc nội bộ thì họ tự xử lý được”, chị Loan chia sẻ.
Có mặt tại Khu tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính của UBND TP Thủ Đức (45 Nguyễn Thanh Sơn, phường Thạnh Mỹ Lợi) ngay trong ngày đầu tiên hoạt động, chị Loan cho biết chưa cảm nhận được khác biệt gì trong việc làm thủ tục hành chính. Do chị nộp hồ sơ từ ngày 22/1 nên khi nhận kết quả vào ngày 25/1, con dấu trên hồ sơ của chị vẫn là con dấu cũ.
Người dân vẫn nhầm UBND TP Thủ Đức thành UBND quận 2
Tại bàn tư vấn ở cổng vào của Khu tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính của UBND TP Thủ Đức, ông Tạ Văn Chì, chuyên viên văn phòng đăng ký đất đai, bận rộn giải thích cho người dân về thủ tục hành chính của thành phố mới.
“Không có gì thay đổi cả, cô chú chỉ cần ghi tên trong hồ sơ là TP Thủ Đức thay vì quận 2 thôi”, ông Chì kiên nhẫn giải thích cho từng người.
Theo ông Chì, hai ngày qua, lượt người dân đến làm thủ tục tại UBND TP Thủ Đức không tăng nhiều do các trụ sở cũ tại quận 2, 9, Thủ Đức vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi hơn trước.
Chuyên viên Tạ Văn Chì hỗ trợ người dân làm thủ tục hành chính tại UBND TP Thủ Đức. Ảnh: Quang Huy. |
Ông Trần Quang Đăng, chuyên viên phụ trách bộ phận tiếp nhận hồ sơ của UBND TP Thủ Đức, cho biết trong ngày đầu tiên hoạt động, đơn vị đã tiếp nhận 13 hồ sơ mới và trả kết quả hành chính cho 95 hồ sơ. Trong đó, hầu hết là lĩnh vực đất đai và xây dựng - chiếm 75 hồ sơ.
Đa phần các hồ sơ được trả trong ngày 25-26/1 vẫn đóng con dấu cũ do đây là các hồ sơ nhận trước ngày 22/1. Một số hồ sơ cũng được đóng con dấu mới, đa phần là hồ sơ chứng thực, hộ tịch.
"Số lượng hồ sơ không biến động nhiều do trụ sở cả 3 quận cũ vẫn hoạt động và cán bộ nắm được thông tin nên chưa có khó khăn gì lớn", ông Đăng cho hay.
Tuy nhiên, cán bộ này cũng cho biết có tình trạng một số người dân từ quận 9 cũ đến UBND TP Thủ Đức (tại quận 2 cũ) để làm hồ sơ. Với những trường hợp này, bộ phận văn phòng vẫn tiếp nhận và xử lý.
"Chúng tôi tạo điều kiện để người dân tại TP Thủ Đức có thể nộp hồ sơ tại cả 3 khu vực (quận 2, 9, Thủ Đức cũ) thay vì chỉ nộp tại một quận như trước đây. Ví dụ người dân quận 9 cũ sang quận 2 cũ nộp vẫn được. Người dân nộp hồ sơ ở đâu thì sẽ nhận tại đó", cán bộ này thông tin.
Nói thêm về việc sáp nhập văn phòng đăng ký đất đai 3 quận thành một chi nhánh là Văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức, ông Đăng cho biết các văn phòng đăng ký đất đai ở 3 quận vẫn tiếp nhận hồ sơ như trước. Sau đó, 3 chi nhánh này sẽ gửi hồ sơ lên Văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức để đóng dấu rồi chuyển lại chi nhánh để trả cho người dân. Theo ông Đăng, dù công việc nhiều hơn nhưng các cán bộ sẽ cố gắng đảm bảo giải quyết đúng thời gian quy định.
Quản lý TP Thủ Đức theo 3 khu vực
UBND TP Thủ Đức đã ban hành quyết định phân công tạm thời Chủ tịch và các phó chủ tịch phụ trách theo lĩnh vực và địa bàn trên 3 khu vực: Khu vực 1 - quận 2 cũ; khu vực 2 - quận 9 cũ; khu vực 3 - quận Thủ Đức cũ. Các phòng, ban chuyên môn cũng phân công cấp phó theo lĩnh vực và địa bàn trên 3 khu vực như trên.