Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nhân viên Google, Facebook phải tiêm vaccine mới được đến văn phòng

Nhiều hãng công nghệ lớn yêu cầu nhân viên tiêm vaccine trước khi trở lại văn phòng. Tuy nhiên, không phải ai cũng muốn đến công ty sau một thời gian dài làm việc tại nhà.

Cong ty My yeu cau nhan vien tiem vaccine moi duoc quay lai van phong anh 1

Ngày 28/7, Google là hãng công nghệ lớn đầu tiên yêu cầu nhân viên tiêm vaccine đầy đủ trước khi trở lại văn phòng làm việc. Facebook cũng đưa ra chính sách tương tự, yêu cầu tất cả nhân viên tiêm chủng trước khi đến làm việc tại các văn phòng ở Mỹ.

CEO Sundar Pichai cho biết tỷ lệ tiêm vaccine của nhân viên Google khá cao. Đó là lý do công ty cho họ trở lại văn phòng. Theo Washington Post, một số nhân viên đã tình nguyện đến văn phòng sớm, những người khác phải trở lại công ty để làm việc từ ngày 18/10.

“Tôi hy vọng những chính sách này sẽ giúp mọi người yên tâm hơn khi văn phòng mở cửa trở lại”, Pichai cho biết.

Phải tiêm vaccine mới được đến công ty

Sau thời gian dài đóng cửa văn phòng do dịch bệnh bùng phát, nhiều công ty như Apple, Google, Facebook và Amazon đã triển khai kế hoạch mở cửa lại văn phòng vào mùa thu năm nay. Trong một tuần, nhân viên sẽ có 3 ngày đến công ty, 2 ngày làm việc tại nhà.

Hồi đầu năm, chính sách của đa số công ty cho biết nhân viên đã tiêm vaccine không cần đeo khẩu trang khi đến văn phòng, thậm chí tiêm vaccine không phải điều kiện bắt buộc. Tuy nhiên trong bối cảnh biến thể Delta đang lây lan tại Mỹ, các chính sách trên đã được chỉnh sửa, một phần đến từ khuyến nghị của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Ngày 28/7, Apple đã yêu cầu nhân viên và khách mua sắm tại các cửa hàng đeo khẩu trang. Động thái này diễn ra sau khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị đeo khẩu trang ngay cả với những người được tiêm chủng đầy đủ và trẻ em ở nơi có tỷ lệ lây Covid-19 cao.

Cong ty My yeu cau nhan vien tiem vaccine moi duoc quay lai van phong anh 2

Apple yêu cầu nhân viên và khách tại cửa hàng đeo khẩu trang dù đã tiêm vaccine. Ảnh: Getty Images.

Theo CNBC, Táo khuyết không yêu cầu nhân viên khối bán lẻ tiêm vaccine nhưng vẫn khuyến khích tiêm nếu có điều kiện. Đối với văn phòng, Apple cũng thay đổi thời điểm yêu cầu nhân viên trở lại công ty từ tháng 9 sang tháng 10, song không nói rõ có bắt buộc tiêm vaccine hay không.

Trong khi một số hãng công nghệ đang yêu cầu nhân viên tiêm vaccine để quay lại văn phòng, Twitter vẫn đóng cửa chi nhánh tại San Francisco và New York do biến chủng Delta bùng phát tại Mỹ. Những kế hoạch mở cửa văn phòng của Twitter trong tương lai cũng bị tạm dừng.

Tương tự Google hay Facebook, ứng dụng nhắn tin doanh nghiệp Slack yêu cầu nhân viên tiêm vaccine mới được trở lại văn phòng. App gọi xe Lyft cũng yêu cầu xác nhậm tiêm chủng, tuy nhiên ngày mở cửa văn phòng được dời sang 2/2/2022, chậm hơn 6 tháng so với trước đó.

Ngày 29/7, Tổng thống Biden yêu cầu các nhân viên liên bang cần có xác nhận tiêm chủng vaccine. Nếu không, họ sẽ phải đeo khẩu trang, tuân thủ giãn cách xã hội và xét nghiệm 1-2 lần/tuần.

Yêu cầu tiêm vaccine mới được đến văn phòng của các hãng công nghệ và nhiều doanh nghiệp Mỹ bị một số người phản đối. Lý do bởi không phải ai cũng hoàn toàn khỏe mạnh, số khác cho rằng sự bắt buộc đang xâm phạm quyền riêng tư.

Cong ty My yeu cau nhan vien tiem vaccine moi duoc quay lai van phong anh 3

Nhiều công ty Mỹ yêu cầu nhân viên trình chứng nhận tiêm chủng mới được vào văn phòng làm việc. Ảnh: Shutterstock.

Tại Google, những người không muốn tiêm vaccine nhưng bị từ chối làm tại nhà vô thời hạn cần liên hệ bộ phận nhân sự để trao đổi thêm. Công ty cũng sẽ đưa ra các lựa chọn làm việc tạm thời cho nhân viên có hoàn cảnh đặc biệt đến cuối năm.

Lori Goler, Phó chủ tịch bộ phận con người tại Facebook cho biết công ty sẽ đưa ra quy trình làm việc với những nhân viên không thể tiêm vaccine “với lý do y tế hoặc nguyên nhân khác”. Tuy nhiên, Facebook chưa quy định rõ những người từ chối tiêm vaccine không liên quan đến sức khỏe liệu có được làm tại nhà vô thời hạn.

Ngược lại, một số nhân viên đồng ý điều kiện tiêm vaccine của các công ty. Chia sẻ với Washington Post, một nhân viên giấu tên tại Google cho biết ông hài lòng với thông báo này. Vài đồng nghiệp từng đăng bài tỏ vẻ hoài nghi về vaccine, và ông lo lắng sẽ phải trở lại văn phòng với những người chưa được tiêm chủng.

“Tôi không muốn dùng chung bữa tiệc buffet với họ”, nhân viên này nói.

Từ chối đến công ty do đã quen làm ở nhà

Bên cạnh tiêm vaccine, nhiều người không chấp nhận chính sách trở lại văn phòng bởi họ đã quen với lịch làm việc tại nhà. Cuối năm ngoái, khảo sát của công ty quản lý tài sản Mercer cho biết 94% người ở Mỹ tham gia đồng ý rằng làm việc tại nhà mang đến hiệu quả kinh doanh bằng, hoặc tốt hơn làm ở văn phòng. Họ cảm thấy hài lòng khi năng suất được đánh giá dựa trên công việc thực tế thay vì yếu tố liên quan đến văn hóa công sở, theo The Atlantic.

Nhiều hãng công nghệ có kế hoạch cho phép nhân viên tiếp tục làm việc tại nhà, nhưng Apple rất muốn đưa nhân viên trở lại văn phòng. Họ lập luận rằng làm việc trực tiếp là điều cần thiết đối với văn hóa công ty, phục vụ phát triển sản phẩm trong tương lai.

Cong ty My yeu cau nhan vien tiem vaccine moi duoc quay lai van phong anh 4

Một số nhân viên không muốn trở lại văn phòng do đã quen làm tại nhà, hoặc ngại chạm mặt đồng nghiệp. Ảnh: Google.

LaNail Plummer, CEO công ty tư vấn sức khỏe tâm thần Onyx Therapy Group nhận định đại dịch cho thấy nhiều người có thể làm việc rất hiệu quả ngoài văn phòng. Một số nhân viên đã xem ngôi nhà như nơi làm việc tốt nhất. Do đó, việc bắt buộc nhân viên trở lại văn phòng có thể coi là không tôn trọng môi trường làm việc tốt nhất của họ.

Trên thực tế, lý do khiến nhiều người từ chối quay lại văn phòng rất đa dạng, hầu hết mang tính cá nhân. "Một số người cảm thấy buồn vì có thể bỏ lỡ bữa tối với gia đình, hoặc không được tự do đi dạo vào giữa ngày... Phụ nữ và vài người có thể không thích việc phải ở cùng không gian với các đồng nghiệp không coi trọng họ, hoặc trở lại công việc gây khó khăn về tinh thần và thể chất", Plummer nói.

Theo Forbes, sự phân cực về quan điểm xã hội ngày càng lớn cũng có thể là lý do khiến nhiều người ngại chạm mặt đồng nghiệp. Tim Huelskamp, CEO dịch vụ gửi tin qua email 1440 cho biết 79% người tham gia khảo sát cảm thấy căng thẳng khi thảo luận về tin thời sự bởi họ sợ tranh cãi với gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp.

Google truy quét các ứng dụng sugar baby

Những ứng dụng hẹn hò kiểu "đổi tình lấy tiền" sẽ không được xuất hiện trên kho ứng dụng Play Store sau ngày 1/9.

Lý do Apple chặn tin đồn về iPhone

Trong lá thư gửi đến người thường xuyên phát tán tin đồn, Apple cho rằng việc này gây hại cho các nhà sản xuất phụ kiện.

Phúc Thịnh

Bạn có thể quan tâm