Tuy nhiên, ông cũng khẳng định việc một CLB bỏ ra số tiền 70 tỷ đồng để mua một cầu thủ Việt Nam – Công Phượng là chuyện rất khó xảy ra. Ông nói: “Việc các CLB Thái Lan chú ý đến cầu thủ Việt Nam đã manh nha sau giai đoạn 1 của V.League 2017. Lúc đó, nhiều người đại diện sang làm việc với đồng nghiệp tại Việt Nam để hợp tác làm ăn. Họ sẵn sàng chi mức lương, lót tay gấp đôi so với ở V.League”.
Thu nhập gấp đôi V.League
Kể từ năm 2018, các đội bóng ở các hạng đấu cao nhất của bóng đá Thái Lan được phép đăng ký một suất ngoại binh cho cầu thủ ở khu vực Đông Nam Á. Để thu hút những người tốt nhất, họ sẵn sàng trả mức lương cao. Ông Châu tiết lộ, một cầu thủ khoác áo ĐTQG Việt Nam hoặc U23 nếu sang Thai League có thể nhận mức lương chừng 4.000 – 5.000 USD/tháng và mức lót tay tối đa khoảng 200.000 USD/năm.
Ông Nguyễn Minh Châu làm môi giới cầu thủ tại Việt Nam chừng 15 năm nay và có chứng chỉ hành nghề của FIFA. Ảnh: Facebook nhân vật. |
Đây là con số gấp đôi với những gì họ nhận được ở sân chơi số một Việt Nam. Ông Nguyễn Minh Châu có chứng chỉ làm người đại diện của FIFA, làm việc tại Việt Nam hơn 15 năm nay nên nắm rất rõ giá cả của các cầu thủ ngoại lẫn nội ở V.League. Ông tiết lộ những cầu thủ thuộc hàng sao của bóng đá Việt Nam hiện tại có mức lương khoảng 2.000 USD/tháng cùng lót tay 1 – 1,5 tỷ/năm.
Cách đây vài ngày, tờ Siam Sports tiết lộ thu nhập của một số cầu thủ Đông Nam Á nhận được khi sang Thai League. Chẳng hạn, Aung Thu (Myanmar) nhận 350.000 baht/tháng (chừng 242 triệu đồng) từ CLB Police Tero. Theo ông Châu đây là thu nhập tính luôn cả lót tay lẫn tiền lương. Các ngôi sao Việt Nam như Công Phượng nếu sang Thái Lan sẽ có đãi ngộ không hề kém cạnh.
Công Phượng thi đấu chói sáng ở M-150 Cup nhưng khó có chuyện một đội bóng Thái Lan bỏ ra 70 tỷ đồng để chiêu mộ anh. |
Nhà môi giới này cũng cho biết liên tục nhận được những cuộc gọi để giới thiệu cầu thủ Việt Nam lẫn nhập tịch sang Thái Lan những ngày gần đây. Với người chơi nhập tịch, chế độ mà các đội ở Thai League dành cho họ cao hơn hẳn.
Ông nói: “Cầu thủ gốc Phi mà có quốc tịch Việt Nam khi sang Thái Lan thi đấu sẽ được lợi về suất ngoại binh châu Á. Điều này rất có lợi nếu thi đấu ở đấu trường châu lục. Cầu thủ dạng ngày có thể nhận mức lương chừng 15.000 USD/tháng và lót tay 500.000 USD/năm, đồng thời họ sẽ được hỗ trợ xe hơi, nhà cửa”.
Nhiều rào cản hạn chế cơ hội cầu thủ Việt Nam
Việc U23 Việt Nam đánh bại U23 Thái Lan 2-1 tại M-150 Cup khiến Công Phượng, Quang Hải hay Đoàn Văn Hậu nhận được nhiều sự chú ý từ các đội ở Thai League. Về kỹ năng chơi bóng, họ được đánh giá cao. Tuy nhiên theo các đại diện V.League, các ngôi sao V.League vẫn còn nhiều hạn chế.
Ông Châu dẫn lời các đồng nghiệp tại Thai League cho rằng cầu thủ Việt Nam còn điểm yếu về tâm lý, dù được đánh giá rất cao về kỹ thuật. Đây là điều đã được bộ lộ ra khi ĐTQG, U23 của hai quốc gia chạm trán nhau thời gian gần đây.
Đoàn Văn Hậu và Nguyễn Quang Hải đang nằm trong tầm ngắm của các đội Thai League nhưng CLB Hà Nội chưa chắc đã nhả quân. Ảnh: Nguyễn Đăng. |
Còn tờ Siam Sports cách đây vài ngày cũng phân tích kỹ càng những rào cản để cầu thủ Việt Nam sang Thai League. Họ thậm chí đã dẫn lời cựu đội trưởng tuyển Việt Nam Lê Công Vinh khi trả lời phỏng vấn Four Four Two.
“Cầu thủ Việt Nam có sự gắn bó với gia đình. Rất ít người dám xa người thân để tìm kiếm thử thách”, Siam Sports đánh giá. Còn Công Vinh chia sẻ rằng nhiều đồng nghiệp không tự tin vào khả năng thích nghi với môi trường mới.
“Với những trở ngại đó, các CLB Thái Lan chỉ có thể trả cho cầu thủ Việt Nam mức lương vừa phải. Còn nếu phải bỏ ra khoảng 10.000 USD/tháng trở lên, họ sẵn sàng tìm các ngoại binh ở Tây Á, những người vốn có thể hình tốt, thể lực lý tưởng lại quá quen với môi trường thi đấu chuyên nghiệp”, ông Châu tiếp lời.
Thai League được xem là giải VĐQG số 1 khu vực Đông Nam Á. Những năm qua, các CLB ở đây sẵn sàng chi đậm tiền để mua sắm cầu thủ, đặc biệt những ngôi sao đang khoác áo ĐTQG Thái Lan có giá cao không hề kém các ngoại binh đến từ Brazil hay châu Âu.
Năm ngoái, Chiangrai United chi 50 triệu baht (khoảng 31 tỷ đồng lúc đó) để mua tiền vệ Tanaboon Ketsarat từ Muangthong United, biến anh thành cầu thủ Thái Lan đắt giá nhất lịch sử. Còn trước đó, kỷ lục thuộc về Theerathon Bunmathan khi chuyển từ Buriram về Muangthong với giá 30 triệu baht.
Với 70 tỷ đồng (100 triệu baht) như tin đồn dành cho Công Phượng, một CLB Thái Lan có thể mua 2-3 tuyển thủ quốc gia vào đội hình. Đó chẳng khác gì chuyện đùa.