Benjamin Tan có quốc tịch Singapore nhưng từ giữa tháng 5/2016, ông được mời giữ chức Phó tổng giám đốc điều hành công ty Thai League (đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp của Thái Lan) cũng như giữ chức Trưởng ban Club Licensing (cấp phép các CLB).
Từ mùa bóng 2018, các CLB Thái Lan được phép đăng ký một cầu thủ Đông Nam Á (ASEAN) trong đội hình. Đây được xem là bước đi để quảng bá Thai League ra khu vực cũng như tăng tính cạnh tranh, hấp dẫn cho giải đấu. Zing.vn có đã phỏng vấn độc quyền Benjamin Tan để hiểu rõ hơn về Thai League cũng như lý do chào mời cầu thủ khu vực sang thi đấu.
"Ngôi sao của Đông Nam Á cần thi đấu ở giải hàng đầu khu vực"
- Chào Benjamin, lý do nào khiến ông quyết định sang Thái Lan làm Phó tổng Giám đốc điều hành Thai League?
- Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được săn đón bởi các thành viên trong ban quản lý của Liên đoàn bóng đá Thái Lan, đặc biệt sau khi cuộc bầu cử mới diễn ra vào năm 2016.
Ở thời điểm đó, Liên đoàn bóng đá Thái Lan đang tìm kiếm những nhà quản lý có kinh nghiệm, am hiểu về bóng đá Thái, cũng như tầm nhìn chiến lược chuyên nghiệp.
Trong những ngày đầu làm việc, tôi nhận thấy giải đấu ở Thái Lan rất thiếu sự ổn định, lý do vì sự thay đổi trong cơ cấu lãnh đạo. Tuy nhiên, tôi vẫn chấp nhận với nhiệm vụ và cảm thấy rất hạnh phúc khi biết rằng bóng đá Thái Lan đang có cái định hướng tái xây dựng, quảng bá và phát triển giải VĐQG, từ đó trở thành một trong những giải đấu hàng đầu của Đông Nam Á và châu Á.
- Công việc cụ thể của ông là gì?
- Chúng tôi phải duy trì sự hấp dẫn và thú vị của giải đấu, biến nó thành sản phẩm có tính thương mại để các nhà tài trợ có thể đầu tư, truyền thông có cái để khai thác và người hâm mộ phải say mê. Những thứ đầu tiên chúng tôi phải làm là:
Thay đổi hình ảnh giải đấu bằng cách giải quyết triệt để những vấn đề liên quan đến trọng tài. Tổ chức đào tạo và đánh giá sự thể hiện của trọng tài thường xuyên theo chương trình của FIFA và AFC, luôn có kế hoạch tập huấn trọng tài ở châu Âu.
Thay đổi thương hiệu với bản sắc riêng, logo, bài hát truyền thống và tạo thành một cách nhìn thật mới mẻ từ bên ngoài. Điều này bao gồm những hoạt động truyền thông, tiếp thị và quảng bá từ trang web chính thức hoặc các phương tiện truyền thông xã hội khác.
Đào tạo các CLB theo một hệ thống được xây dựng chặt chẽ, áp dụng cho cả 4 giải đấu (T1, T2, T3 và T4). Ban tổ chức giải đấu cũng phải điều hành một cách chuyên nghiệp và đó là ưu tiên hàng đầu khi tôi đứng vào vị trí lãnh đạo các cán bộ điều hành.
Tất cả sáng kiến này đều phù hợp với kế hoạch và chiến lược phát triển của FA Thái Lan và chúng tôi luôn tìm cách để nâng tầm bóng đá Thái Lan.
- Sau hơn một năm làm việc, ông đánh giá thế nào về Thai League cũng như hoạt động của các CLB Thái Lan?
- Giải VĐQG Thái Lan đang ngày càng phát triển, và phải thừa nhận nhiều CLB đang nỗ lực cải tiến phương thức quản lý, đặc biệt luôn hành động một cách chuyên nghiệp trong khâu đầu tư tổ chức các trận đấu và điều kiện sân bãi. Chúng ta có thể thấy nhiều CLB đang đầu tư rất tốt vào sân vận động để đáp ứng được nhiều lĩnh vực khác nhau như khu nghỉ dưỡng, phòng họp báo thân thiện, và fan-zone hiện đại.
Các câu lạc bộ Thái Lan ngày nay chú trọng hàng đầu vào sự công tác chuẩn bị cho đội hình chính và lối chơi. Một trong những điều quan trọng nhất với các CLB Thái Lan chính là phát triển khâu đào tạo trẻ. Lý do đơn giản vì những cầu thủ trẻ sẽ là tương lai cho CLB và cả đội tuyển quốc gia.
Hầu hết đội bóng hàng đầu tại Thái Lan đều có học viện rất hiện đại với các trang thiết bị đầy đủ tiện nghi, đáp ứng mọi nhu cầu phục vụ cho công tác huấn luyện. Thậm chí ngay cả những câu lạc bộ còn nhỏ chúng tôi cũng đang áp dụng công thức tương tự.
Thời gian qua bóng đá Thái Lan đang nỗ lực đầu tư vào chương trình huấn luyện cho các huấn luyện viên, theo đó tạo điều kiện cho các HLV tham gia vào các khóa học của AFC, nhằm mang đến nhiều lợi ích cho bóng đá Thái Lan. Tôi cũng tin rằng với một huấn luyện viên giỏi sẽ giúp ích rất nhiều cho các cầu thủ, giống như câu nói thầy giỏi thì trò mới giỏi. Trong một năm qua bóng đá Thái Lan đã sắp sản sinh ra 632 huấn luyện viên mới.
Ngoài ra, bóng đá Thái Lan cũng chú trọng đến công tác quản lý tài chính. Điều này đảm bảo cho các câu lạc bộ Thái không rơi vào tình cảnh nợ nần hay nợ lương cầu thủ. Một đội bóng trong tương lai phải luôn có được tình hình tài chính tươi sáng. Đây là chìa khóa then chốt nuôi sống những CLB Thái Lan. Hiện tại, chúng tôi đã có hệ thống cấp phép đảm bảo cho điều đó.
- Ông từng nói rằng sẽ giúp các đội bóng ở Thái Lan cải thiện về mặt thương mại. Đến nay việc đó đã diễn ra như thế nào?
- Để làm các trận đấu trở nên hấp dẫn, chúng tôi phải có hình ảnh thật tích cực. Vì vậy chúng tôi đã tạo ra thương hiệu của giải đấu, giải quyết vấn nạn trọng tài. Cùng với FA và các đối tác thương mại, chúng tôi đã làm rất nhiều việc để kiếm tiền từ giải đấu và đảm bảo nguồn tài trợ luôn tốt. Tôi vẫn tin rằng sẽ có thể làm tốt hơn nữa, đặc biệt là đưa ra hạn ngạch với các cầu thủ ASEAN.
Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng đây sẽ là một thành công vì các cầu thủ ASEAN sẽ có cơ hội thi đấu tốt hơn. Chúng tôi sẽ tìm hiểu những phong cách chơi bóng khác nhau, đồng thời thu hút các nhà tài trợ, đầu tư từ nước ngoài. Thai League cũng là nơi thú vị để NHM trong khu vực theo dõi, cung cấp cơ hội quảng bá tốt hơn cho giải đấu lẫn các nhà tài trợ.
Cá nhân tôi vẫn mong muốn những cầu thủ như Lê Công Vinh, Nguyễn Công Phượng chơi bóng tại Thái Lan, làm giải đấu thêm phần thú vị và hấp dẫn. Họ là những cầu thủ hàng đầu ASEAN và cần có cơ hội thi đấu tại giải hay nhất khu vực.
Công Phượng vừa để lại ấn tượng đậm nét khi lập cú đúp giúp U23 Việt Nam đánh bại U23 Thái Lan 2-1 tại M-150 Cup. Về bản thân, anh mong muốn sẽ có một ngày sang Thai League thi đấu. |
Về một đề nghị khác, chúng tôi đang xem xét giảm số lượng các đội tại Thai League 1 từ năm 2019. Giải đấu hiện tại có 18 đội và chúng tôi hướng tới 16 đội để các trận đấu trở nên thú vị hơn, đảm bảo sự cạnh tranh quyết liệt và đội hình có chất lượng.
J.League có đủ khả năng để điều hành một giải có 18 đội vì những CLB của họ rất chất lượng và chuyên nghiệp. J.League có hệ thống cấp phép và hơn 40 CLB đã có giấy phép J1 sau khi đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt để chơi tại giải cao nhất nước Nhật.
Vì vậy, tôi có kế hoạch giảm số lượng đội của Thai League xuống còn 16 để đạt chất lượng cao nhất, cạnh tranh quyết liệt nhất. Một giải đấu có sự cạnh tranh tốt sẽ thu hút sự chú ý nhiều hơn.
- Thai League được xem là giải đấu số một khu vực. Nhưng theo ông vẫn có những khó khăn, tồn tại nào?
- Mỗi giải đấu chắc chắn có những thách thức. Sẽ thật nguy hiểm nếu chúng tôi nghĩ rằng Thai League tốt nhất ở Đông Nam Á và không tiến về phía trước. Hoàn toàn sai lầm. Hầu hết CLB Thái Lan đều phụ thuộc vào một nhà tài trợ chính, vì vậy mô hình tài chính của họ tiềm ẩn những rủi ro.
Không giống như các đội bóng Nhật Bản luôn có nhiều đối tác đồng hành, họ có thể tồn tại nếu như 2-3 nhà tài trợ không còn gắn bó. Nhưng trong trường hợp của các CLB Thái Lan, nó có thể bị ảnh hưởng nặng nề nếu người bảo trợ chính hoặc chủ sở hữu quyết định rút lui.
Năm 2017, tất cả trận đấu ở Thai League 1 và Thai League 2 đều được phát sóng trực tiếp. Dù đây là điều tốt cho giải đấu, chúng tôi cũng cần giải quyết việc giảm số lượng khán giả đến SVĐ xem các trận đấu. Vì vậy, chúng tôi liên tục có những cuộc hội thảo để giúp các đội bóng tìm ra cách thức, ý tưởng thu hút người hâm mộ đến sân.
Trọng tài Thái Lan Pummarin từng sang V.League điều khiển các trận đấu mới đây vừa bị bắt vì dính đến dàn xếp tỷ số. |
Một thách thức khác là có thêm nhiều cầu thủ Thái Lan ra nước ngoài thi đấu. Một số cầu thủ đủ sức để làm điều này nhưng họ cảm thấy thoải mái với môi trường sống hiện tại và không có động lực hoặc mong muốn thử thách bản thân. Đối với tôi, đây là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của bản thân họ ở những môi trường khác nhau, trong một giải đấu khác.
- Chủ sở hữu các CLB Thái Lan chủ yếu là giới chính trị gia. Liệu họ có thật sự yêu thích bóng đá hay chỉ xem CLB như một món đồ chơi?
- Hầu hết người mà tôi biết đều có mong muốn phát triển và cải tiến các trận đấu hơn nữa. Hơi ai hết họ hiểu rằng, bóng đá làm tốn rất nhiều thời gian và họ đã cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định sở hữu một CLB. Bóng đá là phương tiện tốt để đưa mọi người xích lại gần nhau, cùng chung sự ủng hộ cho một đội bóng, đặc biệt tại các tỉnh. Vì vậy theo tôi, các ông chủ thật sự có quan tâm đến việc phát triển bóng đá tại địa phương cũng như trên toàn quốc.
- Bóng đá Thái Lan vẫn còn nạn dàn xếp tỷ số, bạo lực… Điều này ảnh hưởng thế nào đến uy tín của giải đấu?
- Đây là vấn đề cũ nhưng không được giải quyết triệt để trong quá khứ. Với hệ thống quản lý mới, chúng tôi nhấn mạnh đến sự công bằng, minh bạch và chuyên nghiệp. Chúng tôi không tha thứ cho việc lừa dối hoặc dàn xếp tỷ số làm ảnh hưởng đến trận đấu và hình ảnh giải đấu.
Do đó, chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với Sportradar, LĐBĐ châu Á và Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan. Chúng tôi đã nói chuyện và cho thấy rằng sẽ không có bất cứ sự khoan nhượng nào cho việc thao túng giải đấu, cũng như không ngần ngại trừng phạt bất cứ ai vì điều đó. Trách nhiệm của chúng tôi phải đảm bảo không có bất cứ nguy cơ nào trong các trận đấu và sẽ tiếp tục làm như vậy. Hơn ai hết, bóng đá Thái Lan cần bảo vệ uy tín của giải đấu cũng như đảm bảo sự tin tưởng từ các đối tác.
“Việt Nam phải tạo ra sản phẩm bóng đá tốt”
- Sự khác biệt giữa Thai League và V.League là gì?
- Tôi không muốn so sánh hay phân biệt Thai League và V.League nhưng từ những gì thấy và biết, tôi lạc quan cho rằng bóng đá Việt Nam như một người khổng lồ đang ngủ quên với tiềm năng to lớn, đặc biệt nếu các bên có liên quan từ chính phủ, người hâm mộ và truyền thông đặt niềm tin vào đó. Chỉ Liên đoàn bóng đá hay giải VĐQG là không đủ để thúc đẩy nền bóng đá. Tất cả mọi bên cần nỗ lực hơn, lắng nghe nhau và làm những điều tốt nhất cho bóng đá Việt Nam.
- Ông có vợ Việt Nam, từng nhiều lần đến xem các trận đấu tại V.League. Ông nghĩ gì về giải đấu của chúng tôi?
- Tôi yêu V.League. Mỗi lần đến Việt Nam tôi đều muốn xem một trận đấu của V.League. Đối với tôi, Việt Nam có rất nhiều cầu thủ giỏi. Một số người rất trẻ nhưng có kỹ năng tuyệt vời. Tôi chắc rằng với cơ cấu giải đấu chặt chẽ cùng cơ sở vật chất phù hợp với lịch trình thi đấu của ĐTQG, Việt Nam sẽ bắt kịp rất nhanh vì có tiềm năng rất lớn.
Tôi luôn nói vợ rằng việc góp mặt ở FIFA U20 World Cup là di sản tuyệt vời nhưng họ phải xây dựng và hoàn thành những điều lớn lao hơn. Và nếu bạn nhìn vào các đội tuyển trẻ Việt Nam, họ rất mạnh mẽ và có nhiều triển vọng nhưng các CLB phải cung cấp nền tảng và sự hỗ trợ cần thiết để phát triển chúng hơn nữa.
- Việt Nam từng thu hút nhiều cầu thủ Thái Lan sang thi đấu, nhưng bây giờ mọi thứ đang xuống dốc, thậm chí các CLB Việt Nam còn không kiếm được tiền bản quyền truyền hình thật sự. Theo ông, cần thay đổi từ đâu?
- Không bao giờ quá trễ và tôi thấy một số CLB, nổi bật là Hà Nội đang làm tốt và tích cực để thu hút người hâm mộ. Trước hết sản phẩm (bóng đá) phải tốt. Và hình ảnh sản phẩm phải tích cực. Đây là thành phần chính để tạo nên thành công. Mối quan hệ với người hâm mộ và truyền thông (đặc biệt là quan hệ tốt với giới truyền thông) cũng rất quan trọng vì tôi tin rằng chính họ sẽ nói về giải đấu và ủng hộ nó.
Sản phẩm tốt bao gồm việc CLB có cầu thủ giỏi (cả cầu thủ ngoại), các trọng tài và quan chức chất lượng, hệ thống đào tạo trẻ, cơ sở vật chất kiện toàn cũng như đội ngũ quản lý CLB phải chuyên nghiệp.
- Ở Việt Nam hay có tình trạng ông chủ các đội bóng bỏ ngang hoặc cầu thủ không được nhận lương. Thái Lan giải quyết điều này như thế nào?
- Chúng tôi cũng có những vấn đề tương tự. Rất khó khăn khi các đội bóng, đặc biệt là cầu thủ không được nhận lương. Điều này không tốt cho giải đấu cũng như hình ảnh. Tại Thái Lan, chúng tôi bắt tay với những ngân hàng được đảm bảo về tài chính nhằm hậu thuẫn cho các CLB. Động thái này giúp tránh trường hợp các ông chủ đội bóng có ý định rút lui, không tài trợ cho CLB.
Một cách khác là theo dõi tình hình tài chính của CLB thông qua hệ thống cấp phép để đảm bảo tình hình được duy trì ổn định. Lý tưởng nhất là các CLB không nên quá phụ thuộc vào một nguồn thu nhập, khuyến khích họ tìm kiếm nhiều nhà tài trợ hơn thông qua các hoạt động tiếp thị và đó là nơi mà sản phẩm của bạn phải đủ hấp dẫn để chào bán.