Đầu năm nay, giữa lúc chuyện đại dịch virus corona sẽ không qua nhanh trở nên rõ ràng, chính phủ Nhật Bản đã lùi lại kế hoạch cho chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ năm 2008.
Giờ đây, với việc quân đội Trung Quốc gia tăng các hoạt động gây hấn tại khu vực và Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia cho Hong Kong, Nhật Bản đang xem xét hủy luôn chuyến thăm Tokyo của ông Tập Cận Bình - nhưng rất thận trọng.
"Hiện tại, chúng tôi không đang ở trong giai đoạn sắp xếp một lịch trình cụ thể" là cách Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi tháng này nói về chuyến thăm.
Tiến thoái lưỡng nan
Trong khi các đồng minh hàng đầu của Nhật Bản đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc - đặc biệt là Mỹ, với việc yêu cầu đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston - Nhật Bản theo đuổi sự cân bằng khéo léo, lưu tâm đến sức mạnh kinh tế của đối tác thương mại lớn nhất và sự hạn chế về lựa chọn quân sự của chính họ.
Vì vậy, khi các tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển Nhật Bản hoặc lân cận trong thời gian dài nhất vài năm trở lại đây, Nhật Bản đã phản ứng một cách kiềm chế, nói sẽ kiên quyết nhưng bình tĩnh. Tokyo đã không tham gia cùng một số chính phủ phương Tây trong tuyên bố ban đầu chỉ trích luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt đối với Hong Kong.
Tokyo cũng từ bỏ kế hoạch mua một hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, một phần nào đó được coi là lá chắn chống lại Trung Quốc. Và chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã tiếp tục tránh né đề cập đến chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập, ngay cả khi các cuộc thăm dò cho thấy hầu hết người Nhật tin rằng nên hủy chuyến thăm.
"Chắc chắn Nhật Bản đang ở vào thế tiến thoái lưỡng nan", Narushige Michishita, giám đốc Chương trình nghiên cứu An ninh và Quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia tại Tokyo, cho biết. "Chúng tôi hiểu rằng Nhật Bản về cơ bản vừa cạnh tranh với Trung Quốc vừa hợp tác với họ. Chúng tôi đang chơi hai trò chơi đó cùng một lúc".
Đối với các cường quốc khác trên thế giới, quan điểm trung dung đối với Trung Quốc như vậy ngày càng khó duy trì, trước sự độc đoán ngày càng tăng và tính hiếu chiến ngày càng rõ của Bắc Kinh.
Mỹ đã thông qua các biện pháp trừng phạt đối với các công ty và quan chức Trung Quốc, đồng thời phản pháo yêu sách lãnh thổ bành trường của Trung Quốc tại các vùng biển ở khu vực. Australia dẫn đầu việc kêu gọi điều tra toàn cầu về nguồn gốc của đại dịch, xuất hiện lần đầu ở Trung Quốc, và tuyên bố đầu tư gần 1 tỷ USD vào vũ khí mạng và quốc phòng để chống lại Bắc Kinh. Anh và Canada, cùng với Australia, đã đình chỉ các thỏa thuận dẫn độ với Hong Kong vì luật an ninh quốc gia.
Biểu tình ở Hong Kong phản đối luật an ninh quốc gia. Ảnh: NYT. |
Trung Quốc đã đáp trả bằng cách hạn chế nhập khẩu từ Australia và đe dọa tiến hành một loạt hành động trả đũa đối với bất kỳ quốc gia nào có ý định trừng phạt Bắc Kinh. Hôm 24/7, Trung Quốc đã đáp trả việc đóng cửa lãnh sự quán ở Houston bằng cách yêu cầu Mỹ đóng cửa lãnh sự quán ở Thành Đô.
Ở mức độ nào đó, cách phản ứng có phần nhẹ tay của Nhật Bản với Trung Quốc phản ánh cách tiếp cận rộng hơn về chính sách đối ngoại, trong đó Tokyo có xu hướng tránh xung đột trực tiếp hoặc chỉ trích công khai các quốc gia khác. Đôi khi, Tokyo cũng tìm kiếm vai trò trung gian hòa giải, như khi Thủ tướng Abe gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani vào tháng 12/2019 để cố xoa dịu căng thẳng ở Trung Đông.
Cách đây không lâu, quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản - các nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới - đã "tan băng" sau nhiều năm nguội lạnh. Năm 2018, ông Abe trở thành nhà lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau 7 năm và hai bên cam kết hợp tác sâu sắc hơn về kinh tế và chính trị. Lời mời ông Tập đến thăm Nhật Bản được đưa ra ngay sau đó.
Giờ đây, với việc Trung Quốc phô trương sức mạnh trong lúc thế giới tập trung đối phó đại dịch, một số người đã tỏ ra thất vọng rằng Nhật Bản đã không phản kháng người hàng xóm của mình mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như bằng cách hủy bỏ chuyến thăm của ông Tập.
Cân bằng khéo léo
Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã tham gia vào cuộc đụng độ chết người ở biên giới với Ấn Độ trên dãy Himalaya và họ điều tàu trong 100 ngày liên tục - thời gian dài nhất đến nay - tuần tra vùng biển quanh Senkaku/Điếu Ngư, quần đảo do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.
Nhật Bản "chỉ cần nói chúng tôi không thể tiếp đón ông ấy nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành vi như vậy", Jeffrey Hornung, nhà phân tích tại tổ chức tư vấn chính sách RAND Corporation, đề cập đến ông Tập. Song ông Hornung thừa nhận rằng Tokyo cũng sẽ không muốn Trung Quốc nổi trận lôi đình.
"Nếu bạn nhìn vào những gì Trung Quốc đang làm với Ấn Độ hay Hong Kong thì Nhật Bản không muốn đứng trước mũi nhọn của ngọn giáo Trung Quốc lúc này", ông Hornung nói. "Họ biết những gì họ có thể làm xung quanh Senkaku khi tàu tràn ngập xung quanh như vậy".
Về Hong Kong, Nhật Bản đã không tham gia cùng Mỹ, Australia, Canada và Anh trong tuyên bố ban đầu chỉ trích luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh xây dựng.
Sau đó, Tokyo dẫn đầu nỗ lực soạn thảo tuyên bố của các bộ trưởng ngoại giao nhóm G-7 bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" về luật nói trên, và đảng Dân chủ Tự do cầm quyền tại Nhật Bản đã thông qua nghị quyết trong tháng này nói rằng họ không thể đứng bên lề tình hình ở Hong Kong.
Để đối phó với các cuộc xâm nhập của Trung Quốc ở biển Hoa Đông, Nhật Bản đã huy động máy bay chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ để tuần tra khu vực. Dù vậy, Tokyo vẫn tiếp tục sử dụng ngôn từ nhẹ nhàng trong những lần phản đối Trung Quốc.
Yoshihide Suga, chánh văn phòng nội các của ông Abe, nói với các phóng viên rằng chính phủ Nhật Bản đã "mạnh mẽ yêu cầu" tàu Trung Quốc ngừng tiếp cận tàu cá Nhật Bản và nhanh chóng rời khỏi lãnh thổ Nhật Bản. Ông nói thêm, "chúng tôi muốn tiếp tục phản ứng kiên quyết một cách bình tĩnh".
Máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản bay qua quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Kyodo. |
Các bộ phận của chính phủ Nhật Bản đã nhấn mạnh sự thù địch ngày càng tăng của Trung Quốc. Đầu tháng này, Bộ Quốc phòng Nhật cảnh báo rằng Trung Quốc đang cố gắng thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông và Biển Đông, và họ xếp Trung Quốc là mối đe dọa lâu dài nghiêm trọng hơn Triều Tiên.
Tuy nhiên, việc Nhật Bản gần đây quyết định từ bỏ kế hoạch mua một hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, được biết đến với tên Aegis Ashore, khiến một số người tự hỏi liệu giờ đây Nhật Bản có phải sẽ dễ bị Triều Tiên và Trung Quốc tấn công hơn hay không.
Song ngay sau đó, ủy ban quốc phòng của đảng cầm quyền đã thảo luận về việc liệu Nhật Bản có thể mua vũ khí cho phép tấn công địa điểm phóng tên lửa hay không, nếu phát hiện dấu hiệu tấn công sắp xảy ra từ hàng xóm.
Các cuộc thảo luận đó đang ở giai đoạn đầu, và đòi hỏi đánh giá toàn diện từ các chuyên gia hiến pháp để xác định xem việc mua bán như vậy có vi phạm điều khoản hòa bình trong hiến pháp Nhật Bản hay không.
"Trong khi việc không mua Aegis Ashore có thể khiến Nhật Bản rơi vào tình thế dễ bị tổn thương hơn, nếu Nhật Bản sử dụng cơ hội này để xoay sang sở hữu các năng lực khác, thì kết quả có thể còn đáng lo ngại hơn đối với Trung Quốc", Kristi Govella, giáo sư tại khoa nghiên cứu châu Á của Đại học Hawaii, nói.
Một lĩnh vực mà Nhật Bản đã thực hiện các bước chống lại Trung Quốc là kinh tế. Đầu năm nay, họ đã thông qua luật hạn chế đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp mà chính phủ xác định là quan trọng đối với an ninh quốc gia, động thái mà nhiều người coi là nhắm vào Trung Quốc.
Chính phủ cũng cung cấp hỗ trợ tài chính cho các công ty - đặc biệt là doanh nghiệp trong các lĩnh vực quan trọng - để họ dời nhà máy khỏi Trung Quốc trở về Nhật Bản hoặc sang Đông Nam Á.
"Nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi trong khi các nước khác đang tiếp tục xấu đi", Takahide Kiuchi, nhà kinh tế học tại Viện Nghiên cứu Nomura, nói. "Hiện tại Trung Quốc đang có lợi thế để mua lại doanh nghiệp ở các nước khác, vì vậy chính phủ Nhật thận trọng về các ngành công nghiệp quan trọng liên quan đến quân đội và an ninh quốc gia".
Tuy nhiên, Nhật Bản không muốn đẩy quá mạnh.
Trung Quốc đang đi lại con đường của Nhật Bản
Ngoài việc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, Trung Quốc cũng là nước có khách du lịch đến Nhật Bản nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trước khi đại dịch đóng cửa. Năm ngoái, gần 115.000 sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các trường đại học Nhật Bản. Chính phủ Nhật, vốn đã áp đặt lệnh cấm nhập cảnh với gần 150 quốc gia trong đại dịch, đang thảo luận về việc nhận du khách từ một số quốc gia châu Á, bao gồm cả Trung Quốc.
Du khách Trung Quốc ở khu Ginza, Tokyo, hồi tháng 1. Ảnh: Getty. |
"Một vài năm trước, dường như có không gian để Nhật Bản được coi là trung gian hòa giải vì mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở nên rất tồi tệ", ông Govella nói. Song với sự hung hăng ngày càng tăng, Trung Quốc "thực sự là bên có những giá trị trái ngược và ý định đáng ngờ tại khu vực", bà nói.
Trong khi Trung Quốc theo đuổi chính sách hiếu chiến hơn này, các nhà phân tích Nhật Bản cho biết họ hy vọng rằng Bắc Kinh có thể học hỏi từ lịch sử của Nhật Bản và không cố gắng mở rộng quyền lực của mình quá xa, đặc biệt là bằng các biện pháp áp chế.