Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Khi siêu cò Raiola thất thế

Euro 2020 chuẩn bị khởi tranh và rất có thể lần đầu tiên trong lịch sử, giải đấu sẽ chứng kiến thủ môn số một của ứng cử viên vô địch ra sân mà không thuộc biên chế CLB nào.

Bình luận

euro 2020 anh 1

“Trên thế giới này có hai gã cò mà tôi ghét, và một trong số đó là Raiola”, Sir Alex Ferguson đã nói như thế về người đại diện của Paul Pogba.

Mâu thuẫn với Sir Alex Ferguson

Tiền vệ người Pháp là một trong những cầu thủ chất lượng, xuất thân từ lò đào tạo của MU nhưng vì Raiola, đội bóng này đã mất cả trăm triệu bảng chỉ để đưa anh về. Sir Alex Ferguson chưa bao giờ che giấu việc ông ghét siêu cò này.

Trong những năm cuối sự nghiệp HLV của mình, ông đã ngừng hợp tác với Raiola sau khi Pogba, theo lời khuyên của người đại diện, đã dứt áo rời khỏi Old Trafford để đầu quân cho Juventus. “Hắn là tên khốn”, Ferguson đã hét với Pogba về Raiola như vậy.

Sau này, tay đại diện gốc Italy đã cười sằng sặc và nói: “Đó là lời khen tốt nhất mà tôi từng được nhận ấy chứ! Ferguson đã quá quen với việc người ta đến và khúm núm: Yes, sir với ông ta rồi”.

Mino Raiola, như người ta vẫn biết, đứng trong hàng ngũ “siêu đại diện” của bóng đá thế giới và tề danh cùng Jorge Mendes của Bồ Đào Nha. Tất nhiên, so với Pini Zahavi, Raiola vẫn xếp dưới một bậc. Nhưng chỉ cần nắm trong tay cùng một lúc Haaland, De Ligt, Pogba, Donnarumma, Verratti, De Vrij hay Lozano thì cũng quá đủ để ông ta trở nên nổi bật.

Trong khi Mendes nổi tiếng vì luôn cư xử lịch thiệp và biết cách làm hài hòa giữa lợi ích của đội bóng lẫn thân chủ, Raiola bỗ bã và có tư duy khác hoàn toàn. Đối với ông ta, lợi ích của thân chủ và bản thân mới được đặt lên hàng đầu. Đội bóng chẳng là cái gì, hay nói đúng hơn, chỉ là con bò để Raiola vắt sữa đến cạn kiệt.

euro 2020 anh 2

Raiola kiếm bộn tiền từ thương vụ Paul Pogba trở về Man United. Ảnh: Goal.

Điển hình của lối tư duy đó là việc Raiola đã kéo Pogba sang Juventus và rồi sau đó lại đạo diễn để cầu thủ người Pháp đòi trở lại nơi cũ với cái giá cắt cổ. Nhưng trong thương vụ khổng lồ ấy, Juventus kiếm được 80 triệu euro, 25 triệu còn lại rơi vào túi riêng của Raiola.

Có 2 cách để Raiola kiếm tiền: Thứ nhất, đòi mức lương cao nhất có thể cho thân chủ mình, qua đó ăn phần trăm hoa hồng từ mức lương này cộng với khoản phí lót tay gia hạn và thứ 2, đạo diễn những vụ chuyển nhượng với mức phí cao để ăn tiền từ cả 2 phía.

Forbes thống kê Raiola kiếm được khoảng 85 triệu USD từ các thương vụ mua bán thân chủ của mình trong những năm hoành hành trên thị trường chuyển nhượng. Tuy nhiên, đó chỉ là “của nổi” chứ “của chìm” từ những điều khoản ma mãnh như trường hợp trên thì khó có thể moi ra nổi.

Tiền tạo ra quyền lực và quyền lực lại khiến tiền sinh sôi. Raiola dùng quyền lực của siêu đại diện để áp chế các đối tác trên bàn đàm phán và dùng tiền để ve vuốt những cầu thủ có tiềm năng từ khi họ còn trẻ cho đến khi trở thành các siêu sao để tiếp tục kéo dài quyền lực đó. Người ta ghét Raiola, nhiều khi ghét lây cả những cầu thủ do Raiola quản lý. Nhưng chẳng ai có thể phủ nhận họ là những ngôi sao mà hầu như đội bóng nào cũng cần đến để gia tăng sức mạnh đội hình.

Kẻ đáng ghét của các đội bóng Italy

Raiola là một người gốc Italy. Trên hộ chiếu của ông ta là dòng chữ quốc tịch Hà Lan song nó chẳng thể che giấu nguồn gốc miền Nam Italy. Song không phải vì Raiola là người gốc Italy mà các đội bóng nước này cảm thấy có thiện cảm với ông ta. Có rất nhiều lý do để CLB Italy ghét Raiola.

Raiola phải chịu trách nhiệm một phần cho sự nghiệp tan nát của một trong những tài năng bẩm sinh lớn nhất của họ, Mario Balotelli. Balo có cá tính quá khó để kiểm soát nhưng thay vì khuyên nhủ, Raiola lại tiếp tay và khiến anh đi hết từ đội này sang đội khác.

Tiền hoa hồng cứ chảy vào tài khoản của Raiola, còn sự nghiệp của Balotelli càng ngày càng bi thảm. Từ ngôi sao được kỳ vọng nhất của bóng đá Italy, khi mới 26-27 tuổi, Balotelli đã trở thành dạng cầu thủ chẳng còn nhận được sự chú ý nữa và phải đá cho cả … Brescia và bây giờ là Monza, một CLB hạng B. Năm 2009, Raiola còn làm Serie A phẫn nộ khi đạo diễn vụ đào tẩu của Ibrahimovic từ Inter sang Barcelona khiến giải đấu càng thêm mất giá.

Tuy nhiên, không có vụ nào khiến người Italy nổi giận với Raiola hơn trường hợp của thủ thành Gianluigi Donnarumma. Từ năm 2013, tức là khi “Gigio” (biệt danh của cựu thủ môn Milan) mới 14 tuổi, Raiola đã nhận ra tiềm năng của cậu bé và trực tiếp tới tận gia đình Donnarumma để đề nghị làm người đại diện. Một bản hợp đồng ủy quyền nhanh chóng được ký kết và từ đó, mọi sự rắc rối đã bắt đầu.

“Gigio là Maradona của giới thủ môn”, Raiola từng tán dương về thân chủ của mình như thế. Tất nhiên, “Maradona” phải khác hẳn người thường. Năm 2017, lúc Donnarumma 18 tuổi, anh đã trở thành nhân vật có tiềm năng khác thường. Ở tuổi đó, thủ môn của Milan đã bắt chính gần 2 mùa giải và được tưởng thưởng bằng suất lên đội tuyển quốc gia, trở thành thủ môn chính thức trẻ nhất trong lịch sử Azzurri ở một trận đấu.

euro 2020 anh 3

Khung thành của Donnarumma có nhiều tiền giả do cổ động viên AC Milan quăng xuống.

Milan khi ấy muốn Donnarumma gia hạn hợp đồng nhanh chóng để trói chân anh. Song những lời đề nghị liên tiếp bị Raiola từ chối. Lý do được đưa ra là sự bất ổn thượng tầng từ phía Milan khi gia đình Berlusconi đang chuyển giao đội bóng cho doanh nhân Li Yonghong (Lý Dũng Hồng). Các ông chủ Trung Quốc đã tăng mức lương đề nghị lên tới chóng mặt, nhưng tay đại diện vẫn lắc đầu.

Sự vụ lùm xùm tới mức trong một trận đấu mùa hè, khi Donnarumma bắt ở trên sân, đám đông cổ động viên quá khích của Milan đã ném những tờ dollar giả xuống và lăng mạ thủ môn của đội. Cái tên “Donnarumma” sau đó đã bị mỉa mai thành “Dollarumma”. Cuối cùng, mọi sự chỉ chấm dứt khi Donnarumma đặt bút ký vào bản hợp đồng 4 năm sau khi Raiola đã rời khỏi phòng họp.

Ai cũng nghĩ đó là thất bại của Raiola nhưng không, mức lương của Donnarumma đã tăng gấp 60 lần sau hôm ấy. Cho đến nay, đó là vẫn là kỷ lục tăng lương của một cầu thủ dưới 20 tuổi tại Italy.

Mọi thứ đã khác

Cũng vẫn là Donnarumma, sau 4 năm, có vẻ Raiola lại tính đường chơi bài cũ. Milan trong những năm qua bắt đầu ổn định dần về mọi mặt. Năm 2020, đội bóng có một năm dương lịch thi đấu “sung” nhất suốt từ 2011 cho tới nay. Milan thua 3 trận và đánh bại gần như toàn bộ mọi đối thủ mạnh ở Serie A. CLB đang hướng tới việc trở lại Champions League sau 7 mùa bóng.

Tuy nhiên, có một việc khiến Milan vẫn phải đau đầu: Donnarumma chưa chịu gia hạn hợp đồng. Lúc này, có rất nhiều lý do được đưa ra cho sự chần chừ của thủ môn 22 tuổi. Milan chưa chắc có mặt trong top 4 cuối mùa, nào là ban lãnh đạo đưa ra mức lương quá thấp.

Song thực tế, mức lương hiện tại của Donnarumma là rất cao so với mặt bằng chung. Ngoại trừ Ibrahimovic, người có công lớn trong việc thúc đẩy tinh thần toàn đội, Donnarumma là người duy nhất có mức lương vượt trần. Đấy là chưa kể CLB sẵn sàng “nuôi” thêm ông anh trai Antonio của anh, một thủ môn hạng 3, với thù lao một triệu euro/năm.

Cư xử tốt là thế, Milan vẫn tiếp tục ve vuốt Donnarumma và hứa hẹn sẽ xây dựng đội bóng xung quanh anh - một thủ môn. Khi Romagnoli vắng mặt, Donnarumma thậm chí được trao băng thủ quân trong khi thường xuyên là người trẻ nhất trên sân.

Những lời đề nghị của Milan cứ tăng dần, từ 7 triệu euro lên đến 8 triệu euro rồi sẵn sàng chấp nhận gia hạn thêm chỉ 2 năm hợp đồng. Chưa có một đội bóng nào trên thế giới gia hạn với ngôi sao hàng đầu của mình, một ngôi sao mới 22 tuổi, chỉ vẻn vẹn 2 năm khi mà hợp đồng cũ đang sắp đáo hạn cả.

Rõ ràng, Tổng giám đốc Ivan Gazidis và Giám đốc Kỹ thuật Paolo Maldini đã quá nhượng bộ Raiola. Nhưng đổi lại là gì? Raiola không chịu đến gặp mặt ban lãnh đạo của Milan và chỉ đánh tiếng là sẽ trao đổi sau khi mùa giải kết thúc.

Sau đó, lời đồn về việc siêu cò này muốn Donnarumma có mức lương lên tới 10 triệu euro, thậm chí 12 triệu euro được lan ra, trong khi ông ta nhận 20 triệu euro phí môi giới. Tất cả đã làm Milan nóng mặt.

Ngay khi mùa giải vừa kết thúc, Milan lập tức công bố bản hợp đồng đầu tiên, đó là Mike Maignan, thủ môn hàng đầu của Ligue 1, người vừa góp công lớn giúp Lille đăng quang ngôi vô địch nước Pháp. Bản hợp đồng này khiến Raiola thực sự choáng váng.

euro 2020 anh 4

Donnarumma đứng trước nguy cơ rời AC Milan.

Ông ta không ngờ Milan hành động nhanh và dứt khoát đến thế. Cho đến tận trước lúc Maignan bay tới Milano để khám sức khỏe, chắc chắn Raiola vẫn tin mình đang nắm đằng chuôi, và Milan sẽ phải chấp nhận nhượng bộ, nhất là sau khi CLB vừa giành ngôi á quân và trở lại Champions League từ mùa tới.

Hành động của Gazidis và Maldini đã đẩy Donnarumma trở thành kẻ thừa thãi ở Milan, và Raiola đột nhiên trở nên bị động. Bắt đầu từ đây, người ta mới thấy siêu cò này bối rối thế nào. Donnarumma ở vị thế là ông chủ khung gỗ của Italy, vừa giành danh hiệu “thủ môn hay nhất Serie A”, bỗng dưng thấy mình không biết sẽ đi đâu. Raiola đã liên hệ với một loạt những đội bóng, các CLB mà ở mùa trước vẫn nhận vô số tin đồn tăm tia thủ môn của Milan.

Nhưng tất cả đều im lặng. Juventus, đội bóng vẫn được cho là thèm khát Donnarumma, ngãng ra sau khi Max Allegri về tiếp quản. Những tin tức về việc tài chính của Juve đang gặp khó khăn cho thấy họ chỉ có thể nghĩ đến việc đem Donnarumma về nếu đẩy được Szczesny ra đi. Barcelona, cũng lại được đồn chấp nhận mức lương 10 triệu euro mà Raiola đưa ra, vừa mới gia hạn với ter Stegen, người rõ ràng vẫn ở đẳng cấp cao hơn.

Tình thế càng trở nên xấu khi PSG, được cho là cứu cánh cuối cùng, lại vẫn có Keylor Navas đầy vững vàng trong khung gỗ. Một vài thông tin cho thấy nếu PSG ký với Donnarumma, họ tính đem anh cho mượn vài mùa. Nhưng vấn đề ở chỗ, nếu cho đi mượn, đội bóng nào đủ tiền trả lương cho Donnarumma? Và nếu một khi họ trả lương được, việc gì họ phải mượn PSG mà thay vào đó, ký thẳng với thủ môn này.

“Raiola trở lại Casa Milan”. Thông tin này đã cho thấy Raiola thất bại thực sự trong trận chiến với các ông chủ của một đội bóng, thất bại thảm hại nhất trong sự nghiệp của ông ta.

Có lẽ chính Raiola cũng phải bất ngờ trước việc mọi thứ xoay chuyển ngoài tầm kiểm soát. Tất nhiên, Raiola cũng sẽ tìm ra lối thoát, nhưng sự việc trên cho thấy, cái thời mà siêu đại diện quay các đội bóng như dế đã sắp kết thúc. Chỉ cần những đội bóng ấy dám quyết đoán và sẵn sàng không chịu bó tay.

Loạt luân lưu cảm xúc giữa Italy và Hà Lan ở Euro 2000 Tại Euro 2000, huyền thoại Dino Zoff và các học trò vỡ òa cảm xúc khi hạ gục "Cơn lốc màu da cam" ở loạt luân lưu 11 m để giành quyền vào chơi trận chung kết.

Cựu học viên AC Milan tự sát vì bị phân biệt chủng tộc

Bóng đá Italy đang nỗ lực để chống lại nạn phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, những điều tốt đẹp ấy không đến với Seid Visin, người vừa qua đời cách đây không lâu.

Tuyển Italy thắng CH Czech 4-0

Tuyển Italy nâng mạch bất bại lên con số 27, sau khi giành chiến thắng trước CH Czech trong trận giao hữu cuối cùng trước thềm Euro 2020.

Vũ Hoàng

Bạn có thể quan tâm