Ảnh: iStock. |
Khi đã cởi mở, Hà kể ban đầu, toà án xử cho Hà ở với bố, em gái ở với mẹ. Nhưng chỉ được vài tháng, người bố đã chở Hà về nhà mẹ để “gửi" do phải đi công tác thường xuyên. Về nhà mẹ ở vài tuần, mẹ Hà nhắc nhở con gái phải quay về bên nhà bố. Bố không thích cũng phải quay về đó. Vì bố cần có trách nhiệm. Bố mẹ như biến thành người khác, họ luôn cãi nhau mỗi khi gặp mặt. Và việc nuôi dưỡng, đóng tiền cho Hà luôn là lý do để họ cãi nhau.
Có lần say rượu, người bố đã nói “chúng mày là con ai, chỉ mẹ mày mới biết được". Khi Hà kể lại với mẹ chuyện này, người mẹ đã không kiềm chế được cơn giận, dẫn theo Hà đến nhà bố, lấy hết đồ dùng của Hà mang đi.
“Nếu thích mang nó đi thì đừng hy vọng tôi đưa tiền", người bố thách thức.
“Tôi sẽ chứng minh rõ ràng nó là con anh, và anh phải có trách nhiệm nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật".
Bố mẹ Hà nói với nhau như thế, rồi mẹ lôi Hà đi khỏi nhà bố. Hà kể tuần trước nó đã tìm đến cơ quan bố sau khi cô giáo chủ nhiệm cho biết Hà là trường hợp duy nhất ở lớp đang nợ học phí.
Hà xin bố đóng tiền học phí, nhưng người bố nói sẽ trao đổi với mẹ việc đó. Hà hỏi mẹ thì mẹ nó nổi nóng nên không dám hỏi thêm nữa.
Sách Chân dung của ly hôn. Ảnh: Lê Vân. |
Giọt nước tràn ly là chuyện nhóm học tập của Hà đã bàn riêng về chi phí vì cho rằng Hà sẽ không thể đóng góp. Khi trưởng nhóm nói lý do, có bạn đồng ý, có bạn phản đối. Chuyện “nợ học phí” của Hà được mang ra mổ xẻ.
Hà kể về tâm trạng của mình: “Em thấy bức bối khó chịu lắm. Đi vào lớp, chỉ cần một ai đó nhìn em em cũng nghĩ nó đang hóng chuyện nhà mình. Khi giải lao, các bạn tụ lại với nhau nói chuyện, em nghĩ ‘chắc chúng đang bàn chuyện nhà mình’. Có lần, cô gọi bạn lớp trưởng ra ngoài hành lang trao đổi, em cũng nghĩ ‘chắc có nói về trường hợp của em'.
Trong buổi sinh hoạt lớp tuần trước, cô giáo chủ nhiệm tổng kết số tiền bọn em bán đồ ăn sáng để làm từ thiện. Cô giới thiệu các địa chỉ học sinh khó khăn mà nhà trường thống nhất để hỗ trợ, rồi gợi ý việc giúp đỡ không nhất thiết là đóng tiền gửi đến một địa chỉ mà có thể giúp đỡ ngay bạn bè trong lớp, trong trường.
Khi đó có vài bạn nhìn em, em chỉ muốn đất có lỗ để chui xuống. Thay vì cảm kích, em lại chỉ muốn hét lên, đập phá. Mỗi khi vào lớp, em muốn đấm vào mặt ai đó nhìn em. Nhưng bị các bạn lảng tránh, em cũng có cảm giác bất mãn, tủi thân. Không biết từ khi nào, em thấy em không được bình đẳng, ngang hàng với các bạn".
Rõ ràng từ một việc tưởng nhỏ đã nảy sinh vấn đề lớn. Hà không đơn thuần chỉ bị ngại ngùng, xấu hổ mà tác động từ sự cố gia đình và chuyện trên lớp khiến Hà đang có những diễn tiến xấu về tâm lý.
Cho rằng mình là người thừa, là lý do bố mẹ cãi nhau, Hà nghĩ nếu mình bỏ học, đi đâu đó khuất mắt chắc bố mẹ sẽ thoải mái. Hành động bộc phát là trốn học. Nhưng sau đó sẽ phải làm gì thì Hà hoang mang không biết.
“Chưa biết làm gì thì cứ quay lại lớp học, như bình thường đã", cô tư vấn khuyên.
Sau cuộc gặp đó, Hà quay lại lớp. Hà cũng đồng ý để cô tư vấn hẹn gặp mẹ. Nhưng mẹ Hà đã tìm cớ trì hoãn. Cô tư vấn chuyển hướng sang liên hệ với người bố. Bất ngờ là anh đồng ý gặp ngay khi nghe có lý do liên quan tới con gái anh.
Sau khi nghe về vụ “nợ học phí" khiến Hà xấu hổ đã trốn học, người bố ngồi lặng đi một lúc. Rồi anh kể anh trải qua một cú sốc lớn khi biết đứa con út không phải là con ruột của anh. Việc phát hiện vợ lừa dối và sau đó vẫn tiếp tục gặp gỡ bố ruột của đứa trẻ khiến anh không thể tha thứ nên đã quyết định ly hôn.
Tòa xử mỗi người nuôi dưỡng một con. Đứa con út, đương nhiên vợ anh nhận nuôi. Anh chịu trách nhiệm nuôi đứa con chung là Hà.
Khi dọn ra ở riêng, anh có nhiều bối rối khi phải lo lắng việc nội trợ. Hà đang ở tuổi dậy thì, những thay đổi trong tâm tính của con anh không hiểu được. Chán nản, anh sa đà rượu chè. Có đêm say sưa ngủ lại nhà bạn không về.
Một lần, trong lúc say lại giận vì Hà nói hỗn, anh đã buột miệng nói ra điều không nên nói, rằng chắc gì Hà đã là con ruột mình. Trong thâm tâm, anh biết Hà ruột thịt. Nhưng cơn giận với vợ cũ như thuốc độc ngấm sâu vào tâm can khiến anh hay nói bừa vào những lúc say.
Không ngờ, câu nói của anh được Hà kể với mẹ. Vợ cũ anh nổi nóng, dẫn cả con gái đến nhà anh để dọn hết đồ đạc của con đi. Chị tuyên bố sẽ đón Hà về ở hẳn với mình. Chị cũng lập tức đi xét nghiệm ADN để khẳng định Hà là con ruột của anh, cho rằng đây là bằng chứng để anh phải có trách nhiệm nuôi dưỡng.
Chị gửi email liệt kê một danh sách dài những khoản chi tiêu cho Hà mà theo chị anh phải đóng góp ít nhất một nửa. Ngoài học phí ở trường, chi phí học thêm, còn tiền ăn hàng ngày, cả tiền mua quần áo, giày mới, tiền mua quà sinh nhật.
Vì bực với thái độ của vợ cũ, anh đã không đưa tiền như yêu cầu của chị.
Cuối cùng thì vấn đề đã rõ, bố mẹ Hà đang mang con ra làm phương tiện để “đấu” với nhau. Chưa chắc mẹ Hà đã khó khăn về kinh tế đến mức cần phải làm chồng cũ hỗ trợ nuôi con. Nhưng vì chồng cũ nghi ngờ thì chị cũng phải hơn thua.
Sau cuộc gặp đó, người bố đã đến trường trực tiếp nộp học phí và xin lỗi vì sự chậm trễ. Anh cũng đóng tiền quỹ ban phụ huynh, còn tài trợ nhà trường tiền trồng thêm cây trong sân trường.