Lệnh cấm vận năm 1973 để lại hậu quả nặng nề. Ảnh: David Falconer/EPA. |
Chính trị gia Henry Kissinger cho rằng lệnh cấm vận, cắt giảm sản xuất và giới hạn xuất khẩu đã “biến đổi thế giới theo một cách không thể khác được như đã phát triển trong giai đoạn sau Chiến tranh thế giới thứ hai”.
Theo sách của Daniel Yergin, vào tháng 10/1973, để bắt đầu cuộc chiến tranh thứ tư giữa Ả Rập và Israel, lực lượng quân sự của cả hai bên đều được trang bị vũ khí tối tân nhất từ sự trợ giúp của hai cường quốc là Mỹ và Liên Xô. Nhưng loại vũ khí có hiệu lực nhất lại chính là lệnh cấm vận đến bất ngờ và gây choáng váng.
Cuộc tranh luận về vũ khí dầu lửa đã nổ ra từ những năm 1950, các thành viên của Ả Rập tính từ việc hủy diệt toàn Israel hoặc cưỡng bức phải từ bỏ lãnh thổ. Tuy nhiên khi ấy, việc sử dụng vũ khí này không thành bởi thực tế là dầu lửa Ả Rập tưởng chừng không bao giờ cạn kiệt lại không phải là nguồn cung duy nhất.
Đầu những năm 1970, khi thị trường đang được thắt chặt, thế giới Ả Rập trở nên ngày càng căng thẳng khi kêu gọi sử dụng vũ khí dầu lửa để đạt được những mục tiêu chính trị và kinh tế.
Năm 1973, dầu trở thành một thứ không thể thiếu được đối với mọi nền kinh tế công nghiệp. "Chưa bao giờ trong giai đoạn hậu chiến mà sự cân bằng cung - cầu lại chặt chẽ đến như vậy, trong khi mối quan hệ giữa các nước xuất khẩu dầu và các công ty dầu mỏ bắt đầu sáng tỏ", Daniel Yergin bình luận. Ông cho rằng tình cảnh khi ấy là khi chỉ cần phát sinh thêm một áp lực cũng có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng diện rộng.
Ả Rập đã khơi lên một chiến dịch, cảnh báo sẽ không tăng sản lượng dầu lửa để đáp ứng nhu cầu đang ngày càng tăng và vũ khí dầu lửa của người Ả Rập sẽ được sử dụng theo cách nào đó, trừ phi Mỹ có quan điểm gần hơn với người Ả Rập và xa lánh Israel.
Đầu tháng 5/1973, đích thân nhà vua đã gặp ban quản trị của Công ty Aramco. Ông nói ông là một người bạn đáng tin cậy của Mỹ. Nhưng điều “hoàn toàn bắt buộc” là Mỹ “hãy làm điều gì đó để thay đổi chiều hướng của những sự kiện đang xảy ra tại Trung Đông hiện nay.
Ả Rập gia tăng sức ép lên Mỹ nhằm cô lập Israel, đỉnh điểm là tới ngày 20/10, nước này cắt giảm tất cả số tàu chở dầu, đến tận thùng dầu cuối cùng, tới Mỹ. Đây là hành động đáp trả cho việc Mỹ cung cấp vũ khí quân sự cho Israel.
Hành động cấm vận báo hiệu một kỷ nguyên mới cho tình hình dầu lửa thế giới. Khi chiến tranh trở nên đặc biệt quan trọng đối với các nhà chiến lược quân sự thì dầu lửa rõ ràng cũng rất quan trọng đối với nhà khai thác dầu lửa.
Thị trường chứng khoán thoái trào vì áp lực đến từ lạm phát cao và sự suy sụp của thị trường ngoại tệ. Việc giá dầu leo thang ảnh hưởng nặng nề tới không chỉ riêng Mỹ, mà tới nhiều quốc gia công nghiệp hóa đang phụ thuộc vào năng lượng dầu mỏ, gây gián đoạn sản xuất, phân phối và giá cả, thị trường trở nên bế tắc hoặc chịu thua lỗ lớn.
Anh, Đức, Italy, Thụy Sĩ và Na Uy ban hành lệnh cấm bay, cấm lái xe và đi thuyền vào chủ nhật. Thụy Điển cắt giảm xăng và dầu cho việc sưởi ấm. Hà Lan thậm chí còn áp dụng án tù cho những ai sử dụng quá khẩu phần điện quy định.
Đến tận tháng 12/1974, thị trường dầu mỏ mới thoát khỏi tình trạng suy thoái. Nhưng hậu quả nặng nề vẫn còn kéo dài đến hết thập niên 1970.