Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Dầu mỏ' mới của nền kinh tế số

Theo "Nghệ thuật tư duy dựa trên dữ liệu", dữ liệu chính là “dầu mỏ” mới trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại, kỹ năng tư duy dữ liệu trở nên cần thiết hơn cả.

Nhà kinh tế học người Anh Ronald Coase, Nobel Kinh tế 1991, đã khẳng định: “Nếu bạn tra tấn dữ liệu đủ lâu, chúng sẽ thú nhận mọi thứ”. Khi dữ liệu bị thao túng, kết quả nghiên cứu sẽ mất đi độ tin cậy. Nhưng ngay cả khi dữ liệu được tính toán hoàn toàn chính xác, việc chúng bị đặt sai ngữ cảnh hoặc diễn giải không đầy đủ sẽ vẫn gây ra hiểu lầm ở người tiếp nhận thông tin.

Làm thế nào để chắt lọc thông tin hiệu quả? Làm thế nào để biết thông tin nào là đúng, thông tin nào là giả? Trong cuốn Nghệ thuật tư duy dựa trên dữ liệu, tác giả Hoàng Hữu Đà đào sâu những trường hợp điển hình để tìm ra một phương trình chọn lọc thông tin cho độc giả.

Xu ly “dau mo” moi cua nen kinh te so anh 1

Nghệ thuật tư duy dựa trên dữ liệu là cuốn sách của tác giả Việt Nam về kỹ năng tư duy dữ liệu. Ảnh: NXB Trẻ.

Xử lý dữ liệu trong xã hội hiện đại

Hoàng Hữu Đà sinh năm 1992, học Toán kinh tế, Đại học Kinh Tế Quốc dân. Nghệ thuật tư duy dựa trên dữ liệu có lối hành văn hiện đại và được viết như một tuyển tập truyện ngắn, với chủ đề đa dạng, trải dài từ giới kinh doanh, khoa học đến showbiz, từ thời xa xưa đến dòng chảy tin tức hiện nay.

Tại buổi giao lưu “Làm sao để dữ liệu lên tiếng? - Ứng dụng của tư duy dữ liệu trong hoạch định chính sách, đầu tư, kinh doanh, tình yêu và hơn thế nữa” (diễn ra hôm 24/7 ở Hà Nội), tác giả Hoàng Hữu Đà và Chuyên gia kinh tế - TS Phạm Sỹ Thành đã bàn tới việc làm thế nào để xử lý dữ liệu trong xã hội hiện đại.

Thông tin đã trở thành một nguồn tài nguyên bất tận cho con người trong việc tìm hiểu về cách thế giới xung quanh vận hành. Tuy nhiên, với sự phát triển của Internet, thông tin trở nên thừa mứa, khó kiểm soát, gây ra tình trạng nhiễu thông tin.

Không ít lần, ta được cảnh báo về thực trạng tin giả. Người dân được khuyến cáo chỉ nên đọc các kênh thông tin chính thống, có kiểm duyệt, dẫn chứng cụ thể.

Tuy nhiên, lượng tin giả tràn lan vẫn tìm được cách tiếp cận tới công chúng, người Việt Nam vẫn có xu hướng tiếp nhận thông tin một cách “thơ ngây”, dẫn đến những kết luận và hành động sai lầm. Theo diễn giả Phạm Sỹ Thành, thông tin như một “mỏ dầu”, làm thế nào để khai thác đúng cách cũng là một vấn đề.

Tác giả Hoàng Hữu Đà cho biết mọi người thường nghĩ về thống kê như một bộ môn khô khan, nên với cuốn Nghệ thuật tư duy dựa trên dữ liệu, anh muốn tiếp cận vấn đề một cách thú vị hơn.

Đó là lý do cuốn sách được trình bày và sắp xếp như một tập truyện ngắn, gợi cho độc giả những câu hỏi, để từ đó tự biết chọn lọc thông tin, nhận biết vấn đề. Các đề tài như “Sơn Tùng M-TP có bao nhiêu fan?”, “Đen Vâu đã tiên tri đề Văn như thế nào?”... mang vẻ gần gũi, dễ tiếp cận với độc giả đương đại.

Xu ly “dau mo” moi cua nen kinh te so anh 2

Tác giả Hoàng Hữu Đà (trái) và TS Phạm Sỹ Thành tại buổi giao lưu. Ảnh: Minh Hùng.

Tiếp cận thông tin với sự nghi ngờ

Tác giả Hoàng Hữu Đà cho rằng độc giả nên biết tiếp cận thông tin với sự nghi ngờ, xem xét xem dữ liệu ấy đặt trong bối cảnh gì, đối chiếu tới cái gì. Anh cảnh báo độc giả không nên nhầm lẫn giữa quan hệ tương quan và quan hệ nhân quả.

Mỗi bối cảnh khác nhau, dữ liệu sẽ đưa ra con số khác nhau. Khi ta hiểu về con số, hiểu về dữ liệu, ta sẽ không dễ bị định hướng.

Hoàng Hữu Đà lấy ví dụ về một sự nhiễu thông tin: Đợt dịch vừa qua, ta thấy rất nhiều trang đưa thông tin tiêu cực về việc tiêm vắc-xin. Sẽ rất nguy hiểm nếu độc giả chỉ dựa vào những tin ấy mà hình thành quan điểm. Công chúng nên biết chọn lựa để tiếp cận những kênh thông tin chính thống và xác thực.

Để tránh phát triển nhận thức sai lệch, ta cần nhìn vào thông số dữ liệu khách quan và biết cách rút ra được dữ liệu cốt lõi có ích.

Bên cạnh đó, các kênh thông tin có xu hướng đưa ra những chi tiết được cho là “hút khách” làm tít. Nhưng những chi tiết ấy không phải lúc nào cũng cho thấy bức tranh toàn cảnh. Công chúng luôn phải tìm hiểu vấn đề sâu sắc, chính xác và tổng quan hơn.

Cuốn sách Nghệ thuật tư duy dựa trên dữ liệu cho độc giả thấy được những chênh lệch thông tin có thể có trong xã hội, đưa ra những phương cách hữu ích để độc giả có thể áp dụng được và xử lý đúng cách thứ “dầu mỏ” mới.

Những con số thống kê có mặt ở mọi nơi trong cuộc sống thường ngày. Kỹ năng tư duy dữ liệu cho ta khả năng tiếp nhận có chọn lọc, tiếp cận được dữ liệu xác đáng, đồng thời tránh được tình trạng “ngộp” thông tin.

TS Phạm Sỹ Thành nhận định: “Nghệ thuật tư duy dựa trên dữ liệu có cách viết cho đại chúng hấp dẫn và hiện đại nhất mà một cuốn sách chuyên ngành có thể làm được. Nhiều ví dụ gần gũi giúp hiểu các khái niệm xa lạ. Thật tuyệt là sách có index, cho thấy tác giả viết lách rất nghiêm cẩn".

Đặc biệt, nếu không có tư duy dựa trên dữ liệu sẽ rất khó để có tư duy phản biện. Hoặc sẽ chỉ là một kiểu phản biện tưởng tượng. Với những ai nghiên cứu về khoa học xã hội, cuốn sách sẽ trở nên hữu ích với công việc và thao tác tư duy thường ngày của bạn.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh - Đại học Kinh tế Quốc dân - tin rằng cuốn sách sẽ giúp bạn đọc “có phương pháp luận, có tư duy dữ liệu để có thể hiểu hơn về những câu chuyện xảy ra xung quanh, để có thể đưa ra những quyết định hợp lý hơn trong công việc cũng như cuộc sống".

'Thác' thông tin gửi đến bộ não mỗi giây

Sự chú ý là công cụ mạnh mẽ nhất mà chúng ta có để tạo nên cuộc sống tốt đẹp và hoàn thành được những việc cần làm.

Sách ảnh về cách sử dụng dữ liệu thông minh

Sách ảnh "Big Data Girl" hướng dẫn cách sử dụng dữ liệu thông minh cho trẻ qua những hình ảnh và vần thơ ngụ ngôn đầy hóm hỉnh, vui tươi.

Minh Hùng

Bạn có thể quan tâm