Trong Kẻ nổi loạn định dạng lại ngành truyền thông, giám đốc kinh doanh YouTube Robert Kyncl mô tả cách các mạng xã hội và nền tảng trực tuyến thay đổi cách con người giải trí, đọc báo, làm lung lay những tượng đài truyền thông truyền thống. "Ngành truyền thông không bao giờ còn như trước nữa", ông nói.
Đại diện mạng chia sẻ video lớn nhất thế giới khắc hoạ sinh động sự dịch chuyển từ truyền thông truyền thống sang truyền thông xã hội, kèm theo là những phân tích và dự đoán sắc sảo về tương lai ngành này.
"Trên truyền hình chả có gì để xem cả!"
Robert Kyncl bắt đầu cuốn Kẻ nổi loạn định dạng lại ngành truyền thông (Streampunks) bằng câu cảm thán trên, cùng sự gợi nhớ về trải nghiệm giải trí nghèo nàn của tuổi thơ ông những năm 1970: Đặt mua sách từ một hệ thống chui, phải bẻ cong chiếc radio chạy bằng bán dẫn để bắt sóng các đài phát thanh, và việc xem được một bộ phim phương Tây Kẻ hủy diệt đã là một "trải nghiệm kinh khủng làm tôi nhớ mãi".
Một thời truyền hình và báo chí chính thống là vua, cả nhà quây quần sau bữa tối đón chờ tập mới của bộ phim truyền hình. "Mãi đến thập niên 1990 và sự bành trướng của mạng truyền hình cáp, hầu hết mọi người ở Mỹ chỉ có thể xem 4 kênh chính và còn ít hơn đối với những người sống ở những quốc gia khác", Robert Kyncl mô tả.
Sách Streampunks - Kẻ nổi loạn định dạng lại ngành truyền thông. |
Thời đó, truyền thông được thống trị bởi vài người "gác cổng", theo chính lời Robert. Chẳng hạn, nếu muốn xây dựng một chương trình truyền hình, ai đó phải trình bày ý tưởng và được "bật đèn xanh" bởi một lãnh đạo, chịu cạnh tranh về các khung giờ vàng hạn chế trên kênh truyền hình. Hàng rào "gác cổng" ấy cũng hiện diện tương tự trong các lĩnh vực truyền thông đại chúng khác như phim ảnh, xuất bản và âm nhạc.
Nhưng Internet và mạng xã hội đã thay đổi tất cả. Những buổi tối xem phim cùng gia đình từ một màn hình tivi hay việc nâng niu một tờ báo duy nhất đã lùi vào dĩ vãng. Ngày nay, người ta "có thể lướt qua hàng nghìn cổng thông tin trên Internet bằng chiếc điện thoại để đọc tin tức và có thể nghe hàng triệu ca khúc qua Spotify, xem hàng nghìn bộ phim và show truyền hình qua Netflix, có thể lướt qua hàng trăm kênh video qua truyền hình vệ tinh".
Và chính YouTube nữa, sự xuất hiện của nó khiến mọi người lần đầu tiên được quyền tiếp cận vào một hệ thống video miễn phí, nhanh chóng và trải rộng toàn cầu.
Robert Kyncl tóm gọn về sự chuyển đổi ngoạn mục trên tất cả các cục diện của ngành truyền thông: "Chưa đầy một thế hệ, chúng ta đã đi đến một giai đoạn mà ở đó những gì chúng ta xem, đọc và nghe không còn được quyết định duy nhất bởi một cơ quan hay một doanh nghiệp độc quyền nào nữa, mà chính bởi bản thân chúng ta".
Thời của mạng xã hội và "những kẻ nổi loạn"
Mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến có những ưu việt rõ ràng so với truyền thông truyền thống. YouTube là một ví dụ dễ thấy nhất. "Nếu muốn âm nhạc của mình sản xuất ra được người khác nghe hay xem, không cần phải thử giọng cho một giám đốc âm nhạc nào ở New York, Los Angeles hay London nghe có ưng ý hay không, chúng ta có thể đưa lên YouTube và có khả năng ca khúc này sẽ đến với cả tỷ khán thính giả", Robert Kyncl diễn giải.
"Chúng ta không còn phải 'chơi trò chính trị' giữa nhà sản xuất và nhà phân phối nữa, cứ làm một 'streampunk', tự sản xuất, phát hành và tự khám phá thế giới. Không còn những anh 'gác cửa' làm khó dễ nữa", ông nhấn mạnh. "Streampunk" là từ Robert Kyncl dùng để chỉ những người biết tận dụng nền tảng mới để sản xuất và chia sẻ nội dung sáng tạo với thế giới theo cách mới - "những kẻ nổi loạn".
Những streampunk cũng xuất hiện trên Facebook, Twitter và thách đố nền báo chí. Trên những mạng xã hội này, ai cũng có thể trở thành một "nhà báo công dân", viết lách, bày tỏ quan điểm, thậm chí đưa tin bằng cách livestream trực tiếp ngay tại những sự kiện.
Hai tác giả cuốn Streampunks - Robert Kyncl (giám đốc kinh doanh YouTube) và Maany Peyvan (chuyên viết nội dung truyền thông mạng xã hội). Ảnh: James Bareham / The Verge. |
Điều đáng bàn, sự lấn lướt của những streampunk không chỉ đến từ thế mạnh công nghệ mà còn vì những giới hạn của truyền thông chính thống. Hoá ra một video trông có vẻ linh tinh nhưng thật tình của một cậu nhóc tuổi teen tóc xanh tóc đỏ quay trong phòng ngủ đôi khi lại chiếm cảm tình hơn một chương trình truyền hình khuôn mẫu. Và hoá ra, những video âm nhạc độc lập lại được đón nhận hơn màn trình diễn chuyên nghiệp của những ca sĩ đã thành danh.
Theo lý giải của Robert Kyncl, "những kẻ nổi loạn" trên YouTube cất tiếng nói về đồng tính, hướng cái nhìn vào những người yếu thế trước cả truyền hình. Và trong khi truyền thông chính thống đang chậm chạp thích nghi, tìm hiểu xem đâu là xu hướng của giới trẻ, chính giới trẻ - những millennials và thế hệ Z trên YouTube - đã khẳng định xu hướng trước một bước bằng cách thể hiện chính mình.
Ngày nay, những nhà tổ chức chương trình truyền hình bắt đầu mời các ngôi sao YouTuber làm khách mời, chia nhỏ những video để có thể phù hợp phát sóng trên YouTube. Một sự chuyển dịch qua lại giữa truyền thông mới và truyền thông cũ thực sự đang diễn ra, và trước mắt chúng ta là một tương lai của ngành truyền thông chưa được định hình rõ.
Có thể dung hòa giữa truyền thông cũ và mạng xã hội?
Một xu hướng mới như mạng xã hội có đủ sức thay đổi một định dạng đã tồn tại hơn năm thập niên hay không? Liệu báo chí có thể chuyển đổi hoàn toàn lên nền tảng Facebook? Truyền hình liệu có biến mất và YouTube trở thành kênh xem video phổ biến nhất?
Trong Kẻ nổi loạn định dạng lại ngành truyền thông, Robert Kyncl đưa ra những dự đoán về tương lai của truyền thông dưới tác động của mạng xã hội. Ông cho rằng truyền thông xã hội cũng có những vấn đề của riêng nó, và những streampunk sẽ không thực sự "định dạng lại" ngành truyền thông chừng nào những vấn đề này chưa được giải quyết ráo riết.
Mạng xã hội đang lấn sân truyền thông truyền thống, nhưng nó cũng còn nhiều bất cập, như vấn nạn tin giả. Đồ họa: Hà My |
Chẳng hạn, mạng xã hội thường có xu hướng đẩy mạnh những nội dung khai thác cảm xúc mạnh của con người như "sốc", giật gân... Trên những nền tảng này, phải chăng những nội dung "ngon miệng" (như video gây sốc, giải trí vô bổ) sẽ được ưu tiên hơn những nội dung "bổ dưỡng" (như video có giá trị học thuật hay tính nghệ thuật cao)?
Làm sao để nội dung trên mạng xã hội có sự cân bằng giữa chủ nghĩa tiêu dùng và nghệ thuật? Và với vấn nạn tin giả, ai là kẻ kiểm soát thông tin nếu không phải là báo chí chính thống?
Robert Kyncl có một dự đoán thú vị: Sự cộng gộp giữa hai bên cũ và mới, rằng "truyền thông cũ và truyền thông mới đang cùng chạy đua để thay đổi và một ngày nào đó sẽ gặp nhau ở một điểm". Tại nơi đó, "sẽ rất khó phân biệt ai là cũ và ai là mới: Nội dung trực tuyến sẽ gần với truyền hình chính thống hơn; và ngược lại, định dạng chương trình truyền hình sẽ thay đổi để đáp ứng môi trường trực tuyến nhiều hơn".
Và tại điểm giao giữa truyền thông cũ và mới, theo dự báo lạc quan của Robert Kyncl, những nội dung trực tuyến cao cấp sẽ lên ngôi, công chúng sẽ sẵn sàng trả tiền cho những sáng tạo có giá trị, kéo theo khả năng những người làm sáng tạo nhận được doanh thu xứng đáng với những nội dung độc lập họ sản xuất.