Ngô Di Lân tốt nghiệp University College Maastricht (Hà Lan) - một trường đại học theo mô hình giáo dục khai phóng. Những chiêm nghiệm và trăn trở trong quá trình trưởng thành, những bước hoàn thiện bản thân là chủ đề được truyền tải trong 1% mỗi ngày.
Thông qua hình thức những lá thư gửi người em thân thiết, tác giả lần lượt khai thác 4 chủ điểm: Kiểm soát bản thân - Khai mở tâm trí - Tôi rèn kỹ năng - Thắng không kiêu, bại không nản. 1% mỗi ngày gần gũi, hiện đại, dễ tiếp cận đến các bạn trẻ 16-25 tuổi.
Với tư duy lập luận chặt chẽ, thuyết phục của một người làm nghiên cứu, cùng lối tiếp cận mềm mại, hiện đại, cuốn sách gợi lên những cuộc đối thoại ngoài trang sách, giữa những người trẻ với nhau.
Sách 1% mỗi ngày. Ảnh: NXB Trẻ. |
Hiểu về giáo dục khai phóng
Tác giả Ngô Di Lân tốt nghiệp University College Maastricht (Hà Lan) - một trường đại học theo mô hình giáo dục khai phóng. Tại buổi tọa đàm diễn ra hôm 16/7 tại Hà Nội, anh cho rằng bạn đọc không cần một định nghĩa hàn lâm về giáo dục khai phóng. Đặc trưng của giáo dục khai phóng (liberal education) dạy cho người ta những kỹ năng để có thể thích nghi và thành công trong bất kỳ môi trường nghề nghiệp nào.
Ngô Di Lân cho biết giáo dục khai phóng cho con người phản xạ luôn vạch ra hệ thống trước khi ra quyết định; đồng thời giải phóng con người khỏi các giả định về bản thân.
Tuy nhiên, giáo dục khai phóng không dành cho mọi người và giáo dục khai phóng yêu cầu nhiều thời gian hơn giáo dục chuyên ngành.
Giáo dục khai phóng không gò bó người học vào một khuôn, nhưng tự do luôn đi kèm với trách nhiệm. Chỉ những người có tư duy và chính kiến mới không bị lạc lối trong nền giáo dục khai phóng.
Ngô Di Lân chia sẻ khi anh du học ở Hà Lan, chương trình giáo dục khai phóng buộc anh phải tự lựa chọn và sắp xếp những gì mình sẽ học. Trải nghiệm ấy đã tôi rèn nên một con người tư duy tốt, có khả năng giải quyết vấn đề cũng như tự thách thức bản thân để thích nghi ở mọi môi trường.
Tuy nhiên, giáo dục khai phóng không cố để biến người học thành những nhân vật siêu việt. Sự siêu việt phụ thuộc vào tố chất cá nhân.
“Chúng ta không cần phải trở thành Bill Gates hay Jeff Bezos để đưa Việt Nam ‘sánh vai với các cường quốc năm châu’. Điều chúng ta cần làm là luôn cố gắng để hoàn thiện hơn mỗi ngày”, Ngô Di Lân nói.
Giáo dục khai phóng đem lại nền giáo dục phổ quát hơn. Nhất là đặt trong xã hội hiện đại, thị trường lao động ngày càng phức tạp. Do đó, kiến thức chuyên môn đơn thuần chưa đủ để đảm bảo một lộ trình nghề nghiệp ổn định. Các bạn trẻ cần hoàn thiện bản thân với các “kỹ năng mềm” như tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, ra quyết định,...
Tác giả Ngô Di Lân và TS Phạm Sỹ Thành tại tọa đàm về cuốn sách. Ảnh: M.H. |
Tư duy và phông nền văn hóa đồng điệu với độc giả
Theo TS Phạm Sỹ Thành, những chủ đề trong 1% mỗi ngày không phải là chủ đề mới. Tuy nhiên, cuốn sách có 3 ưu điểm chính.
Trước nay sách self-help được xuất bản ở thị trường Việt Nam phần lớn là do người nước ngoài viết. Do vậy, 1% mỗi ngày có lợi thế về tư duy và phông nền văn hóa đồng điệu với độc giả.
Thông thường, sách self-help trình bày vấn đề khá thô cứng, với một vẻ già dặn không cần thiết, không dễ kết nối với bạn đọc. 1% mỗi ngày được viết theo dạng các bức thư hội thoại giúp chủ đề luận bàn trong sách trở nên bớt khô khan, dễ tiếp cận hơn với đối tượng độc giả thế hệ mới.
Cuối cùng, cuốn sách không có cái bẫy hoàn hảo giả tạo. Tác giả Ngô Di Lân không cố biến cuốn sách thành một cuốn giáo trình trưởng thành như các cuốn self-help khác. TS Phạm Sỹ Thành nói: “Cái gì càng phổ quát thì càng ít ý nghĩa”.
Cách tổ chức nội dung của 1% mỗi ngày chỉ như những cuộc nói chuyện đơn giản, không nặng tính giáo điều. Tác giả có cách viết gợi mở, khuyến khích độc giả trao đổi với tác giả và với những bạn đọc khác. Trưởng thành là một quá trình cá nhân; “và cái hay nhất của Lân là đã có thể cá thể hóa điều đó trong cuốn sách”, theo TS Phạm Sỹ Thành.
Tác giả Ngô Di Lân cho biết cuốn sách được viết cho tuổi trẻ, nhưng trẻ ở đây không phải về mặt tuổi tác mà về mặt tâm hồn. Đó là những người đang trên con đường xác định danh tính, xác định xem mình là ai, mình thích gì.
Ngô Di Lân nói anh từng qua trải nghiệm tương tự. Bởi vậy cuốn sách được viết từ mong muốn bạn đọc biết rằng mình không đơn độc, luôn có lối thoát cho những vấn đề hiện tại.
Nhận biết được rằng mỗi người sống một cuộc đời khác nhau và 16-25 là độ tuổi không thích “tuân theo” khuôn khổ, Ngô Di Lân tiếp cận người đọc bằng một tinh thần sòng phẳng và khai phóng.
Anh khẳng định: “Tôi tuyệt đối không bao giờ khuyên các bạn làm điều gì mà tôi không sẵn sàng làm hay chưa từng làm”. Vì lẽ này, những chia sẻ của Ngô Di Lân nhận được nhiều đồng cảm từ độc giả.