Trên thực tế, rất nhiều người thành công đã trải qua biến cố trên con đường sự nghiệp. Ông trùm dầu mỏ John D. Rockefeller, người giàu nhất trong lịch sử là một ví dụ. Nếu tính theo mệnh giá hiện nay, tài sản của ông trị giá khoảng 200-300 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với những tỷ phú đương thời như Jeff Bezos hay Bill Gates.
Rockefeller làm giàu bằng cách khai thác chính những khó khăn to lớn mà ngành công nghiệp dầu mỏ phải đối mặt trong những năm đầu phát triển.
Sau một thời gian làm việc trong ngành thương mại thực phẩm, Rockefeller gia nhập ngành năng lượng với vai trò là một nhà thầu phụ. Năm 24 tuổi, ông thành lập một công ty dầu mỏ.
Vào thời điểm đó, không ai có thể dự đoán được tầm quan trọng của dầu mỏ. Không ai biết sự bùng nổ kéo dài bao lâu. Liệu nó có phải là một xu hướng ngắn ngủi như cơn sốt vàng hay không? Liệu ngành công nghiệp dầu mỏ có thể trở thành một ngành có lãi?
Giá dầu khi ấy dao động khủng khiếp. Năm 1861, một thùng có giá từ 10 xu đến 10 USD. Ba năm sau, giá vẫn dao động trong khoảng từ 4-12 USD. Mỗi khi một giếng dầu mới được phát hiện, giá dầu sẽ chạm đáy, cho đến khi mối lo ngại rằng dầu có thể khan hiếm khiến giá tăng cao trở lại.
John D. Rockefeller trở thành tỷ phú đầu tiên của nước Mỹ. Ảnh: Getty Images. |
Các nhà dầu cơ coi ngành công nghiệp mới là cơ hội để làm giàu nhanh chóng và dễ dàng. Các nhà máy lọc dầu mọc lên khắp nơi và đến năm 1870, khả năng xử lý đã gấp ba lần năng lực khai thác. Ba phần tư nhà máy lọc dầu rơi vào thua lỗ; một trong những đối thủ cạnh tranh chính của Rockefeller đã chào bán cổ phần với giá trị bằng một phần mười giá trị sổ sách.
Trong chính cuộc khủng hoảng này, Rockefeller cũng mất toàn bộ tài sản. “Là một người có khuynh hướng lạc quan, ‘nhìn thấy cơ hội trong mọi thảm họa’, ông đã nghiên cứu kỹ tình huống này thay vì than vãn mình xui xẻo. Với tư cách một nhà tinh chế dầu, ông nhận thấy thành công cá nhân đang bị sự thất bại trong toàn ngành đe dọa, do đó nó đòi hỏi một giải pháp mang tính đồng bộ và hệ thống”, người viết tiểu sử của Rockefeller viết.
Rockefeller thành lập Standard Oil dưới hình thức một công ty cổ phần và đặt cho mình mục tiêu to lớn: “Một ngày nào đó, tất cả sản phẩm dầu trên thị trường đều do Standard Oil tinh chế và đóng thùng”.
Nhắm đến mục tiêu kiểm soát toàn bộ ngành công nghiệp dầu mỏ, ông đổ toàn bộ 1 triệu USD vào công ty mới. Số vốn 1 triệu USD nhanh chóng được Rockefeller nhân lên thành 3,5 triệu USD.
Ông tuyển dụng các nhà quản lý tài năng và bắt đầu bành trướng mạnh mẽ, bất chấp thời kỳ khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. “Việc lôi kéo các nhà điều hành và nhà đầu tư vào thời điểm khó khăn là một dấu hiệu cho thấy thái độ tự tin khác thường của Rockefeller, như thế bầu không khí chán nản chỉ càng củng cố quyết tâm của ông”.
[...]
Trong cuộc khủng hoảng đó, Rockefeller đã đàm phán với các công ty đường sắt để nhận được mức giá vận chuyển ưu đãi, giành lợi thế quan trọng so với đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, tin đồn quanh những thỏa thuận này đã dấy lên nhiều phản đối và tẩy chay chống lại công ty của Rockefeller, khiến ông phải tạm thời cắt giảm 90% lao động.
Suy đoán về một giao kèo bí mật giữa Rockefeller và các công ty đường sắt càng làm tăng nỗi sợ hãi và bấp bênh cho toàn ngành, điều này đã giúp Rockefeller nắm được quyền kiểm soát 22 trong số 26 đối thủ cạnh tranh ở Cleveland chỉ trong vài tuần.
Đầu tháng 3 năm 1872, ông đã thôn tính 6 công ty đối thủ chỉ trong vòng hai ngày. Vì hầu hết nhà máy lọc dầu đang rơi vào thua lỗ, ông đã mua lại chúng với giá hời, phần lớn tương đương mức giá phế liệu cho các tài sản của công ty.