Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khi làm việc, nhiều bạn trẻ không chịu làm 'chiếu dưới' cho người khác

Người trẻ thiếu kinh nghiệm trong công việc, nhưng lại không muốn bỏ công sức cho những việc nhỏ nhặt, làm được một chút đã đòi hỏi được biệt đãi, tăng lương.

Là người trẻ, nhiều khi chúng ta thường hay tự tin thái quá vào bản thân mình. Mới làm được vài việc thành công, ta liền nghĩ ngay rằng bản thân rất giỏi giang, và nhìn mọi người với ánh mắt tự mãn. Nhưng cách hành xử như vậy sẽ khiến bạn sớm vỡ mộng về bản thân khi nhận ra những mặt trái của tính tự kiêu.

Thanh niên, ngoài việc chăm chỉ làm việc ra, còn cần phải giữ một thái độ hòa nhã, dù biết bản thân giỏi giang đến đâu, cũng phải luôn khiêm tốn, cẩn trọng; dù cho năng lực của bạn có tốt đến mức nào, cũng không được nhất nhất tự cho mình là đúng; dù cho bạn có gặt hái được biết bao thành tựu, cũng phải giữ cho mình một tâm lý đề phòng mọi việc; dù cho bạn có gặp phải thử thách khó khăn thế nào, cũng phải giữ cho mình sự bình tĩnh…

Tất cả những điều này, người ta gọi là một trái tim bình thản. Nếu bạn còn trẻ và muốn bồi dưỡng cho mình một tâm lý bình thản khi đối mặt với mọi chuyện, bạn cần chú ý những điểm sau:

Một số việc không nên nhìn nhận quá nặng nề

Mặc dù tôi vẫn luôn cho rằng, là thanh niên thì phải không ngừng nỗ lực để theo đuổi lý tưởng, cố gắng đạt được mục đích của bản thân, thế nhưng trong quá trình theo đuổi lý tưởng của mình, chúng ta thường phải nếm trải không ít thất bại và nỗi buồn: công việc không suôn sẻ, cô đơn vì bị bạn bè xa lánh, đau buồn vì thất tình…

Đối với những thanh niên vừa bước vào đời, vẫn ấp ủ trong mình những kỳ vọng lớn lao vào tương lai, đó đều là những trở ngại không dễ gì vượt qua. Chúng khiến họ mệt mỏi, chán chường, tự ti, thậm chí trở nên bất mãn với cuộc đời. Thực ra có một số việc, nếu chúng ta càng quá coi trọng thì nó càng dễ vuột khỏi tầm tay, và một khi đã vuột khỏi tầm tay rồi, chúng ta sẽ càng cảm thấy thất vọng.

Một nhà văn Ấn Độ từng nói: “Nếu bạn khóc vì tuột mất Mặt trời, thì bạn cũng đang bỏ lỡ những ánh sao kia”. Trong ván bài cuộc đời, có thắng thì sẽ có thua, có mất mát thì cũng có thành quả, chỉ cần bạn cố gắng làm đến một mức mà bản thân cảm thấy hài lòng là được. Bạn vẫn còn trẻ, còn cơ hội để thử lại. Cùng lắm là thử lại vài lần, có sao đâu, phải không!...

Nguoi tre anh 1

Khi làm việc, rất nhiều bạn trẻ luôn sợ mình bị “bóc lột”, không chịu làm “chiếu dưới” cho người khác. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Hiểu được rằng chịu thiệt là may mắn

Trong cuộc sống, chúng ta cần biết cách nhìn nhận sự việc bằng con mắt biện chứng. Sẽ có những việc bạn cảm thấy tồi tệ, thực ra lại mang đến cho bạn rất nhiều lợi ích.

Một lần xem tivi, tôi thấy một giám đốc doanh nghiệp khi được phỏng vấn về việc làm thế nào để tuyển dụng nhân tài đã trả lời: “Nghiêm túc là thước đo tiêu chuẩn để đánh giá nhân viên.” Ông kể câu chuyện, mỗi lần cần rửa xe, ông đều đến một tiệm duy nhất, ở đó có một cậu nhân viên làm việc rất tỉ mỉ, chà rửa chiếc xe cho đến khi không còn dính hạt bụi nào mới thôi, điều đó khiến ông cảm thấy rất hài lòng.

Có lần cậu nhân viên đó đi vắng, một nhân viên khác giúp ông rửa xe, nhìn anh chàng làm việc, mặc dù đạt yêu cầu, nhưng rõ ràng rất nhiều chỗ vẫn còn dính bùn đất và bọt xà phòng. Về sau, ông đã trực tiếp hỏi cậu nhân viên làm việc tỉ mỉ kia có muốn đến làm việc ở công ty của ông không, tất nhiên cậu vui vẻ nhận lời.

Đối với cậu nhóc ở trên, cùng một công việc nhưng cậu làm việc chu đáo hơn người khác, mất nhiều thời gian và công sức hơn, có thể nói là đang “chịu thiệt” về mình, bởi cậu hoàn toàn có thể chỉ cần làm đến mức đạt yêu cầu là được. Tuy phải chịu thiệt thòi nhưng điều đó cũng đã mở ra cho cậu một cơ hội lớn hơn công việc hiện tại đang làm.

Khi làm việc, rất nhiều bạn trẻ luôn sợ mình bị “bóc lột”, không chịu làm “chiếu dưới” cho người khác. Họ thiếu kinh nghiệm trong công việc, nhưng lại không muốn bỏ công sức cho những việc nhỏ nhặt, làm được một chút đã đòi hỏi được biệt đãi, tăng lương.

Thực ra, khi bạn chưa có kinh nghiệm, dành thời gian làm những việc nhỏ trước, giúp việc cho người khác (mà bạn nghĩ rằng mình đang làm “chiếu dưới” cho kẻ khác) không phải là việc gì quá tệ, vì bạn sẽ tích lũy được nhiều thứ có giá trị hơn.

Hẳn bạn biết quy luật “nước chảy chỗ trũng”? Một khi bạn chấp nhận và tự nguyện làm tốt các việc nhỏ, dần dần bạn sẽ làm tốt được các việc lớn và được mọi người đánh giá tốt hơn, tin tưởng hơn, đồng thời cơ hội sẽ đến lúc nào không hay.

Đặt mình ở vị trí bình thường, không nên đánh giá bản thân quá cao

Tự tin rõ ràng là tốt, nhưng tự phụ lại chẳng hay chút nào. Dù tài giỏi đến đâu cũng không được coi mình là nhất, huống hồ khi năng lực của bạn không cao hơn ai. Những kẻ quá coi trọng bản thân thường không coi ai ra gì, lúc nào cũng cao ngạo, sĩ diện, cuối cùng rất dễ bị xã hội và những người xung quanh bỏ rơi…

Alpha Books và NXB Văn học

SÁCH HAY