"Tương lai sẽ được bảo mật", Mark Zuckerberg tuyên bố tại hội nghị F8 tuần trước. Nhưng những động thái từ phía CEO Google, ông Sundar Pichai, cho thấy thông điệp của Google tại sự kiện I/O rõ ràng hơn nhiều: bảo mật ngay từ bây giờ.
"Tương lai là bảo mật", tuyên bố của Mark Zuckerberg tại F8. Ảnh: Getty Images |
Vấn đề bảo mật là chủ đề chính được nhắc tới tại hội nghị của cả hai ông lớn công nghệ. Tuy nhiên, trái ngược với những bản cập nhật hơi mơ hồ của Facebook, Google cho thấy họ đã sẵn sàng xuất xưởng các sản phẩm mới của mình. Điều này thể hiện rõ hơn sự đối lập trong chiến lược của hai công ty.
Dữ liệu người dùng là của người dùng
Đối với Facebook, bảo mật có nghĩa là quản lý chặt chẽ hơn, sửa chữa lại hình ảnh của nền tảng này sau các vụ bê bối và giúp người dùng tự tin hơn trong việc chia sẻ và kết nối. Còn đối với Google, bảo mật đi kèm với xử lý dữ liệu giúp các tính năng trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn cho người dùng.
Tất cả mọi người đều muốn được bảo mật, tuy nhiên lời hứa và những gì nhận được lại vô cùng khác nhau. Người dùng xứng đáng được cải thiện chất lượng phần mềm và phần cứng để gia tăng trải nghiệm từ những dữ liệu mà họ cung cấp, chứ không phải để nhận các tiện ích bổ sung và quảng cáo mà chẳng ai yêu cầu.
Tại hội nghị F8 vào tuần trước, chúng ta được nghe từ Zuckerberg rằng "quyền riêng tư cho chúng ta tự do là chính mình" và Facebook đã làm tốt điều đó thông qua cách thức mà nó lưu trữ thông tin.
Tuy nhiên, ngoài việc Messenger và Instagram Direct được mã hóa, Facebook vẫn còn đang nợ người dùng rất nhiều tính năng mà công ty này đã công bố trước đó như: Xóa lịch sử truy cập ngoài (Clear History) hay dự án truyền tải dữ liệu (Data Transfer Project).
Tất cả những gì mà người dùng nhận được đó là câu đùa gượng gạo của Zuckerberg: "Tôi biết hiện tại Facebook không có đủ uy tín để nói về quyền riêng tư".
"Tương lai là bảo mật", vậy còn quá khứ?
Facebook sắp phải trả hàng tỷ USD tiền phạt vì vi phạm thỏa thuận bảo vệ quyền riêng tư của người dùng đã ký với Ủy ban Thương mại Mỹ năm 2011. Bê bối khủng khiếp nhất có thể kể đến việc 87 triệu người dùng bị thao túng gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Mỹ trong vụ Cambridge Analytica.
Tháng 3, Facebook thừa nhận hàng triệu mật khẩu của người dùng không được mã hóa. Tháng 4, người dùng lại được phen hoang mang khi biết tin Facebook tiếp tục dính vào khủng hoảng để lộ 1,5 triệu email. Trước đó, Facebook thừa nhận vào tháng 9/2018 rằng dữ liệu của 30 triệu tài khoản bị tin tặc đánh cắp.
"Tương lai là bảo mật" vẫn còn là một lời hứa mơ hồ còn quá khứ đầy u ám của Facebook đã khiến dư luận mất lòng tin. Trong khi đó tại hội nghị I/O của Google, CEO Pichai cùng những bản thử nghiệm mới đã cho chúng ta thấy "Google vẫn chưa hoàn tất những công việc liên quan đến vấn đề bảo mật. Và sẽ luôn tiếp tục để bắt kịp những kì vọng của người dùng".
Sundar Pichai, CEO của Google tuyên bố "Google vẫn chưa hoàn tất những công việc liên quan đến vấn đề bảo mật. Và sẽ luôn tiếp tục để bắt kịp những kì vọng của người dùng". Ảnh: AP |
Google đã từ bỏ việc sử dụng thông tin từ Gmail để định hướng quảng cáo, cũng như thay đổi việc cho phép bất kì nhà phát triển nào truy cập vào email cá nhân của người dùng. Mặc dù vẫn còn những bê bối được dư luận chú ý, những Google đã đối mặt trực diện với vấn đề và sữa chữa.
Trong khi ông chủ Facebook còn mải mê đưa ra những tuyên bố của mình trên sân khấu, Google đã có những bản cập nhật âm thầm giúp cải thiện quyền riêng tư và bảo mật. Như việc cho phép thiết bị android trở thành một "chìa khóa vật lý" hay tính năng tự động xóa các hoạt động của người dùng trên web và ứng dụng sau từ 3 đến 18 tháng.
Google đã bắt tay vào hành động
Tại I/O hôm nay, phía Google đã công bố một bản "cam kết về bảo mật" cho các sản phẩm của Google nêu chính xác cách mà công ty này sử dụng dữ liệu và quyền của người dùng đối với những dữ liệu đó.
Đáng chú ý là tính năng tự xử lý trên thiết bị. Ví dụ màn hình thông minh Nest Home Max sẽ tự xử lý dữ liệu khuôn mặt của bạn để mở khóa nhưng không gửi nó về cho Google. Đây cũng là điểm nhấn mới cho Android Q, hệ điều hành mà Google sắp ra mắt. Hệ điều hành này đã được mở bản thử nghiệm từ ngày hôm nay, đi kèm với ít nhất 50 tính năng bảo mật mới.
Trợ lý ảo Google cũng sẽ được tích hợp ngay trong thiết bị, qua đó dữ liệu vừa được bảo mật, vừa xử lý nhanh hơn giúp gia tăng trải nghiệm người dùng.
"Dữ liệu sẽ ở lại với người dùng nhằm bảo mật tốt nhất".
Stephanie Cuthbertson, Giám đốc cấp cao của Google
Bàn phím Gboard của Google cũng sẽ "đoán từ" tốt hơn dựa vào thói quen nhắn tin của hàng triệu chiếc điện thoại trên thế giới. CEO của Google cho biết họ chỉ sử dụng dữ liệu từ các thuật toán của AI, chứ không phải từ những gì người dùng nhập vào.
Giám đốc cấp cao của Google, Stephanie Cuthbertson lưu ý rằng "những tính năng như phụ đề trực tiếp hay trả lời thông minh đều được phát triển nhờ quá trình học máy trong chính thiết bị của người sử dụng. Quá trình này sử dụng dữ liệu của người dùng và dữ liệu sẽ ở lại với người dùng nhằm bảo mật tốt nhất".
Apple đã đi tiên phong trong việc xử lý trực tiếp tại thiết bị, Google từng phải dựa vào công nghệ điện toán đám mây nhưng nay đã có những bước tiến triển lớn.
Khi Google nói về bảo mật, tức là họ rất nghiêm túc và đáng để chờ đợi. Chrome sẽ sớm triển khai công nghệ chống lưu dấu và giúp cookies bảo mật hơn để chống lại tình trạng bên thứ ba theo dõi. Bên cạnh đó, chế độ ẩn danh cũng sẽ sớm xuất hiện trên Google Maps và thanh tìm kiếm.
Chức năng ẩn danh sẽ sớm có mặt trên thanh tìm kiếm, YouTube và Google Maps. Ảnh: TechCrunch. |
CEO của Google không cần phải dùng đến những câu đùa, những lời tuyên bố hay các tính năng hứa hẹn ở tương lai để gây ấn tượng với công chúng. Bảo mật người dùng không phải cứu cánh của Google, không phải chiêu trò truyền thông, cũng không phải những lời hứa về ngày mai.
Bảo mật người dùng là một vấn đề cấp thiết, và Google đã đúng đắn khi có thái độ nghiêm túc.