Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khi Ernest nhìn thấy một chú thỏ đuôi bông…

“Có một chú thỏ đuôi bông nhỏ tên là Rag, hay còn gọi là Tai Rách. Vết rách đó là dấu ấn để đời và là hậu quả từ cuộc phiêu lưu đầu tiên của chú.”

 

Bạn có cảm thấy giống như tôi, hơi giật mình khi đọc những dòng mở đầu câu chuyện Gia đình thỏ đuôi bông của tác giả Ernest Thompsom Seton hay không? Chúng ta hãy thẳng thắn với nhau: mỗi khi nhìn thấy một chú thỏ, liệu bạn có thường xuyên nghĩ rằng đó là ông thỏ, bà thỏ, anh thỏ, chị thỏ… như một cá thể với một cái tên riêng, một khuôn mặt riêng, một cuộc đời riêng, giống như là bạn, là tôi vậy, hay đó chỉ đơn giản là một con thỏ lẫn trong hàng triệu triệu con thỏ trên trái đất này? 

Với Ernest, nhà văn và nhà thám hiểm động vật hoang dã nổi tiếng thế giới, tác giả của bộ Những truyện kể hay nhất về loài vật, mọi con vật đều có một câu chuyện đáng để chúng ta phải lắng nghe với tất cả sự chăm chú. Ông không phải là kiều nhà văn ngồi trong phòng làm việc, nghiên cứu mấy cuốn từ điển bách khoa về loài vật (hay là xem chương trình Thế giới động vật, nếu ông sống ở thời này), rồi tưởng tượng ra những truyện kể về loài vật.

Ông sinh ra ở Anh nhưng từ khi còn nhỏ đã cùng gia đình di cư sang Canada – đất nước của thiên nhiên và động vật hoang dã. Lòng say mê thế giới tự nhiên mà nhất là các loài động vật đã khiến ông không biết bao nhiêu lần chẳng quản khó khăn, thậm chí cả nguy hiểm, đến tận nơi sinh sống của động vật hoang dã để tìm hiểu về chúng. Đó chính là điều khiến cho độc giả trong khi đọc những câu chuyện của ông đôi lúc có cảm giác như tác giả đang kể lại mọi thứ không phải với con mắt quan sát của người ngoài cuộc, mà như một phần của cộng đồng loài vật đó.

sach ve dong vat anh 1
Bộ sách Những chuyện kể hay nhất về loài vật của tác giả Ernest Thompson Seton.

Những con vật trong thế giới loài vật của Ernest được ông soi chiếu từ nhiều góc máy khác nhau: có góc máy nhìn chúng như là những cá thể không thể trộn lẫn (như chú thỏ Rag), có góc máy lại zoom vào mối quan hệ của chúng với đồng loại, có góc máy tua chậm lại quá trình sinh ra – sống – chết đi của chúng… Tất cả đều “thật” đến mức đáng ngạc nhiên! Thế giới loài vật mà Ernest tái hiện lại trong bộ sách thơ mộng đến bay bổng mà cũng khắc nghiệt đến trần trụi. Tồn tại và trưởng thành, hay là đầu hàng và chết? Đó là quy luật tự nhiên không loài vật nào tránh khỏi.

 

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến những bức tranh minh họa tuyệt đẹp, sống động trên từng trang truyện, cùng với Góc kiến thức và Trò chơi được trình bày theo cách khiến cho độc giả cảm thấy những con chữ như đã bước thẳng vào thế giới hoang dã kia, và cất lên tiếng nói riêng của mỗi câu chuyện.

Loạt sách Những truyện kể hay nhất về loài vật của ông, với các tập Gà gô ở thung lũng Don, Huyền thoại về tuần lộc trắng, Con cáo ở Springfield, Chúa tể vùng Currumpaw và Gia đình thỏ đuôi bông, được dịch giả Thanh Uyên chuyển ngữ, và phát hành vào tháng 6/2016, chắc chắn sẽ giúp bạn hiểu tại sao Ernest lại được tôn vinh là “cha đẻ của những câu chuyện về loài vật”.

Đọc xong loạt truyện của Ernest, tôi chợt nảy ra một ý nghĩ có phần kỳ cục: Giả dụ trong một thế giới nào đó, ở một khoảng thời gian nào đó, các con vật cũng sống như con người chúng ta trên trái đất này. Liệu có một con vật nào sẽ viết một bộ sách hay làm một chương trình "Những truyện kể hay nhất về loài người” hay không? Nếu có, tôi hy vọng con vật đó sẽ kể về con người theo cái cách mà Ernest đã kể về con vật. Bởi vì tôi, cũng như Ernest, rất yêu thích sự hoàn hảo!

Linh Anh

Bạn có thể quan tâm