Lịch sử "đường lưỡi bò"
"Đường lưỡi bò" còn có tên khác là "đường 9 đoạn", "đường chữ U"… là khu vực Trung Quốc muốn khẳng định chủ quyền trên Biển Đông. Nó xuất hiện công khai lần đầu tiên trong tháng 2/1948. Ban đầu, đường này gồm 11 đoạn nhưng tới năm 1953 thì chính quyền Trung Quốc bỏ hai đoạn ở vịnh Bắc Bộ và nó trở thành "đường 9 đoạn".
Bản đồ "đường lưỡi bò" mới của Trung Quốc nuốt gần như toàn bộ Biển Đông. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Đường lưỡi bò xuất hiện trên phần lớn các loại bản đồ của Trung Quốc nhưng Bắc Kinh chưa một lần giải thích chính thức về nó. Tuy nhiên, nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn khẳng định vùng biển nằm phía trong các nét vẽ, chiếm khoảng 80% diện tích Biển Đông, là lãnh thổ của mình. Tuyên bố này gặp phải phản ứng mạnh mẽ của các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
Dân Trung Quốc gặp rắc rối vì "đường lưỡi bò"
Không dừng lại ở việc in bản đồ, tháng 11/2012, Trung Quốc còn vẽ "đường lưỡi bò" lên hộ chiếu của công dân nước này. Tuy nhiên, nó gây ra hàng loạt sự cố cho người dân Trung Quốc trên khắp thế giới. Để phản đối yêu sách lãnh thổ của chính quyền Bắc Kinh ở Biển Đông, Việt Nam và nhiều nước xung quanh từ chối đóng dấu vào hộ chiếu in hình "đường lưỡi bò" của công dân Trung Quốc.
"Đường 9 đoạn" trên hộ chiếu Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Đáp trả hành vi của Trung Quốc, Ấn Độ quyết định cấp thị thực mới cho công dân Trung Quốc ở nước này. Nó in hình bản đồ Ấn Độ, bao gồm cả những phần lãnh thổ mà New Delhi và Bắc Kinh đang tranh chấp. Phía Đài Loan cũng lên tiếng phản đối hộ chiếu "đường lưỡi bò" trong khi Mỹ tuyên bố không thừa nhận chúng.
Chính bản thân người dân Trung Quốc cũng thấy khó chịu vì tấm hộ chiếu "đường lưỡi bò" vì nó gây nhiều phiền phức cho họ trong quá trình nhập cảnh vào nước ngoài. Trên các trang mạng ở Trung Quốc, người ta đua nhau kể về tác hại của "đường lưỡi bò" khi nhập cảnh vào Việt Nam, Philippines, Ấn Độ, Mỹ và nhiều nước khác.
Trên diễn đàn bbs.tiexue.ne, một thành viên có tên Hbomb ca thán: “Sự thay đổi của tấm hộ chiếu chỉ gây ra phiền hà cho người dân”. Một người khác là Mumbojumbo châm biếm: “Xem ra nhiều người dân Trung Quốc sẽ muốn từ bỏ quốc tịch. Nhiều điều đặc biệt sẽ xảy ra trong năm nay”.
Dư luận Trung Quốc dậy sóng
Tiếp sau chiến dịch in bản đồ phi pháp lên hộ chiếu, Trung Quốc tiếp tục triển khai nhiều hành động ngang ngược nhằm hiện thực hóa mưu đồ độc chiếm Biển Đông, trong đó đáng chú ý là việc Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Tàu Trung Quốc tấn công tàu thực thi pháp luật Việt Nam trên Biển Đông. Ảnh: AP |
Tuy nhiên, hành động này vấp phải sự phản đối của chính dư luận Trung Quốc. Trên các trang diễn đàn mạng như Sohu hay Sina của Trung Quốc xuất hiện nhiều ý kiến thể hiện lòng yêu chuộng hòa bình và phê phán thái độ của những phần tử cực đoan trong giới cầm quyền.
Báo Tiền Phong dẫn lời bạn Fanfanhe ở Bắc Kinh viết trên mạng Sohu: “Mọi người đều thấy rõ: Lần này Trung Quốc chủ động gây chuyện, người Việt Nam tố cáo ra quốc tế. Bây giờ Trung Quốc lại giả bộ bị bắt nạt, nói bị tàu Việt Nam tông húc để mong tìm kiếm sự cân bằng”.
Bạn đọc Baixue ở Thiên Tân viết: “Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) không khoan dầu ở đó thì sập tiệm hay sao? Gần đây Việt Nam không hề chơi xấu Trung Quốc. Nếu lần này xử lý không tốt rất có thể sẽ đẩy Việt Nam xa lánh… Nếu dư luận thế giới đều không ủng hộ Trung Quốc thì tình thế ngoại giao của Trung Quốc trở nên gay go”.
Bạn đọc Jiubannongju ở Tứ Xuyên ngậm ngùi: “Chúng ta đang giống như cướp biển. Xấu hổ vì là người Trung Quốc. Trong khi bạo động trong nước đang khiến dân chúng lo lắng, chính quyền lại đi gây hấn với quốc gia khác”.
Trong một bài báo có nhan đề Trung Quốc cần có chính sách thống nhất với các nước có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, ông Lý Lệnh Hoa, chuyên viên nghiên cứu thuộc Trung tâm Thông tin Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc, nhấn mạnh: “Từ năm 1947, Trung Quốc tự ý vẽ ra một đường đứt đoạn trên bản đồ Biển Đông, gọi là đường 9 đoạn hay đường hình chữ U, rồi coi đó là đường biên giới biển truyền thống. Chính phủ ta chưa bao giờ chính thức giải thích về hàm nghĩa pháp luật của cái đường này. Cần phải nói rõ một điều rằng vùng nước bên trong đường hình chữ U chiếm tới 80% diện tích Biển Đông không thể nào là vùng nước lịch sử của chúng ta. Cái đường hình chữ U này không phải là biên giới biển của Trung Quốc".
Mới đây, khi Trung Quốc phát hành bản đồ theo chiều dọc để hiển thị toàn bộ "đường lưỡi bò", sửa "đường 9 đoạn" thành 10 đoạn, Wu Ge, nhà bình luận quân sự toàn cầu, mỉa mai trên mạng xã hội Weibo: “Nếu Mỹ muốn sở hữu Hawaii và Guam hay Anh, Pháp muốn có các lãnh thổ hải ngoại thì họ chỉ cần tung ra một tấm bản đồ thế giới… Liệu hành động gom hết các quần đảo có thực sự hữu ích? Nó rõ ràng chỉ phơi bày tham vọng. Tấm bản đồ chỉ cho thấy sự hời hợt của lòng yêu nước một cách mù quáng”.