Cũng như hạnh phúc, buồn bã hay cô đơn đều là những gia vị cuộc sống không thể thiếu. Điều quan trọng trong mỗi khoảnh khắc đó, chúng ta luôn muốn kiếm tìm một điểm tựa để sẻ chia, hoặc đôi khi chỉ để quên đi thực tại khắc nghiệt. Dưới đây là một vài tựa sách mà bạn nên đọc khi muốn kiếm tìm sự đồng cảm với nỗi buồn của mình.
Lưng chừng cô đơn
Lưng chừng cô đơn của Nguyễn Ngọc Thạch không phải một cuốn tiểu thuyết, không kể về cuộc đời của riêng một nhân vật nào, đó là một cuốn tản văn với nhiều những câu chuyện nhỏ bủa vây tâm trí của tác giả. Cuốn sách vẽ nên một bức tranh muôn màu về đời sống của người trẻ hiện nay trong xã hội hiện đại với những phức tạp trong tâm tư tình cảm khi đối mặt với các vấn đề trong gia đình, công việc, xã hội và trong cả chuyện tình yêu đôi lứa. Tất cả đã được Nguyễn Ngọc Thạch kể lại bằng câu chữ và ngôn từ rất thực.
Mỗi tản văn như một lát cắt nhỏ của cuộc sống mỗi người. Là nỗi cô đơn khi mới chia tay người thương nên chọn đại một ai đó chỉ-để-thay-thế, tàn nhẫn với người ta bằng cách yêu cho có, để rồi đến lúc qua cơn đau, chợt nhận ra “không có người này thì có người khác, nhưng người khác không cho được cảm giác như người này.”
Là một ngày đi làm về mệt, nhận được tin nhắn của mẹ trách sao lâu rồi không ngồi ăn cơm với cả nhà, lòng nghẹn đắng, vì sao được quan tâm, được yêu thương đến vậy mà vẫn cứ thấy mình cô đơn.
Đọc Lưng chừng cô đơn, chắc chắn bạn sẽ thấy ở đâu đó trong cuốn sách nhỏ này có chính bản thân mình.
Tác giả Nguyễn Ngọc Thạch. |
Khóc giữa Sài Gòn
Cùng là tác phẩm do Nguyễn Ngọc Thạch viết nhưng trong Khóc giữa Sài Gòn, câu chuyện đi sâu vào từng mảnh đời lẻ loi giữa một Sài Gòn rộng lớn và hào hoa.
Đó là Phan luôn đi tìm sự hả hê bằng chiến thắng, chinh phục những đỉnh cao xã hội. Là Nam lạc trong nỗi đau, đắm chìm trong những ảo tưởng do bản thân dựng lên. Là Tú, nhìn đời bằng con mắt lạnh lùng, am hiểu về đàn bà đến kinh khủng. Là Mễ, nghiên cứu tâm lý để rồi sợ hãi nhận ra sự thật mình tìm được. Là Thụy, chơi vơi, bấp bênh giữa hai bờ giới tính. Và cuối cùng là Ân, sống ảo, quan tâm đến mạng xã hội hơn cảm xúc người xung quanh.
Sáu con người là sáu số phận khác nhau tưởng chừng như chỉ là những cá thể nhỏ bé trong thế giới rộng lớn ấy nhưng rồi Sài Gòn đã gắn kết, đan xích họ vào đời nhau, để cùng trải qua những hoan lạc, chia ly. Để rồi đến cuối cùng, lại được đứng cùng nhau, chỉ đơn giản là khóc, cho hả hê lòng, cho tan nỗi đau.
Buồn làm sao buông
Cũng về sự cô đơn, cuốn sách mới nhất của Anh Khang lại lột tả nó trong sắc màu tình yêu. Với lời văn nhẹ nhàng, giọng điệu không hề gấp gáp, anh đã kể về sự chia ly và những nỗi buồn kéo dài của một trái tim người trẻ luôn khao khát yêu và được yêu. Những cái nắm tay đầu tiên, nụ hôn đầu tiên, người thương đầu tiên trở thành những miền kí ức khó thể xóa nhòa trong tâm trí. Và với Anh Khang, đỉnh điểm của sự cô đơn trong tình yêu đó là “cô đơn không phải là một mình, mà là trong tim đã có sẵn một người nhưng bên cạnh thì trăm ngàn người không ai giống vậy.”
Nhưng trong tình yêu, “buồn” rồi sẽ có lúc phải “buông”. Mọi sự cố chấp, bướng bỉnh để được thương mãi và lưu giữ mãi những kỉ niệm với người cũ cuối cùng cũng đến lúc phải tập buông thôi.
Ba tác phẩm khắc họa sự cô đơn ở từng khía cạnh khác nhau nhưng với lối văn chương mộc mạc, chân thực, không hoa mỹ từng câu chữ ấy lại khiến người đọc luôn đau đáu và ám ảnh mãi.