Đây là lời mở đầu tham luận của PGS.TS Đoàn Lê Giang đề dẫn cho hội thảo khoa học Kỷ niệm 250 năm năm sinh đại thi hào dân tộc Nguyễn Du do Trường đại học KHXH&NV TP HCM tổ chức ngày 23/12, khép lại một năm kỷ niệm Nguyễn Du như một danh nhân văn hóa thế giới.
Tượng đài Nguyễn Du ở Hà Tĩnh (phải) và tác phẩm truyện Kiều (trái). Ảnh tư liệu. |
Lời nhận định về Nguyễn Du như trên một lần nữa cho thấy tầm vóc của thi hào và kỷ niệm ngày ông ra đời cũng đồng nghĩa với việc nhắc lại những giá trị của các tác phẩm Nguyễn Du cả Hán lẫn Nôm mà các thế hệ học giới Việt Nam hôm nay và mai sau vẫn còn nghiên cứu, học tập.
Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia trong và ngoài nước đã gửi đến gần 100 tham luận. Sau phiên toàn thể, hội thảo đã chia các tiểu ban để tiếp cận cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Du trên các mảng nội dung: Cuộc đời Nguyễn Du, tâm sự của ông qua thơ chữ Hán và giá trị của bộ phận thơ ca này; Những vấn đề về văn bản và tư tưởng Truyện Kiều; Giá trị văn chương Truyện Kiều; Vấn đề tiếp nhận Truyện Kiều; Truyện Kiều và văn học thế giới.
Dễ nhận thấy trong sự nghiệp Nguyễn Du, Truyện Kiều nổi lên như một tác phẩm quan trọng, thu hút rất nhiều ý kiến, tham luận. Tại hội thảo, vấn đề Thực trạng và định hướng xây dựng văn bản Truyện Kiều được PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn đặt ra thu hút nhiều cử tọa quan tâm.
Đặc biệt ý kiến của nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng liệt kê hơn 100 lỗi theo ông là sai của bản Nôm Liễu Văn Đường 1871 đã gợi lại những vấn đề cần cân nhắc khi tiếp cận văn bản Truyện Kiều.
TS Nguyễn Tuấn Cường đã nêu ý kiến như một lời cảnh báo rằng chúng ta không nên duy văn bản khi tiếp cận Truyện Kiều, và nếu xem đây như một tác phẩm kinh điển hiểu ở góc độ thường xuyên được đọc lại để xem các ý nghĩa mới, thì giới nghiên cứu cần xem xét cả hai mặt văn bản Truyện Kiều và tiếp nhận Truyện Kiều.
Ở mảng nội dung tiếp nhận Truyện Kiều, các tham luận của Thạc sĩ Lê Thụy Tường Vy và TS Nguyễn Tuấn Cường gặp nhau ở chỗ cùng khảo cứu hoạt động kỷ niệm dịp 200 năm năm sinh Nguyễn Du (1965) tại miền Nam Việt Nam qua các báo và tạp chí bấy giờ, mở ra một hướng tiếp cận theo thực hành văn hóa với các thông tin thú vị.
TS Nguyễn Xuân Diện trình bày đời sống của Truyện Kiều khi được chuyển thể thành chèo Kiều. TS Đào Lê Na thông tin về Tiếp nhận và cải biên Truyện Kiều thành kịch bản cải lương trước 1945 là những tham luận thú vị cho thấy sức sống mãnh liệt và khả năng ứng hợp của tác phẩm Nguyễn Du trong dòng chảy các loại hình văn nghệ Việt Nam.