Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khát vọng hòa bình từ những gương mặt phụ nữ

Sự kiện "Khát vọng hòa bình" tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam gợi nhắc người tham gia về những người phụ nữ anh hùng đã có công giành lấy nền hòa bình cho đất nước ngày nay.

Triển lãm "Khát vọng hòa bình" trưng bày những hình ảnh, tư liệu về các hoạt động đấu tranh vì hòa bình của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ. Ảnh: MH.

Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết, có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân Việt Nam, tạo tiền đề để Việt Nam kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và là niềm cổ vũ lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Nhân đợt kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, sáng 9/1, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và Ban Di sản Ký ức tổ chức sự kiện “Khát vọng hòa bình”.

Sự kiện gồm 2 hoạt động chính là tọa đàm "Vì một nền hòa bình" và triển lãm "Khát vọng hòa bình".

Tại tọa đàm "Vì một nền hòa bình", nhiều khách mời - những người từng trực tiếp tham gia vào quá trình đấu tranh cho nền hòa bình dân tộc - đã chia sẻ những câu chuyện xúc động về những nữ dân công, chiến sĩ liên lạc, biệt động, lái xe Trường Sơn, thanh niên xung phong tuổi đời mới đôi mươi đã hăng hái lên đường ra trận, những nữ chiến sĩ cách mạng kiên cường, bất khuất trước đòn roi của kẻ thù, trong ngục tù vẫn giữ vững niềm tin về một ngày chiến thắng, ngày đất nước độc lập.

Xuất hiện tại sự kiện, Đại tá Mạc Đức Trọng, Phó cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, đã nhận xét rằng phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động bảo vệ đất nước trong chiến tranh, xây dựng đất nước sau chiến tranh, họ hăng hái tham gia vào nhiều vị trí, nhiều lĩnh vực; có những lĩnh vực họ còn làm tốt hơn nam giới.

Triển lãm "Khát vọng hòa bình" trưng bày những hình ảnh, tư liệu về các hoạt động đấu tranh vì hòa bình của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ, cùng sự đồng hành của bạn bè quốc tế.

Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng qua bài học lịch sử về một Việt Nam anh dũng với những người phụ nữ bản lĩnh và trí tuệ, triển lãm muốn ngợi ca giá trị của hòa bình và lan truyền thông điệp: "Hãy cùng chung tay vun đắp, dựng xây vì một nền hòa bình cho nhân loại".

Quan sát triển lãm, người xem nhận thấy 2 chủ đề trưng bày chính: "Đường tới hòa bình" và "Hiệp định Paris - Chiến thắng của khát vọng hòa bình". Triển lãm kể những câu chuyện về ý chí, tình thần kiên cường và anh dũng, bản lĩnh và trí tuệ của người phụ nữ Việt Nam trên mọi mặt trận từ chính trị, quân sự, ngoại giao nhân dân... Việc ký kết Hiệp định với sự tham gia của bà Nguyễn Thị Bình có một ý nghĩa quan trọng đối với phụ nữ Việt Nam nói riêng và người Việt Nam nói chung.

Triển lãm cũng hé lộ câu chuyện của những người phụ nữ Việt Nam đã hy sinh vì lý tưởng, quyết giúp đất nước giành lại độc lập, tự do, từ đó, gợi nhắc người xem về những người phụ nữ anh hùng và vai trò của họ cho nền hòa bình hôm nay.

Triển lãm sách về mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào

Buổi triển lãm trưng bày hàng trăm cuốn sách bằng tiếng Việt và tiếng Lào đã góp phần khắc họa rõ nét mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước trong 60 năm qua.

Triển lãm ký ức Xuân Mậu Thân 1968 tại Đường sách TP.HCM

Nhiều tác phẩm, ảnh tư liệu lịch sử về cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 được trưng bày tại Đường sách TP.HCM từ ngày 5/1 đến ngày 9/1.

Minh Hùng

Bạn có thể quan tâm