Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các không gian lưu trữ văn học trên thế giới

Lưu giữ những giá trị của văn chương là một phần không thể thiếu để định hình văn hóa quốc gia. Các bảo tàng trên thế giới lần lượt được xây dựng nhằm thực hiện mục đích đó.

Nhằm lưu trữ, tập hợp và sắp xếp một cách có hệ thống các tác phẩm văn chương, tư liệu, bản thảo quý và những vật phẩm liên quan tới xuất bản, nhiều bảo tàng trên thế giới được thành lập.

Dù là mô hình tư nhân hay nhà nước, các bảo tàng này cũng hoạt động dựa trên sứ mệnh bảo vệ, gìn giữ những giá trị tốt đẹp của văn chương nói riêng và ngành sách nói chung.

bao tang van hoc anh 1

Một gian trong Bảo tàng Ernest Hemingway tại Cuba. Ảnh: EFE/Radiotelevisionmarti.

Không gian lưu giữ văn chương trên thế giới

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, các bảo tàng văn học, bảo tàng sách hay bảo tàng nhà văn được thành lập từ nhiều thập kỷ trước. Một số bảo tàng còn có nguồn gốc và ý nghĩa thú vị.

Tiểu thuyết gia Ernest Hemingway - chủ nhân của giải Nobel Văn học năm 1954 - từng có hơn 20 năm sinh sống và sáng tác ở quốc đảo Cuba. Tại đây, ông đã viết nên những tác phẩm để đời như Ông già và biển cả, Giã từ vũ khí và phần lớn của Chuông nguyện hồn ai.

Suốt những năm tháng ở Cuba (1939-1960), Hemingway sống trong một ngôi nhà nằm trên ngọn đồi vùng San Francisco de Paula, cách trung tâm Thủ đô La Habana 20 km.

Năm 1960, ông quay trở về Mỹ, để lại ngôi nhà và toàn bộ vật dụng cho Cuba. Hiện nay, nó trở thành bảo tàng mang tên Ernest Hemingway. Trong đó, có tới 9.000 cuốn sách được trưng bày trên tủ sách ở các phòng, bao gồm phòng tắm.

Ngôi nhà vốn được xây dựng vào năm 1886 bởi hai kiến ​​trúc sư Miguel Pascual và Baguer. Du khách và bạn đọc yêu sách đến đây có thể nhìn thấy nhiều đồ vật cá nhân, bên cạnh sách, tranh vẽ, vật dụng hay chiếc máy đánh chữ mà khi còn sống, Hemingway thường đứng chân trần để gõ chữ. Đây cũng được xem là bảo tàng quan trọng nhất trên thế giới dành riêng cho tiểu thuyết gia người Mỹ này.

Trong làng văn thế giới, Dublin (Ireland) được biết đến là quê hương của những tên tuổi văn chương nổi bật như Jonathan Swift, Oscar Wilde và James Joyce - một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Có tới 3 nhà văn được giải Nobel Văn học là người Dublin.

Bảo tàng MoLI (Ireland) là sự kết hợp giữa Đại học Dublin và Thư viện Quốc gia Ireland, được thành lập dựa trên mục đích ban đầu là trưng bày các hiện vật của James Joyce. Sau đó, bảo tàng mở rộng ra, giới thiệu các khía cạnh đa dạng của văn học Ireland trong suốt 1.500 năm.

bao tang van hoc anh 2

Một không gian nhỏ trong Bảo tàng MoLI (Dublin, Ireland). Ảnh: Andrew Lee/ CNtraveler.

Với mong muốn lưu trữ nền văn học quốc gia, Bảo tàng Văn học hiện đại LiMO (Marbach am Neckar, Đức) là nơi trưng bày và cất giữ các bản thảo gốc đáng chú ý của Franz Kafka hay Alfred Döblin.

Bảo tàng được xây dựng trên một cao nguyên đá nhìn ra thung lũng Neckar - quê hương của nhà thơ, triết gia nổi tiếng Friedrich Schiller.

Đến nơi đây, độc giả sẽ được khám phá sự thật thú vị về các nhà thơ, nhà văn Đức cũng như hiểu biết sâu sắc về kho lưu trữ văn học quốc gia Đức, đặc biệt là các tác phẩm ở thế kỷ 20.

Tại Armenia, Bảo tàng Văn học và Nghệ thuật Charents được coi là kho lưu trữ lớn các bản thảo và sách của quốc gia này trong vòng 300 năm qua. Nó được hình thành vào năm 1954, từ năm 1967, nó được đặt theo tên của nhà thơ Armenia Yeghishe Charents.

Đến nay, cơ sở này đã phát triển thành một trung tâm nghiên cứu văn học đáng chú ý. Nơi đây trở thành kho lưu trữ tác phẩm của khoảng 600 tác giả, nhà viết kịch và nhạc sĩ người Armenia.

Ngoài các bản thảo, nơi đây còn trưng bày nhiều bức ảnh, áp phích, trang phục, vật phẩm sân khấu, giúp cho bạn đọc có cái nhìn toàn diện về cuộc đời của các nhà văn, nghệ sĩ.

Tọa lạc tại công viên Komaba, Bảo tàng Văn học hiện đại Nhật Bản là nơi trưng bày hàng trăm nghìn cuốn sách, tư liệu, tạp chí, nhật ký, video, bản thảo liên quan đến hơn 150 tác giả Nhật Bản hiện đại như Natsume Soseki, Ryunosuke Akutagawa, Yasunari Kawabata…

bao tang van hoc anh 3

Những du khách và bạn đọc đầu tiên tham quan Bảo tàng Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Ảnh: Tuyết Minh, Vũ Thủy.

Không gian lưu trữ sách và văn học trong nước

Bắt nhịp với thế giới, Bảo tàng Văn học Việt Nam (Hà Nội) chính thức mở cửa từ năm 2015. Bảo tàng trực thuộc Hội nhà văn Việt Nam.

Khu vực này có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày và giới thiệu đến bạn đọc các di sản văn hóa, cụ thể là văn học; qua đó phản ánh quá trình hình thành và phát triển của nền văn chương Việt Nam.

Bên cạnh những tư liệu, bản thảo, bút tích, đồ dùng của các thế hệ nhà văn, Bảo tàng Văn học Việt Nam còn trưng bày các tác phẩm in lần đầu hoặc được tái bản nhiều lần hay kho tư liệu hình ảnh, giọng nói của các tác giả và tượng các nhà văn lớn.

Hiện nay, bảo tàng còn lắp đặt hệ thống máy tính, máy chiếu hiện đại để người đọc khi đến đây tham quan có thể dễ dàng tra cứu thông tin.

Thành lập từ đầu năm nay, Bảo tàng Sách và Văn hóa đọc là một bảo tàng tư nhân, được lên ý tưởng từ “tiến sĩ văn hóa đọc” Nguyễn Mạnh Hùng. Từ khi thành lập công ty sách, ông Hùng đã ấp ủ xây dựng một không gian trưng bày sách cổ, hiếm và bản đặc biệt từ thế kỷ 16-18 của Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới.

Mục đích của bảo tàng này là lưu giữ giá trị của ngành xuất bản, in ấn và chữ viết. Tại đây, hàng trăm ấn bản cổ với chất liệu đặc biệt (sơn mài, thêu, lụa, trúc chỉ…) được trưng bày khắp 3 tầng. Người xem có thể quan sát và hiểu hơn về lịch sử chữ viết qua các thời kỳ, ngôn ngữ trên thế giới, cũng như tiến trình ngành in và xuất bản.

Bà Nguyễn Thị Thu Huệ làm Giám đốc Bảo tàng Văn học

Tác giả “Hậu thiên đường” mới được bổ nhiệm làm Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Bảo tàng Sách và văn hóa đọc đầu tiên tại Việt Nam

Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - cho rằng bảo tàng này sẽ góp phần tác động đến nhận thức, sự quan tâm sách và văn hóa đọc trong cộng đồng.

Thu Huệ

Bạn có thể quan tâm