Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện ngày xưa của Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế

Một sáng giữa tháng 6 nắng đẹp, tôi đang lặng nhìn những vũ khí chiến lợi phẩm từ sân Quốc Tử Giám Huế, chợt nghĩ đến câu chuyện 75 năm về trước đã diễn ra trên mảnh đất này.

Chuyện di dời máy bay xe tăng "chiến lợi phẩm"… từ Quốc Tử Giám Huế trong Thành Nội đến nơi mới của Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế (BTLS) trên đường Điện Biên Phủ trong những ngày đầu tháng 5 vừa rồi, báo chí đã đưa tin.

Cùng việc di dời nhà dân trên Thượng Thành, có thể nói đây là một cú "bứt phá ngoạn mục" của Huế trong tiến trình đưa Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố "đặc thù" trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Dự án chuyển Bảo tàng Lịch sử ra khỏi khuôn viên Quốc Tử Giám đã được đặt ra từ nhiều năm trước - vì Quốc Tử Giám chính là Trường Đại học duy nhất được dựng từ thời vua Duy Tân, thuộc Di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận, đem đặt những xe tăng, đại pháo… án ngữ phía trước di tích là việc bất đắc dĩ - nhưng mãi đến nay, mới chọn được địa điểm thích hợp cho Bảo tàng Lịch sử trên đường Điện Biên Phủ (ngày xưa là đường Nam Giao).

Tại địa điểm này, những năm qua là doanh trại một đơn vị quân đội, nhưng có lẽ ít người biết chuyện "ngày xưa" ở đây. Có thể cũng là điều thú vị, vì câu chuyện "ngày xưa" ấy, tình cờ lại gắn với cái tên Bảo tàng Lịch sử.

Tôi biết câu chuyện "ngày xưa" ấy nhờ đọc một cuốn sách cũng khá đặc biệt - cuốn sách của ba tiểu thư con Tổng đốc Võ Chuẩn, vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành, với tựa đề khiêm tốn: "Lời thì thầm của ba người con gái Huế xưa".

Trong tiểu thuyết "Hai gốc cây" in trong "Lời thì thầm…", có nhiều yếu tố tự truyện của nhà văn Minh Đức Hoài Trinh, tác giả đã kể lại nhiều câu chuyện diễn ra trong biệt thự có hai cây sanh trước cổng trên đường lên Nam Giao.

Trải qua "những cuộc bể dâu", hai cây sanh cùng dấu tích ngôi biệt thự xưa không còn gì, nhưng nhờ tiểu thuyết "Hai gốc cây", nhiều câu chuyện liên quan đến lịch sử Huế đã được tái hiện.

Chính tại ngôi nhà này, tròn 75 năm trước, sau Cách mạng Tháng 8, đây là nơi góp phần sản xuất lựu đạn đánh Tây. Tôn Thất Hoàng, bạn thân với Võ Sum - con trai cụ Võ Chuẩn, đều là cựu học viên Trường Thanh niên tiền tuyến Huế 1945 (TTNTTH) - đã kể trong một bài viết in sách "Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế 1945 - một hiện tượng lịch sử" (NXB Công an nhân dân, 2008) như sau:

bao tang lich su anh 1

Vợ chồng cụ Tổng đốc Võ Chuẩn (ảnh trên) và 3 con gái Băng Thanh, Minh Đức Hoài Trinh, Linh Bảo trong cuốn hồi ký Lời thì thầm của ba người con gái Huế. Ảnh: Văn nghệ Công an.

Sau Cách mạng Tháng 8/1945, hầu như toàn bộ học viên TTNTTH chuyển thành bộ đội Giải phóng quân Huế, "Ngành Quân giới - Quân khí được giao cho Võ Sum vì giỏi về cơ khí… Võ Sum đặt trụ sở của Ban Quân giới - Quân khí tại Trường Kỹ nghệ thực hành…

Việc chế tạo thử fun-mi-nat thủy ngân để nhồi hạt nổ và ống nổ trong lựu đạn thì phải làm tại nhà Võ Sum (nhà cụ Võ Chuẩn) trên đỉnh dốc Nam Giao…

Pha chế fun-mi-nat thủy ngân trong điều kiện thô sơ sản sinh ra khói trắng đượm mùi ê-te dễ gây độc hại cho người hít phải, cho nên các cô em Võ Sum thường bồi dưỡng cháo gà cho người pha chế.

Hai cô em của Võ Sum sau này, một người hoạt động cho quân báo, một người vào Đoàn Tuyên truyền Xung phong Trung Bộ dưới sự lãnh đạo của ông Hải Triều…".

Một trong "hai cô em" đó, về sau là nhà văn Minh Đức Hoài Trinh, qua tiểu thuyết "Hai gốc cây" đã cho biết, hai cây sanh biể#u tượng tình yêu vượt qua lễ giáo phong kiến của cụ Võ Chuẩn, sau những năm tháng quấn quýt bên nhau, đã bị lính Pháp "chặt sát gốc, đào cả rễ vì sợ quân du kích vô trốn trên cành mà vất lựu đạn xuống"…

Đó cũng là những ngày "ông anh" tên là Sơn (mà Võ Sum là "nguyên mẫu") tham gia Quân Giải phóng Huế, thỉnh thoảng mới có dịp về thăm nhà. Tác giả viết: "… Mỗi lần nghe tiếng ngựa của Sơn hí từ ngoài xa… ông Thượng cũng vụi mừng. Sơn có nhiều chuyện để kể…".

Nhiều trang cuối tiểu thuyết miêu tả bầu không khí gia đình "ông Thượng" sau Cách mạng Tháng 8 (cụ Võ Chuẩn chán thời cuộc, xin nghỉ hưu sớm khi đương chức Tổng đốc Quảng Nam, hàm Thượng thư).

Với cái nhìn bình tĩnh và công bằng về sự kiện đã làm đảo lộn cuộc sống ở Huế - nhất là trong một gia đình quan lại như "ông Thượng", tác giả viết những trang văn này rất vui vẻ và cả giễu nhại nữa.

Khi miêu tả không khí "dân chủ" trong gia đình "ông Thượng", mấy cô con gái chê mạ đủ thứ nào là "bảo thủ, phong kiến, phản văn minh"…, "bà Thượng" than: "Biết rứa thì tau không đẻ tụi bay ra cho mệt…"; một "tiểu thư" liền nói: "Thôi thì mạ cứ đuổi tụi con vô bụng lại đi!".

Người mẹ phải hét lên để giữ chút uy tín cho mình: "Lớn rồi, chồng gần đi cưới cả rồi, không lo mà tập tành ăn ở đi…". Thế là mấy "tiểu thư" hô "Đả đảo mẹ chồng! Đả đảo làm dâu!" khiến "bà Thượng" chỉ còn biết cười hòa với các con!

Con Mai giỏi ăn nói còn dám nói "có ngày được mời ra giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao thay Nguyễn Tường Tam"…

Tác giả - qua tâm sự người mẹ - đã thốt lên: "Không ngờ cuộc cách mạng lại có ảnh hưởng vào đến cả trong tâm tư của mấy đứa con gái của mình"... Than thở vậy, nhưng tác giả lại diễn tả với một giọng điệu "vui vẻ":

"Ai chẳng muốn cởi bỏ những xiềng xích nô lệ, ai chẳng muốn được tự mình làm chủ lấy mình, cày bừa ruộng mình".

Cái cô Mai muốn làm Bộ trưởng, còn tuyên bố: "Khi mô tau làm Ngoại giao thì tau bắt Tây phải ký kết đủ điều, nhìn nhận nước Việt Nam độc lập hoàn toàn, rồi tau mới bằng lòng cho khai thác vườn cao su…".

"Lập trường" yêu nước ấy cũng thể hiện rõ bằng những dòng chữ miêu tả sự phẫn nộ của vợ chồng "ông Thượng" khi biết hai gốc cây bị Tây chặt trụi - ông "cảm thấy tâm hồn mình đang giá buốt" và trách mình chẳng đưa tay lên tát cho thằng Tây một cái!...

Một sáng giữa tháng 6 nắng đẹp, tôi đang lặng nhìn những vũ khí chiến lợi phẩm từ sân Quốc Tử Giám Huế vừa được chuyển lên an vị tại nơi mới của Bảo tàng Lịch sử, chợt nghĩ đến câu chuyện 75 năm về trước đã diễn ra trên mảnh đất này thì điện thoại reng reng:

- A lô!... Anh có rỗi, mời đi uống cà phê…

Thấy tên Phan Tân Hội (PTH), tôi liền đáp:

- Bạn lại vô Huế lo kỷ niệm TTNTTH à? Thế thì lên "Nam Giao hoài cổ" có chuyện này vui lắm.

Nhiều năm qua, cứ vào khoảng tháng 6-7, Hội lại vô Huế, tổ chức kỷ niệm thành lập TTNTTH - ngôi trường ra đời ngày 3/7/1945 trước thềm Cách mạng Tháng 8 ở Huế.

Vậy là tròn 75 năm qua. Về ngôi trường này, báo chí đã viết nhiều; đặc biệt có đến 8 học viên trở thành tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam.

Phan Tân Hội là con út của luật sư Phan Anh - người cùng giáo sư Tạ Quang Bửu - sáng lập ngôi trường đặc biệt này - một "hiện tượng lịch sử" như nhan đề cuốn sách mà NXB Công an nhân dân đã in...

Vừa "thưởng" cà phê trong "Nam giao hoài cổ", tôi kể cho Hội câu chuyện ở trên rồi dẫn anh tới "ngắm" nơi sẽ là Bảo tàng Lịch sử. Phan Tân Hội giọng có chút bùi ngùi:

- Học viên cũ nay chỉ còn 3 người! Có lẽ không ai về dự được. "Ít tuổi" nhất, Đại tá Lâm Quang Minh ở Đà Nẵng, 98 tuổi; Đặng Văn Việt thì vừa mừng thọ 100 tuổi ở Hà Nội trên xe lăn; còn Thiếu tướng Mai Xuân Tần ở TP Hồ Chí Minh nữa!", Tuy vậy, năm 2020 là "tròn 75 năm", em sẽ thay mặt các vị tổ chức kỷ niệm.

- Phải! Tinh thần TTNTTH mãi vẫn còn.

- Còn cả kỷ vật nữa chứ anh. Anh không nhớ các cựu học viên TTNTTH, bạn thân với Võ Sum như Đặng Văn Việt, Tôn Thất Hoàng… đã tặng lại Bảo tàng Lịch sử một số hiện vật mấy năm trước à.

Giá như Bảo tàng Lịch sử hoàn thành việc trưng bày lại tại nơi mới này năm nay để ta tổ chức kỷ niệm ở đây thì đẹp quá!

Giọng Phan Tân Hội thoáng chút nuối tiếc. Tôi chỉ biết "an ủi" bằng cách vui vẻ bảo anh bạn rằng: "Cơm không ăn, gạo còn đó! Hẹn cuối tháng 7 sang năm!".

Hai anh em lặng nhìn khuôn viên Bảo tàng Lịch sử còn vắng lặng trong nắng hè chói chang, lòng xao động với biết bao suy ngẫm. Trên đất Huế, đâu chỉ trong lăng tẩm, cung điện vàng son; mỗi bước chân đi đều có thể nghe lịch sử vọng về, nghe tiếng người xưa rì rào trong gió…

Những con người "góp mặt" - dù là vai diễn phụ bé nhỏ, đã góp phần tạo nên bầu không khí lịch sử ngày xưa ấy, nay hầu hết đều đã ở "cõi khác"; những con người, bất kể xuất thân từ hoàn cảnh nào, nhưng là con dân Việt, tất cả đều tha thiết có một "nước Việt Nam độc lập hoàn toàn, cởi bỏ những xiềng xích nô lệ", nên đã theo tiếng gọi của Cụ Hồ, của Việt Minh lên đường…

Cảnh tượng nghẹt người ngày đầu tiên đón vua Bảo Đại du học trở về

Trước khi tàu chở vua Bảo Đại du học về nước, ở Huế dân tình “bàn tán đến cuộc hồi loan này lắm". Đức thiếu quân trở về đã khởi lên nhiều tranh luận.

http://vnca.cand.com.vn/Tu-lieu-van-hoa/Chuyen-ngay-xua-cua-Bao-tang-Lich-su-Thua-Thien-Hue-600342/

Nguyễn Khắc Phê / Văn nghệ công an

Bạn có thể quan tâm