Sự kiện được tổ chức để tưởng nhớ, tri ân công lao và sự nghiệp vĩ đại của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, đồng thời nâng cao nhận thức về những giá trị cần bảo tồn tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần ở Đông Triều, Quảng Ninh.
Đức vua Trần Nhân Tông là vị hoàng đế anh minh, anh hùng dân tộc đã lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần đánh bại quân xâm lược đế quốc Nguyên Mông, bảo vệ độc lập, tự chủ cho dân tộc, xây dựng vương triều nhà Trần và quốc gia Đại Việt hùng mạnh. Ngài đồng thời là nhà văn hóa, tư tưởng lớn, đã tu hành giác ngộ, sáng lập nền Phật giáo Trúc Lâm và dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, được nhiều thế hệ tôn xưng là Vua Phật Việt Nam.
Đại lễ có sự góp mặt của các đại biểu Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lãnh đạo Tập đoàn Vingroup, Myway, Quỹ Thiện Tâm, đại diện Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh.
Trong khuôn khổ sự kiện, lễ cắt băng khánh thành am, chùa Ngọa Vân cũng được tổ chức để đánh dấu cột mốc hoàn thiện công trình có tổng mức kinh phí hơn 30 tỷ đồng. Công trình góp phần quảng bá hình ảnh Ngọa Vân cùng các di tích quần thể nhà Trần ở Đông Triều, tạo điểm đến tâm linh cho tăng ni, Phật tử và du khách.
-
Sự kiện góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa và con người Quảng Ninh, đồng thời cho thấy nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh và thị xã Đông Triều trong việc thực hiện "mục tiêu kép", vừa tổ chức các hoạt động duy trì bản sắc dân tộc, vừa đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
-
-
"Chúng tôi không những được chiêm ngưỡng, mà còn có thể đem tài vật và trí tuệ của mình về tham gia đóng góp. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho dân tộc. Chúng tôi mong sau khi công trình am, chùa Ngọa Vân được tu bổ, tôn tạo, tư tưởng của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông sẽ sống mãi, không chỉ trong lòng người dân Việt Nam mà vươn ra thế giới. Hy vọng trong thời gian tới, chính quyền tỉnh Quảng Ninh và thị xã sẽ kêu gọi được nhiều hơn để xây dựng chốn tổ, góp phần giúp Phật giáo Trúc Lâm sống mãi", ông Trần Quang Cường, Chủ tịch Hội đồng Quỹ Thiện Tâm, đại diện Tập đoàn Vingroup, chia sẻ.
-
Ông Nguyễn Văn Ngoãn, Phó bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều, chia sẻ: "Đây là dấu ấn đặc biệt quan trọng trong việc tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà Trần ở Đông Triều. Đây là niềm tự hào đối với địa phương, đồng thời là nhiệm vụ và trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thị xã Đông Triều, tri ân các bậc tiền nhân trong việc gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, danh thắng trên địa bàn thị xã nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung".
-
Dự án tu bổ và tôn tạo am, chùa Ngọa Vân có tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng
Năm 2014, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh phối hợp với thị xã Đông Triều tổ chức lễ động thổ khởi công trùng tu, tôn tạo am, chùa Ngọa Vân với các hạng mục: Tam bảo, nhà Tổ, nhà khách và các công trình phụ trợ khác với tổng kinh phí trên 83 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Đến năm 2016, công trình được khánh thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu tâm linh, thưởng ngoạn của nhân dân và du khách thập phương.
Đến tháng 12/2020, để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của quần thể di tích, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt dự án tu bổ và tôn tạo nhân dịp lễ tưởng niệm 712 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.
Dự án có tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng. Theo đó, cụm di tích được quy hoạch lại toàn bộ không gian cảnh quan khu vực 3 phân khu: Bàn cờ tiên, khu am tháp và khu phụ trợ.
-
Lễ khánh thành am, chùa Ngọa Vân
Sự kiện kết hợp tổ chức lễ khánh thành am, chùa Ngọa Vân sau một năm tu bổ và tôn tạo, với kinh phí đến từ sự phát tâm công đức của Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn Vingroup. Quần thể am, chùa Ngọa Vân tọa lạc trên dãy núi Bảo Đài, thuộc địa phận 2 xã An Sinh và Bình Khê, ở nơi đắc địa đẹp về cảnh quan lẫn phong thủy với hình thế "tả thanh long, hữu bạch hổ, xa có chẩm, trước có án, xa hơn là trường lưu thủy", là quần thể kiến trúc chùa tháp lớn của Phật giáo Trúc Lâm, một trong 14 điểm thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều.
-
Tưởng niệm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn
Trong không khí trang nghiêm, hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đọc văn tưởng niệm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.
"Trên tinh thần sắc tướng vốn không, mượn cảnh huyễn, độ người như huyễn, tử sinh nào có, nương thuyền từ độ kẻ trong mê, như tổ sư đã dạy: 'Tất cả Pháp không sinh. Tất cả Pháp không diệt. Ai hiểu được nghĩa này thì Chư Phật hiện tiền, nào có đến có đi'. Do đó, dù thời gian có đi qua hơn 700 năm, không gian có biến dịch, song công đức, đạo nghiệp của tổ sư vẫn còn sống mãi trong trang sử vàng son của dân tộc, của Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp hộ quốc an dân, đoàn kết hòa hợp dân tộc, phát huy Đạo pháp trong thời đại ngày nay và mãi mãi về sau", hòa thượng Thích Thanh Quyết chia sẻ.
-
Thượng tọa Thích Thanh Lịch - Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, đọc tiểu sử Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, sư tổ thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông được biết đến là vị hoàng đế anh minh, lãnh tụ thiên tài, anh hùng dân tộc. Ngài là nhà văn hóa, tư tưởng lớn, đồng thời là nhà sáng lập nền Phật giáo Trúc Lâm và dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử được các thế hệ tôn xưng là Vua Phật Việt Nam.
-
Về chứng minh, trụ trì và dự sự kiện có Hòa thượng Thích Thanh Quyết - Phó chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng ban Giáo dục Phật giáo, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; ông Ngô Hoàng Ngân - Phó bí thư thường trực tỉnh ủy Quảng Ninh, trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh; ông Nguyễn Đức Long - Nguyên phó bí thư tỉnh ủy, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; ông Nguyễn Văn Công - Tỉnh ủy viên, bí thư thị ủy Đông Triều; ông Vũ Văn Học - Nguyên bí thư thị ủy, nguyên Chủ tịch HĐND thị xã Đông Triều... cùng nhiều đại biểu.
-
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh tỉnh Quảng Ninh nói chung và thị xã Đông Triều nói riêng phần nào kiểm soát được những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Các tăng ni, Phật tử phải tiến hành test nhanh Covid-19 tại điểm lên cáp treo và nhận kết quả âm tính trước khi lên am, chùa Ngọa Vân.
-
Thiên nhiên hoang sơ
Không chỉ lưu giữ những dấu tích thiêng liêng về Phật hoàng Trần Nhân Tông, khu di tích Ngọa Vân còn có khung cảnh thiên nhiên nguyên sơ tuyệt đẹp. Nằm trong khu vực vòng cung Đông Triều, Ngọa Vân được bao bọc, ôm ấp bởi những ngọn núi xanh mướt, trùng trùng điệp điệp. Thảm thực vật nơi đây gần như còn nguyên vẹn với rất nhiều loài động thực vật quý hiếm. Đến Ngọa Vân, du khách có dịp được chiêm người những cây thông trăm tuổi, những rừng trúc bạt ngàn.
-
Năm 1308, Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn tại am Ngọc Vân
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tháng 5 năm 1307, Trúc Lâm Đại Sĩ (tên hiệu của Phật hoàng) đã lên tu tại một am trên đỉnh Ngọa Vân - một đỉnh cao quanh năm mây phủ nằm trên núi Bảo Đài thuộc dãy Yên Tử linh thiêng. Ngày 1/11/1308, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã nhập niết bàn tại am Ngọc Vân (nay thuộc xã An Sinh và xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).
Sau khi đệ nhất tổ Trúc Lâm qua đời, các thế hệ sau đã xây dựng lại am Ngọa Vân để thờ cúng ngài, đồng thời cũng xây dựng chùa và các công trình kiến trúc tôn giáo khác để thờ Phật và thực hiện việc hành đạo.
-
Chùa Ngọa Vân được xây dựng vào thời Trần
Ngọa Vân Tự nghĩa là “chùa nằm trên mây”. Ở độ cao hơn 500 m so với mực nước biển, chùa có địa thế đẹp, tựa lưng vào đỉnh Ngọa Vân mây phủ, có hai dãy núi ôm vòng hai bên, phía trước có ngọn núi nhỏ làm án, phía xa là thung lũng với dòng sông Cầm uốn quanh.
Bình luận