Sài Gòn chở cơm đi ăn phở, Sài Gòn ồ bỗng ngon ghê! của tác giả Ngữ Yên vừa được First News và NXB Văn hóa Văn nghệ phát hành trong tháng 7. Đây được xem là một "combo" sách giúp độc giả khám phá, trải nghiệm văn hóa ẩm thực Sài Gòn đầy thú vị.
Theo tác giả, Sài Gòn là dân tứ chiêng, tứ hải giai huynh đệ. Vì thế nơi đây hội tụ những món ăn với nhiều hương vị, phong cách khác nhau.
Bộ đôi sách về ẩm thực của tác giả Ngữ Yên. |
Đó là món ăn hương vị quê nhà như bát canh chua, mắm kho quẹt… Nhưng cũng có những món gây tranh cãi nảy lửa như thịt chó. Người đọc như được tham gia vào một cuộc tán dóc, cà kê hào sảng trên bàn nhậu vỉa hè hay một cuộc đàm luận thú vị bên mâm cơm ngày nhàn rỗi.
Với giọng điệu hài hước, thâm thúy xuyên suốt hai tập sách đã át “mùi” khô khan của sử liệu, khiến chuyện của trăm, ngàn năm trước sống động và quen thuộc như một bữa cơm nhà.
Từ câu chuyện ẩm thực, bức tranh về đời sống Sài Gòn trong mắt của những người dân nhập cư cũng hiện lên sống động. Sài Gòn không có đặc sản nhưng lại ôm vào, nâng niu đặc sản của mọi vùng miền, quốc gia. Có những khu chợ người Quảng, những “thiên đường” món Bắc, những phố ẩm thực Hàn, Nhật, Thái…
Nhiều bài viết được giới thiệu trong hai tập sách là chuyện “một thuở”, có thể xem như chất liệu để người ngày sau có thể hiểu hơn về “ngày xưa”, về bối cảnh rộng lớn hơn phạm vị cái ăn, mâm ăn, bàn ăn thời tác giả sống, khám phá và viết.
Bìa sách Sài Gòn chở cơm đi ăn phở. |
Trong sự dịch chuyển của món ăn, cách ăn, có thể nhìn thấy những phóng chiếu đổi thay của dòng đời, thế cuộc. Như Ngữ Yên đã viết trong lời mở sách - bao nhiêu nước đã về xuôi, tồn hư thật vô thường.
Tác giả Ngữ Yên, tên thật là Trần Công Khanh. Anh từng làm ở các báo như Sài Gòn tiếp thị, Diễn đàn Doanh nghiệp cuối tuần, Thế giới tiếp thị. Những cuốn sách tác giả từng xuất bản như Người ăn rong (2006), Người ăn rong 2 (2013), Những gì chưa dạy ở trường báo chí (2015).