Sapiens: Lược sử về loài người đưa chúng ta vào một chuyến đi kinh ngạc qua toàn bộ lịch sử nhân loại, từ những gốc rễ tiến hóa thời vượn tinh khôn đến thời đại của chủ nghĩa tư bản và kỹ thuật di truyền, để khám phá tại sao chúng ta đang trong những điều kiện sinh sống hiện tại, đồng thời cũng đặt ra những câu hỏi lớn: Liệu con người hiện đại có hạnh phúc hơn người nguyên thủy? Cuộc cách mạng nông nghiệp thực chất là bước tiến hay bước lùi?…
Ngay từ khi ra mắt, cuốn sách đã gây nhiều tiếng vang lớn, được dịch ra 45 ngôn ngữ và liên tục tạo ra những cuộc tranh luận. Đặc biệt, Sapiens cũng nằm trong danh sách khuyên đọc của nguyên tổng thống Barack Obama, tỷ phú Bill Gates, cha đẻ của Facebook - Mark Zuckerberg.
Jared Diamond tác giả cuốn sách đoạt giải Pulitzer Súng, vi trùng và thép nhận định: “Sapiens tìm câu trả lời cho vấn đề lớn nhất của lịch sử cũng như của thế giới hiện đại, và nó được viết bằng một thứ ngôn ngữ tuyệt vời khiến người ta không thể quên được”.
Tác giả Yuval Noah Harari. |
Là khách mời đặc biệt trong buổi lễ ra mắt sách, phó đại sứ Israel Doron Lebovich chia sẻ mình đã đọc Sapiens vào năm 2012, khi là sinh viên trường Hebrew nơi tác giả Harari giảng dạy. Tại Israel, sau khi xuất bản, cuốn sách đã nhanh chóng trở thành hiện tượng, rất nhiều hội thảo bàn luận về nó, và thậm chí người ta cũng từng mở triển lãm trưng bày hiện vật dựa trên ý tưởng của cuốn sách tại bảo tàng.
Lý giải về sức hút của cuốn sách, ông Doron cho rằng Sapiens được đón nhận nồng nhiệt bởi nó viết về một giống loài, một lịch sử của toàn cầu chứ không phải là của riêng đất nước nào. Thậm chí, nó còn phá vỡ ranh giới giữa các ngành khoa học khi không chỉ đề cập đến lịch sử mà còn kết hợp sinh học, địa lý, khảo cổ,… để đem đến một bức tranh toàn cảnh về tiến trình của loài người. Bức tranh ấy đặc biệt cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
PGT. TS Đinh Ngọc Bảo, chuyên gia lịch sử thế giới nhận xét, trong cuốn sách có nhiều quan điểm khác biệt so với nhận thức mà lâu nay người Việt vẫn quan niệm hay thậm chí giảng dạy. Tác giả Harari cho rằng ngoại trừ cách mạng nhận thức là bước nhảy vọt để con người vượt lên các giống loài khác, cách mạng nông nghiệp và khoa học lại là bước đi lùi vì chúng không làm người ta hạnh phúc hơn.
Cuốn sách Sapiens: Lược sử về loài người. |
Harari đặt ra quan điểm rằng quá trình chuyển đổi từ trồng trọt sang chăn nuôi là một cái bẫy vì trong khi người cổ đại chỉ dành 2-3 tiếng một tuần săn bắn, hái lượm thì người hiện đại lại làm việc 40 tiếng, thậm chí 60 tiếng ở các nước kém phát triển. Vậy ai hạnh phúc hơn? Tương tự, cuộc cách mạng khoa học đã dần biến con người thành những cỗ máy, và khi người ta đã phát triển trí tuệ nhân tạo thì tương lai con người sẽ thế nào?
Ngoài ra, thay vì cổ vũ sự hòa hợp giữa người với người, tác giả lại cho rằng từ nguyên thủy, Sapiens đã là giống loài ưa thích cạnh tranh cả với các loài khác và với đồng loại của mình. Quan điểm này được tác giả dùng để lý giải tác động của con người đã dẫn đến sự suy tàn của giống loài khác cùng như những cuộc chiến tranh liên tiếp nổ ra trong lịch sử.
"Sau khi xuất bản tại Việt Nam, chắc chắn cuốn sách sẽ tạo ra nhiều cuộc tranh luận thú vị.", PSG. TS nhận định. Những cuốn sách về lịch sử thường được viết theo khuôn mẫu giống nhau, nhưng Sapiens lại đặt ra nhiều vấn đề hấp dẫn, giữa các chương có sự liên kết chặt chẽ, đan xen quá khứ và hiện tại cùng với lượng kiến thức liên ngành đồ sộ.