Cuốn Lịch sử sách (tên gốc tiếng Anh: The Oxford Illustrated History of the books) do James Raven - học giả người Anh chuyên về lịch sử sách - làm chủ biên (Hoàng Lan dịch) là một tuyển tập gồm 14 bài tiểu luận đa chuyên ngành về lịch sử sách của các giáo sư đầu ngành đến từ các viện nghiên cứu, đại học danh tiếng của Mỹ, Anh Pháp, Thụy Điển, Nhật Bản, Italy...
Lịch sử sách nhìn từ góc độ đa chuyên ngành
Với việc nhìn sách từ nhiều góc độ: sử học về khoa học, tư tưởng, văn hóa, xã hội, nghệ thuật; thư mục học; văn học; ngôn ngữ; codex học; cổ tự; văn khắc; thủ thư; bảo tồn sách; nhân chủng học; khảo cổ học…, cuốn sách đã mang đến hiểu biết mới mẻ về sách, khám phá vai trò của sách, cung cấp một cái nhìn “đa văn hóa” về những yếu tố tạo nên một “cuốn sách”, đồng thời cho chúng ta có cái nhìn bao quát hơn về lịch sử của sách.
Theo James Raven, điểm hấp dẫn của lịch sử sách trên bình diện toàn cầu trải dài trong nhiều thế kỷ chính là những sự khác biệt trong các định nghĩa về sách. Lý do là sách đã liên tục được sửa đổi, cải cách theo thời gian ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới.
Lịch sử của sách cũng rất đa dạng và có niên đại ít nhất 5.000 năm, nó không chỉ gồm lịch sử của sách codex hay sách in, mà còn là lịch sử của các dân tộc khác nhau, ở những nơi khác nhau trên thế giới, theo những cách khác nhau, vì những lý do khác nhau và với những hệ quả rất khác nhau, đã nỗ lực, lưu hành, phổ biến cũng như truy xuất kiến thức, thông tin.
Mặt khác, xét trên phạm vi toàn thế giới và ở nhiều xã hội khác nhau trong quá khứ cũng như hiện tại, sách tồn tại dưới nhiều hình thức và thể loại khác nhau như: bảng hình nêm; dạng sách cuộn; nút thắt khipu (hoặc “quipu”) của nền văn hóa Inca; sách thẻ tre (trúc thư), in mộc bản hay thuật khắc gỗ của người Trung Quốc và Đông Á; cuộn tranh thanka Phật giáo; sách lá của người Java, Bali, Singhala cũng như sách bằng da trâu của Dakota.
Ngay cả trong phạm vi chung của codex, tập bản đồ, sách nhạc, scrapbook (cuốn sách có những trang trống), sách lật (Flipbook), truyện tranh (hay Manga) cũng cho thấy sự đa dạng về thể loại và hình thức sách. Nhưng trên hết, ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới với sự đa dạng của các loại sách kỹ thuật số có khả năng mang lại những trải nghiệm đọc, tiếp cận, xử lý và sáng tác văn bản khác nhau.
Do vậy, khi nghiên cứu lịch sử sách sẽ có những thách thức mang tính so sánh về chất liệu, thể loại, hình thức sách, cũng như việc sử dụng đọc sách (lịch sử của các phương thức đọc và tiếp nhận khác nhau). Thách thức này vừa mang tính khái niệm vừa mang tính phương pháp luận trong việc xác định những đặc điểm những tên gọi của sách cũng như chất liệu khác nhau của chúng.
Tuy nhiên, lịch sử của sách không chỉ đơn giản là vấn đề hình thức vật chất, cũng không hẳn là lịch sử đọc và tiếp nhận. Câu hỏi lớn hơn là về tác động của việc sản xuất, phân phối và tiếp nhận văn bản dưới mọi hình thức tài liệu khác nhau ở trong các xã hội và trong các khoảng thời gian khác nhau - đây là cách thức mà chính các cuốn sách đã tạo nên lịch sử.
Từ thế giới cổ đại đến thời đại kỹ thuật số hiện đại
Để giải quyết những vấn đề đặt ra trên, cuốn sách đi tuần tự từ thế giới cổ đại đến thời đại kỹ thuật số hiện đại. Bên cạnh đó, tại mỗi chương (sách gồm 14 chương), các tác giả đều đưa ra những hiểu biết sâu sắc về mối quan hệ giữa sách và câu chuyện về thời đại của chúng. Ngoài ra, 168 hình minh họa đi kèm chú thích mô tả, sách còn đưa ra những ví dụ rất riêng biệt, cụ thể, sinh động về lịch sử sách.
Bắt đầu với Thế giới cổ đại, Lịch sử sách đi từ những sách tồn tại trước khi sách như chúng ta biết đến ngày nay xuất hiện: nghĩa là, nhiều đồ vật và hình thức chuyên chở chữ viết đã hiện diện trước khi cả những tờ giấy gắn lại với nhau, trở thành phương tiện di động, mặc định cho việc lưu trữ văn bản và truyền tải văn bản trên toàn thế giới.
Điểm nhấn của thế giới cổ đại đó là chữ viết cổ được phát minh - hoặc được phát triển trong một thời gian dài ở ít nhất 4 khu vực trong lịch sử thế giới đó là Ai Cập cổ đại, Lưỡng Hà, Trung Quốc, Trung Mỹ. Đồng thời với sự ra đời của chữ viết là sự xuất hiện của những phương tiện truyền đạt chữ viết được chấp nhận là sách.
Nó gồm hai dạng: các tờ được cuộn (cuộn sách) hoặc gập thành tập (codex) và những trường hợp đặc biệt như dây thắt nút khipu, đất sét khoáng hoặc đất nung, xương, đá, kim loại, da động vật, sợi thực vật, thẻ tre, gỗ, lụa tơ tằm…
Cho đến nay thiết kế chính xác của chiếc máy in đầu tiên vẫn còn là một câu hỏi, nhưng chúng ta vẫn có thể cảm nhận chung về diện mạo của nó vào cuối thế kỷ XV. Hình ảnh từ sách Nova Reperta, xuất bản ở Antwerp năm 1590. Nguồn: sothebys. |
Tiếp theo Thế giới cổ đại, Lịch sử sách đưa bạn đọc đến thành phố "Byzantine", tìm hiểu sự phát triển của sách trong nền văn hóa Đông La Mã, từ cuối thế kỷ 1 và 2 sau công nguyên, cho đến khi nó sụp đổ dưới cuộc xâm lược của Ottoman năm 1453.
Chất liệu chủ đạo của sách tại khu vực này trong thời kỳ đầu là giấy cói, thường ở dạng cuộn, nhưng cũng ở dạng tờ riêng biệt. Tiếp theo là giấy da (da động vật chưa thuộc da) và sau đó, từ thế kỷ 13, giấy, được sản xuất chủ yếu ở Italy và Tây Bản Nha và xuất khẩu quanh Địa Trung Hải. Các văn bản tôn giáo sử dụng chiếm một tỷ lệ đáng kể trong số sách được xuất bản trong thời đại này và các hình ảnh minh họa bắt đầu được sử dụng.
Tiếp đến, Lịch sử sách đưa chúng ta đến "Đông Á thời Trung cổ và thời kỳ cận đại". Giống như phần còn lại của thế giới, ở khu vực này phương thức xuất bản sớm nhất là chép tay. Tuy nhiên, từ thế kỷ 7 đến 13, khu vực này đã phát minh ra một số công nghệ in: in khắc gỗ hay còn gọi là in mộc bản, và các loại chữ in rời bằng đất nung. In mộc bản là hình thức sản xuất sách chính và là công nghệ in thống trị ở khu vực này cho đến thời hiện đại.
Lịch sử sách tiếp tục đưa bạn đọc qua "Tây Âu thời Trung cổ", nơi sách được coi là công cụ thiết yếu cho việc tranh luận bằng lý trí. Đây là thời đại mà một cuốn sách có thể làm nên những điều kỳ diệu: sách mang ý nghĩa hơn hẳn so với một vật thuần túy mang chở câu chữ trên các trang giấy.
Trong tất cả các phương tiện lưu giữ chữ viết thì cấu trúc mà trong đó các tập giấy được đóng gáy dính lại với nhau rồi được đặt trong một loại bảo vệ - hay nói ngắn gọn là sách - được ưu ái sử dụng trong cộng đồng Cơ đốc giáo. Các nghệ nhân sản xuất Kinh Thánh thời này thường rất ý thức về việc cần phải làm sai cho sản phẩm của mìn xứng đáng với sự tôn kính mà nó truyền tới người đọc.
Tiếp theo Tây Âu thời Trung cổ, độc giả sẽ bước vào chương "Phục hưng và cải cách" để tìm hiểu kỹ thuật in bằng chữ rời - một công nghệ cho phép sao chép một lượng lớn sách với tốc độ cực nhanh của Johannes Gutenberg. Ngoài ra, độc giả cũng sẽ được tìm hiểu khối lượng xuất bản và phân phối, cũng như việc đọc và tác động của in ấn ở khu vực này.
Chương tiếp theo của Lịch sử sách đề cập đến công việc quản lý thông tin trong sách, lưu ý đến vai trò của hình ảnh, mục lục, trang nội dung và các yếu tố khác. Chương "Công nghiệp hóa" đề cập đến tác động của công nghiệp hóa đến việc in ấn và các khía cạnh khác của sản phẩm xuất sách, đặc biệt là giai đoạn hiện nay với sự phát triển của sách điện tử.
Các chương khác đề cập đến sách và lịch sử sách ở Thế giới Hồi giáo, Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên thời hiện đại, Nam Á, thời kỳ Cách mạng và khai sáng. Chương "Toàn cầu hóa", đề cập đến các hoạt động xuất bản mang tính quốc tế, các hiệp định, công ước bảo hộ về bản quyền, quyền tác giả, độc giả toàn cầu…Chương cuối "Những cuộc cách mạng của sách" đề cập đến sự biến đổi của sách theo hai hướng chính: công nghệ analog và kỹ thuật số.
Tóm lại, với việc nhìn sách từ nhiều góc độ, Lịch sử sách đã mang đến cho chúng ra những hiểu biết mới về thế giới rộng lớn của sách, khám phá diễn trình phát triển của sách... Cuốn sách thực sự là món quà ý nghĩa dành cho những ai yêu thích sách, tri thức và lịch sử.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.