Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất và công bố quyết định của Thủ tướng về tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp UBND TP.HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thực hiện.
Phát triển văn hóa đọc sâu rộng trong cả nước
Tại buổi lễ, ông Phạm Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết nhiều hoạt động được triển khai với mong muốn lan tỏa 3 mục tiêu quan trọng của việc tổ chức Ngày sách và văn hoá đọc.
Các đại biểu ấn nút khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất. Ảnh: Duy Hiệu. |
Đó là khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.
Thứ hai, tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Mục tiêu tiếp theo là nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan chức năng và tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Theo quyết định của Thủ tướng, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức ngày 21/4 hàng năm trên phạm vi toàn quốc để tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
“Việc tổ chức lễ khai mạc, hội sách TP.HCM và Hội sách trực tuyến quốc gia năm nay còn là dịp khẳng định những bước phát triển xuất bản và văn hóa đọc của thành phố mang tên Bác, cũng như cả nước; xác định xu hướng chuyển động mạnh mẽ của ngành xuất bản trước yêu cầu chuyển đổi số”, ông Phạm Anh Tuấn nói.
Ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - đã giới thiệu chuỗi hoạt động sẽ diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ từ 19/4 đến 24/4, chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất.
Ông Đức bày tỏ đó thực sự trở thành ngày hội tri thức dành tặng cho các tầng lớp nhân dân và du khách đến với thành phố.
“Hy vọng chuỗi hoạt động nêu trên sẽ mang lại cho quý bạn đọc nhiều niềm vui, hạnh phúc, giúp nâng cao năng lực sáng tạo, trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng sống để hoàn thiện bản thân”, ông Dương Anh Đức nói.
Không gian văn hóa sách Nam bộ được dựng lên tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: Duy Hiệu. |
Thúc đẩy ngành sách, phát triển văn hóa đọc
Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) là trung tâm tổ chức chuỗi sự kiện lần này với nhiều hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc và giới thiệu các mô hình chuyển đổi số trong ngành xuất bản.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho biết đây là lần đầu tiên thành phố tổ chức sự kiện sách cấp quốc gia. Với quy mô, ý nghĩa của chương trình, TP.HCM quyết định tổ chức chương trình tại một trong những vị trí đẹp nhất.
Tại đây, hơn 20 đơn vị xuất bản, phát hành trên cả nước tham gia, trưng bày khoảng 500.000 tựa sách với đa dạng chủ đề từ văn hóa, kinh tế, lịch sử, văn học… Đồng thời, các mô hình xuất bản, phát hành sách điện tử, sách nói, thư viện thông minh phục vụ nhu cầu đọc, mua sách cũng được trưng bày, triển lãm và cho phép công chúng trải nghiệm trong sự kiện lần này.
Việc tổ chức lễ khai mạc, hội sách TP.HCM và Hội sách trực tuyến quốc gia năm nay còn là dịp khẳng định những bước phát triển xuất bản và văn hóa đọc của thành phố mang tên Bác, cũng như cả nước.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn
Không gian tại phố đi bộ Nguyễn Huệ được chia làm ba phần với điểm nhấn là triển lãm chuyển đổi số - giới thiệu mô hình sách nói, điện tử, trải nghiệm về sách gắn với công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo. Đây được xem là một trong những nội dung trọng tâm trong phát triển văn hóa đọc, góp phần xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.
Không gian “Thành phố sách” trưng bày nhiều tác phẩm đặc sắc, tuyển chọn từ các nhà xuất bản với đa dạng thể loại, từ kinh tế, chính trị, văn hóa đến kỹ năng sống.
Ban tổ chức cũng tổ chức giao lưu với các tác giả, tọa đàm chuyên đề về sách. Độc giả yêu thích, đam mê điện ảnh có cơ hội tham gia những buổi giao lưu về nhạc phim chuyển thể từ tác phẩm văn học.
Trong khi đó, không gian tổ chức giới thiệu các mô hình văn hóa đọc giới thiệu văn hóa đọc đặc trưng của TP.HCM như đường sách, thư viện miễn phí, nơi đọc sách... Đây cũng là địa điểm triển lãm mô hình tiêu biểu về ngày hội văn hóa đọc của cơ quan, doanh nghiệp, tủ sách gia đình, tủ sách cộng đồng, thư viện thông minh…
Đường sách Nguyễn Văn Bình cũng là nơi tổ chức nhiều chương trình, tọa đàm văn học, giới thiệu sách hay các buổi giao lưu với tác giả...
21 quận, huyện và TP Thủ Đức cũng có nhiều không gian, hoạt động hòa chung không khí Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất. Các chương trình sẽ được kéo dài đến hết tháng tư.
Cũng trong khuôn khổ chương trình năm nay, sáng 19/4, Hội sách trực tuyến quốc gia 2022 với chủ đề "Thắp lửa tri thức" khai mạc theo hình thức trực tuyến tại địa chỉ Book365.vn, kéo dài đến hết 20/5.
Hội sách trực tuyến quốc gia 2022 dự kiến thu hút sự tham gia của gần 100 nhà xuất bản và đơn vị phát hành, giới thiệu hơn 40.000 đầu sách với mục tiêu đưa tối thiểu 30.000 cuốn đến tay bạn đọc cả nước.