Các chương trình khuyến mãi, đặc biệt ở dạng miễn phí, luôn thu hút lượng lớn người tham gia. Tuy nhiên, nhiều vụ "tai nạn khuyến mãi" cho thấy, hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Khuyến mại "chui" diễn ra phổ biến
Đại diện marketing một hệ thống siêu thị tại Hà Nội cho biết, do đặc thù kinh doanh, siêu thị tổ chức liên tục các chương trình khuyến mãi dưới nhiều hình thức, như giảm giá, tặng quà, thậm chí miễn phí một số sản phẩm. Thời gian diễn ra các chương trình cũng khác nhau, có thể chỉ trong 1 ngày hoặc 1 tuần, nhưng cũng có thể dài hạn thành thông lệ. Do vậy, nếu chương trình nào cũng phải báo cáo với Sở để chờ được phê duyệt là rất phức tạp.
Khách xếp hàng nhận đồ ăn miễn phí ở Sài Gòn. Ảnh: Zen Nguyễn. |
"Nhất là các dịp lễ, Tết hay vào mùa cao điểm mua sắm, các siêu thị đều cạnh tranh nhau bằng hàng chục, thậm chí vài chục chương trình bán hàng, khuyến mãi hấp dẫn. Nếu mất thời gian với các loại thủ tục, mình sẽ chậm chân so với đối thủ. Vậy là mất khách", vị này chia sẻ.
Ngoài lý do trên, theo giải thích của đại diện nhiều cửa hàng, nhà hàng ăn uống, trung tâm dịch vụ tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP HCM, việc đăng ký chương trình với Sở Công Thương trước khi thực hiện là chuyện xưa nay "chưa nghĩ tới".
Đại diện một hệ thống phân phối điện thoại di động tại Hà Nội cho biết, từ trước tới nay, hệ thống đã triển khai hàng trăm chương trình khuyến mãi ngắn và dài hạn tới khách hàng. Hầu hết các chương trình diễn ra trót lọt, nên "chưa tìm hiểu và chưa biết việc phải báo cáo trước với Sở!".
Trước câu hỏi: "Tự ý tổ chức khuyến mại, đơn vị sẽ quản trị khủng hoảng ra sao?", đa số các đại diện đều trả lời, tùy từng trường hợp, sẽ có phương án xử lý linh động. Tuy nhiên, với những sự cố lớn, các bên đều tỏ ra lúng túng, cho rằng đó chỉ là việc hy hữu.
Cũng do thực tế này, thời gian qua, nhiều đơn vị tự ý tổ chức các hoạt động khuyến mãi tới khách hàng, bỏ qua tham vấn của chuyên gia và xét duyệt từ đơn vị chức năng, đã phải đối mặt với không ít rắc rối, khủng hoảng đến từ chương trình. Gần nhất là "tai nạn khuyến mãi" tại công viên nước Hồ Tây.
Việc mở cửa tự do cho khách đúng ngày nắng nóng cao điểm đã khiến ban tổ chức đau đầu với nạn trèo rào, quá tải và vô số sự cố xảy ra với khách.
Đề phòng quá tải, quản trị khủng hoảng thế nào?
Chuyên viên truyền thông Phạm Việt Nga (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ quan điểm: "Thay vì tạo được hiệu ứng tốt từ thị trường và khách hàng, nhiều sự kiện đã gây tác dụng ngược, ảnh hưởng tới uy tín của ban tổ chức, đơn vị kinh doanh".
Bà Nga cho biết, sai lầm phổ biến của các đơn vị chính là việc không có kế hoạch tham vấn từ các chuyên gia tổ chức sự kiện, chọn sai thời điểm tổ chức khuyến mãi, không lường trước được sự việc. Đồng thời, các hoạt động quản trị khủng hoảng trước, trong và sau sự kiện chưa được xử lý tốt.
"Thực tế, việc thông báo về chương trình tới Sở Công Thương không chỉ là quy định bắt buộc phải làm theo luật, mà là việc nên làm. Việc này đảm bảo quyền lợi của đơn vị kinh doanh lẫn khách hàng. Đồng thời, giúp ban tổ chức tránh được một số hậu quả đáng tiếc nếu có, xảy ra", bà Nga lý giải.
Khách liệu còn quay lại công viên nước Hồ Tây sau sự kiện khủng hoảng khuyến mãi ngày 19/4? Ảnh: Tiến Tuấn. |
Có kinh nghiệm lâu năm về tổ chức sự kiện, chuyên viên truyền thông Lê Minh Ngân (TP HCM) đồng quan điểm cần có kế hoạch cụ thể trước mỗi sự kiện khuyến mãi lớn. Ngoài bắt buộc đăng ký chương trình với cơ quan quản lý nhà nước, theo tư vấn của chị Ngân, doanh nghiệp nên tham vấn các chuyên gia tổ chức sự kiện, để có kế hoạch triển khai song hành với phòng ngừa rủi ro.
So sánh khủng hoảng khuyến mại ở công viên nước Hồ Tây với sự kiện thời trang giảm giá, thu hút lượng lớn khách hàng diễn ra khá thành công tại Hà Nội và TP HCM gần đây, chị Minh Ngân cho rằng, những sự kiện thành công chính nhờ chuẩn bị chu đáo và có phương án dự phòng tốt.
Để ngăn lượng lớn người cùng lúc đổ về địa điểm bán hàng, ban tổ chức đã phân công nhân sự hợp lý, chia khách thành từng tốp phục vụ theo nhiều múi giờ trong ngày, có kế hoạch dự phòng về lượng hàng hóa, nhân lực kịp thời. Kế hoạch chi tiết của chương trình được phổ biến tới khách hàng trước đó nhiều ngày, giúp họ có thời gian và ổn định tinh thần khi tham gia sự kiện.
"Một chương trình khuyến mãi vừa đảm bảo được dịch vụ tốt tới khách hàng, vừa có các phương án phòng ngừa, quản trị khủng hoảng mới là thành công", chị Minh Ngân khẳng định.