Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khách Tây và hải sản Việt

Mẹ tôi chiêu đãi ba anh khách Tây của tôi một bữa ăn “hoành tráng” với tôm hấp bia, mỗi con to bằng nửa bàn tay, nghêu mập núc ních xào hẹ, chả cá thác lác và lẩu hải sản.

Lần về Việt Nam vừa rồi, biết tôi thích sầu riêng, mẹ tôi mua mấy ký về lột vỏ để tủ lạnh. Tôi nói với mấy anh chàng đang nhìn tò mò: “Khó ăn lắm, Tây không ăn được đâu”.

Họ tưởng tôi nói vậy để dành ăn hết một mình. Vả lại trước đó, các anh ăn trái mít, trái vải, trái măng cụt đều khen ngon quá chừng, nên hy vọng món sầu riêng lần này cũng thế.

Vừa đưa miếng sầu riêng vào miệng, mặt ai cũng biến sắc, có mẹ tôi ở đó nên không dám nhả ra, nhưng nuốt vào thì chắc chắn không chịu nổi, sau cũng ngây cổ ra nuốt.

Dave nói trước, giọng có phần thều thào: “Sao trái cây gì ăn giống cá ươn vậy?”.

Khả năng nấu thức ăn Việt của tôi ở nước ngoài đúng nghĩa “chột làm vua xứ mù”. Về nhà chắc khó cạnh tranh được với ai nhưng ở đây gần như lần nào cũng được khen nức nở.

Có lần tôi chiên chả ram nhân tôm, trứng gà, cà rốt và nấm băm nhỏ (không có nấm mèo mộc nhĩ như ở Việt Nam nên dùng tạm chestnut mushroom màu nâu), trong lần về thăm ba mẹ Alastair - lúc đó là bạn học chung Đại học Southampton.

Nhà anh không có nước mắm nên chỉ chấm tương ớt cà chua cũng rất ngon. Mọi người, đặc biệt ba của anh ăn rất mê mải và sau khi ăn hết còn xuống chảo vét những miếng vụn chiên còn sót lại.

Như thế này mà về nhà mẹ tôi, ăn chả ram mẹ tôi chiên với tôm tươi băm lẫn tôm khô, thịt heo xay, hành tím, có để thêm một cọng hành xanh mướt, chiên giòn chấm với nước mắm mẹ làm thì hẳn mọi người chết mê chết mệt.

Xa nhà, tôi vẫn hay nhớ món nước mắm của mẹ tôi, với tỏi và chanh ớt nổi đặc quánh trên mặt, hứa hẹn cảm giác chua cay mặn ngọt đê mê đầu lưỡi, chấm chả ram cũng ngon, chan lên gỏi ngó sen kèm bánh phồng tôm cũng tuyệt vời.

Nếu ăn với nghêu hoặc ốc bươu luộc phải thêm gừng cay nồng nàn kèm lá rau răm ướt rượt thì rất “bắt”.

Nhưng thôi, biết đâu ăn thức ăn Việt Nam chính hiệu rồi họ quay lại chê món tôi nấu thì sao.

Như anh chàng Alastair sau khi qua Việt Nam hai lần bắt đầu dè dặt so sánh tôi nấu “chưa bằng” mẹ, làm tôi quê độ bảo “không ăn thì nhịn nhé”.

Cũng trong chuyến về Việt Nam kỳ rồi, ba anh ăn ở nhà tôi mấy ngày bụng dạ không việc gì hết, chỉ cần “thả” ra đường một buổi là về rên hừ hừ.

Sau khi đi địa đạo Củ Chi về, các anh than thở mệt xỉu, vì cả ngày thanh niên trai trẻ, lại là Tây sức ăn nhiều mà chỉ được tour du lịch phát cho một trái thanh long và mấy miếng khoai mì trộn dừa nạo muối mè.

Mẹ tôi tội nghiệp đãi con gái út đi xa về và “mấy thằng bạn nó thấy cũng dễ thương” - như lời mẹ tôi khoe với người quen - một bữa no nê.

Đó là bữa ăn “hoành tráng” với tôm hấp bia, mỗi con to bằng nửa bàn tay, nghêu mập núc ních xào hẹ, chả cá thác lác và lẩu hải sản.

Các anh ăn lấy ăn để và khen không ngớt lời. Sau này nhỏ em họ của tôi mới méc: “Anh kia ảnh thích nghêu quá kéo đĩa nghêu lại gần mình để ăn, tưởng không ai thấy ai dè em thấy”.

Nhà tôi đâu biết ở Anh ăn thịt cừu, thịt gà thì rẻ nhưng hải sản mắc như vàng. Để có hải sản tươi thường phải đi du lịch về vùng biển.

Tôi hay thèm ăn cá ngừ kho với nhiều tiêu ớt, sớ cá chắc nịch vì kho đi kho lại nhiều lần, nước cá mặn đậm đà, mà hồi ở Việt Nam tôi hay chan bún ăn sáng sau khi dầm thêm ớt tươi, mặc dù nồi cá đã lấp xấp ớt đỏ.

Nhưng nơi tôi ở hiện không có cá ngừ như Việt Nam, chỉ có loại cá ở nhà mình gọi là cá ngừ đại dương. Thỉnh thoảng chúng tôi mới mua về một ít xắt mỏng làm món sushi hoặc sashimi kiểu Nhật.

Nếu làm kiểu “chém to kho mặn” như ở Việt Nam chắc phải cả triệu đồng một nồi kho.

Dân Anh lâu lâu mới có điều kiện đi ăn hải sản ở nhà hàng một lần, vì ở Anh chỉ có một là “take away” bán fish and chips hoặc kebabs, hoặc là quán bia bán thức ăn kèm không khởi sắc cho lắm, ba là nhà hàng Haute Cuisines ngon nhưng rất đắt đỏ. Riêng tôi chỉ dám ăn khi đi công tác và được công ty trả tiền thôi.

Ngô Thị Giáng Uyên / NXB Trẻ

SÁCH HAY