Chiều 18/2, tọa đàm "Mở cửa an toàn, hiệu quả: Thời cơ vàng của du lịch Việt Nam" được UBND tỉnh Bình Định phối hợp cùng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Tập đoàn FLC tổ chức.
Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam vừa dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế từ sau ngày 15/2 và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý với đề xuất mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3.
Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ lữ hành (Tổng cục Du lịch) - cho biết tính đến Tết Nguyên đán 2022, Việt Nam đã đón khoảng 9.000 lượt khách theo chương trình thí điểm đón khách quốc tế.
Đại diện Vụ lữ hành cho rằng việc hàng không tăng cường kết nối sẽ là những bước khởi động cho hoạt động du lịch phục hồi. "Chúng tôi cũng đang đề xuất Chính phủ tiếp tục các chính sách hỗ trợ về thuế phí cho các doanh nghiệp du lịch đến hết năm 2023 để các doanh nghiệp có nguồn lực phục hồi", ông nói.
Đặc biệt, theo lộ trình mở cửa từ 15/3, đối với khách du lịch nước ngoài, trước kia yêu cầu xét nghiệm PCR, đi tour trọn gói 3 ngày, thì nay các quy định sẽ linh hoạt, nới lỏng hơn.
Cụ thể, khi nhập cảnh qua đường hàng không, khách quốc tế sẽ được áp dụng cả 2 phương pháp xét nghiệm. Kết quả PCR có giá trị trong 72 giờ, test nhanh có giá trị trong 24 giờ.
"Du khách quốc tế sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính tại nơi lưu trú sẽ được tham gia các hoạt động và tự theo dõi sức khoẻ trong 14 ngày, giống như điều kiện của khách nội địa", ông nói.
Du khách nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ và đường biển chỉ cần test ngay cửa khẩu, có kết quả âm tính là được nhập cảnh. Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng sẽ triển khai phương pháp này.
Như vậy, khách du lịch nước ngoài được đối xử như khách nội địa sau khi đã nhập cảnh. Ảnh: Thanh Đức. |
"Với bảo hiểm, trước kia chúng ta yêu cầu khách đến Việt Nam phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 50.000 USD. Tuy nhiên, sau 15/3, mức bảo hiểm yêu cầu giảm xuống 10.000 USD", ông nói.
Ông Vũ Thế Bình - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam - cho rằng việc mở cửa du lịch là vấn đề cấp thiết. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, kéo theo hoạt động của nhiều ngành kinh tế khác.
Theo ông, điều cần làm là phải mở cửa nhanh du lịch và tập trung làm thế nào để triển khai du lịch trong trạng thái bình thường mới. Ở Việt Nam hiện tại vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng về việc mở cửa du lịch. Tuy nhiên nhìn chung, thế giới đã bàn rất kỹ, tính toán mở cửa trở lại.
"Vấn đề là sự kiên quyết chúng ta có làm được hay không, việc này phụ thuộc vào nhiều yếu tố và tôi nghĩ chúng ta có thể làm được. Ở một số nước, đặc biệt là ở châu Âu đã mở cửa lại du lịch rất nhanh, người dân đã bắt đầu đi du lịch và cảm giác của họ đã trở lại bình thường", ông Bình nói
Theo lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, người dân đã bước vào giai đoạn bình thường mới, coi việc sử dụng khẩu trang, khai báo y tế, thẻ vaccine là điều bình thường.
"Tại Việt Nam, chúng ta có thể mở cửa chậm hơn so với thế giới nhưng khi quyết định của Chính phủ thì các cấp ngành, địa phương, doanh nghiệp vận động người dân thực hiện theo quy định bình thường mới", ông nói.
Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) cũng công bố dữ liệu nghiên cứu cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh. Từ đầu tháng 1 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam ở mức rất cao, có thời điểm tăng 425%.