Ngành du lịch những ngày Tết vừa qua đã thực sự "sống lại", với lượng khách tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, tại các điểm du lịch nổi tiếng như Đà Lạt, Sa Pa hay Vũng Tàu, du khách lại một lần nữa chứng kiến tình trạng ùn tắc giao thông, cháy phòng khách sạn, khu vui chơi và ăn uống quá tải...
Đây thực sự là tín hiệu vui với ngành du lịch sau hai năm bị ngưng trệ vì đại dịch. Tuy nhiên, trước câu hỏi được hưởng lợi bao nhiêu từ dịp Tết này, các doanh nghiệp lại chỉ biết "lắc đầu".
"Chúng tôi đang đối mặt với tình trạng khách đông mà không có khách", ông Nguyễn Văn Tài - Giám đốc Công ty Vietsense Travel - giãi bày.
![]() |
Du khách chen chúc tắm biển ở Vũng Tàu chiều mùng 2 Tết. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Giải tỏa nỗi "sợ" đặt tour
Theo ông Tài, trước đây, mỗi khi đến kỳ nghỉ, người dân có xu hướng tìm đến các doanh nghiệp lữ hành để tham khảo, lựa chọn các gói tour du lịch để có nhiều ưu đãi về giá và thuận tiện.
Tuy nhiên, nay với nỗi sợ đám đông và nguy cơ lây nhiễm Covid-19, các gia đình đa phần tự lên kế hoạch riêng, chủ động khép kín với số lượng thành viên thân quen và tự đặt vé máy bay, khách sạn hoặc sử dụng xe riêng.
"Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về tắc đường, kẹt xe, khi mà lượng xe tư nhân đổ về các điểm du lịch quá lớn, du khách tự túc đến các điểm cũng có thể bị chặt chém, ép giá. Đây là thực tế trong mùa du lịch Tết Nhâm Dần 2022", ông khẳng định.
Bên cạnh nguyên nhân dịch bệnh, ông Tài cho biết từ trước đến nay, du lịch tự túc vốn mang đến tâm lý thoải mái cho du khách vì họ được chủ động hành trình và chủ động dịch vụ. Lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch khác cũng thừa nhận đi theo tour thì giờ giấc cứng nhắc, điểm vui chơi bị bó buộc.
Chừng nào du khách còn phải vạ vật ngoài đường, hay bị chặt chém ở quán ăn, khu vui chơi, thì nỗi sợ du lịch dịp lễ còn tái diễn.
Đại diện sở du lịch một địa phương
"Nhưng đó là câu chuyện của năm 2019 về trước. Còn bây giờ, các doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh, trao đổi kĩ với khách hàng về mong muốn để thiết kế tour du lịch riêng", ông cho biết.
"Trong đó, chúng tôi chỉ định hình cung đường chính thức, còn lại để du khách thoải mái tận hưởng kỳ nghỉ, chưa kể có những tour free & easy (chỉ bao gồm vé máy bay và phòng khách sạn - PV)", đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.
Chính vì vậy, theo các đơn vị, điều cần làm là tạo niềm tin với du khách về những tour, tuyến du lịch an toàn, linh hoạt. Trong đó, yếu tố an toàn phải được đặt lên hàng đầu trong suốt hành trình, đồng thời việc quảng bá cũng cần được chú trọng.
Với những du khách vẫn lựa chọn phương án đi tự túc, tự phát, các doanh nghiệp và địa phương khuyến cáo họ lên kế hoạch cụ thể trước chuyến đi, từ việc tìm kiếm nơi lưu trú đến địa điểm ăn uống phù hợp.
Khi đó, các điểm du lịch không còn "vỡ trận", đảm bảo được trải nghiệm cho du khách. "Chừng nào du khách còn phải vạ vật ngoài đường hay bị chặt chém ở quán ăn và khu vui chơi, nỗi sợ du lịch dịp lễ còn tái diễn, ngành du lịch sẽ khó phát triển bền vững", đại diện sở du lịch một địa phương nói.
Hoàn tiền khi hủy dịch vụ
Theo đại diện một doanh nghiệp lữ hành, lý do lớn khác đẩy du lịch tự túc lên ngôi là chính sách hủy dịch vụ chưa đảm bảo quyền lợi cho du khách.
Ông cho biết suốt 2 năm qua, đa phần du khách đều mang tâm trạng hoang mang không biết bao giờ dịch bùng phát trở lại nên không dám xây dựng kế hoạch du lịch và đặt tour hay mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn sớm.
Bởi lẽ khi đã đặt tour hay dịch vụ là phải trả tiền trước hoặc đặt cọc, nhưng đến khi có dịch, không đi được thì không được hoàn tiền, hoặc thời gian hoàn tiền kéo dài.
"Nếu các doanh nghiệp hàng không, lưu trú, lữ hành không điều chỉnh chính sách này, du khách sẽ không chuẩn bị đi du lịch sớm nữa, rồi nạn ùn tắc, cháy phòng, chặt chém hồi Tết sẽ lại tiếp diễn trong đợt lễ 30/4-1/5 và cao điểm hè sắp tới", vị này nhấn mạnh.
Ông cũng nhìn nhận chính sách này không chỉ gây lo ngại cho du khách, mà còn làm khó các doanh nghiệp lữ hành. "Một đoàn khách 100 người, tổng giá trị các hợp đồng là 500 triệu đồng, chúng tôi phải đặt cọc vé máy bay 150 triệu và phòng khách sạn 150 triệu nữa. Tuy nhiên, khách hàng chỉ cọc 250 triệu, chúng tôi vẫn phải tự lấy 50 triệu đồng ra ứng", ông cho biết.
![]() |
Nhiều người dân không tìm được chỗ ở khi đi du lịch dịp Tết. Ảnh: Nguyễn Ngọc Hiệp. |
"Nhưng khi dịch đến, các đối tác hàng không, lưu trú không trả lại tiền, trong khi khách hàng lại đòi tiền chúng tôi. Nếu không có tiền trả khách, chúng tôi sẽ mất uy tín", đại diện doanh nghiệp này tâm sự.
Thậm chí, ông còn dẫn chứng có trường hợp dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng khách hàng cũng không thể đi du lịch vì doanh nghiệp hàng không sợ lỗ.
"Trước Tết chúng tôi có một đoàn gần 30 khách đi Điện Biên, nhưng chuyến bay không gom đủ khách nên hãng hủy chuyến. Họ vẫn trả đủ số tiền đã nhận nhưng khách hàng thật sự chới với", ông nói.
"Dĩ nhiên không có đúng - sai trong câu chuyện này, nhưng mong rằng các doanh nghiệp trong ngành cùng thông cảm với nhau để tạo thuận lợi cho du khách. Trong bối cảnh ngành cần phục hồi mà du khách còn tâm lý lo sợ như hiện nay, các doanh nghiệp đôi khi nên chấp nhận lỗ để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng", ông nêu quan điểm.
Hiện tại, các địa phương và doanh nghiệp du lịch đang từng bước xây dựng kế hoạch cho mùa du lịch hè, khởi động từ đợt lễ 30/4-1/5. Những bài học từ dịp Tết Nguyên đán vừa qua sẽ là cơ sở để họ có hướng đi hiệu quả, để thực sự tăng trưởng theo sự phục hồi của thị trường.