Chia sẻ với Zing, chị Hà Giang (28 tuổi, TP.HCM) cho hay vừa quyết định đặt cọc có công chứng 1,3 tỷ đồng để mua căn hộ chung cư 2 phòng ngủ với giá 2,5 tỷ đồng tại dự án trên đường Đào Trí (quận 7, TP.HCM).
"Do chủ nhà cần tiền gấp nên căn tôi mua có giá tốt hơn thị trường khoảng 300 triệu đồng, nhưng cũng kèm theo điều kiện là tôi phải thanh toán nhanh trong vòng một tháng", chị nhấn mạnh.
Quyết định mua nhanh chóng vì được giá hời
Thực tế, từ những ngày đầu năm ngoái, gia đình nữ nhân viên văn phòng này đã loay hoay tìm kiếm mua căn hộ chung cư tại TP.HCM. Thời điểm đó, chị gặp khó khăn vì không tìm được dự án ưng ý về vị trí lẫn giá cả.
Theo chị Giang, những dự án trong bán kính 10 km từ khu vực trung tâm đều đắt đỏ hoặc bàn giao đã lâu. Trong khi đó, những dự án hợp với túi tiền lại ở quá xa hoặc gặp nhiều vấn đề về pháp lý.
Hiện tại, khi thấy nhiều thông tin thị trường bất động sản đóng băng, chị bắt đầu đi tìm những căn hộ được rao bán cắt lỗ và có đủ tiêu chí phù hợp với gia đình.
"Căn hộ tôi mua có giá tốt hơn thị trường khoảng 300 triệu và mới bàn giao tháng 8/2022. Chủ nhà bán gấp vì cần tiền để đáo hạn ngân hàng nên chấp nhận bán lỗ nên chỉ tìm khách có sẵn tiền mặt, thanh toán nhanh chóng chứ không chờ được khách làm thủ tục vay ngân hàng rườm rà", Hà Giang kể với Zing.
Có sẵn trong tay 70% giá trị căn nhà, chị Giang quyết định vay mượn thêm của gia đình, bạn bè để bớt gánh nặng trả lãi ngân hàng.
"Để mua nhà, tôi đã phải bán một mảnh đất ở quê với giá giảm khoảng 100 triệu đồng. Tuy nhiên, tôi thấy khó lòng tìm được căn hộ ưng ý với mức giá khoảng 36 triệu đồng/m2, khá tiện đi làm chứ không quá xa xôi như chung cư vùng ven nên phải quyết tâm mua luôn" - vị khách này tâm sự.
Giữa tháng 4 này, khi nhận được khoản tiền bán đất và khoản tiền gia đình hứa cho vay, Hà Giang sẽ thanh toán nốt và nhận nhà.
Khách hàng chấp nhận bán bất động sản ở quê và vay mượn thêm từ gia đình, bạn bè để mua nhà giá rẻ. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tương tự, chị Thu Trang (28 tuổi) cũng đang tìm mua căn hộ chung cư để ở. Từ Hà Nội vào TP.HCM làm việc đã 2 năm, trải qua 4 lần chuyển trọ vất vả nên chị muốn mua nhà để "an cư lạc nghiệp". Chị đã nhắm đến một số dự án trên đường Huỳnh Tấn Phát và Lê Thị Chợ (quận 7, TP.HCM).
Trong khi đó, chị Thanh Mẫn (35 tuổi, TP.HCM) - người đang sở hữu một căn hộ ở Bình Thạnh cũng vừa xuống tiền mua một căn hộ tại quận 7 với mục đích đầu tư.
Trước khi quyết định mua căn này, chị đã mất 6 tháng để tìm hiểu đầu tư đất nền nhưng vẫn không dám xuống tiền. "Thời điểm ấy, giá căn hộ tại TP.HCM quá đắt đỏ nên tôi có tìm hiểu về thị trường đất nền, nhưng do không quá am hiểu nên cũng không dám xuống tiền", chị nói.
Đến giai đoạn này, khi nghe thông tin chủ đầu tư có mức chiết khấu tốt và tiến độ thanh toán khá giãn, chị đã quyết định mua luôn. Theo khảo sát của chị, khi bàn giao thì căn hộ ở khu vực này cũng được cho thuê với mức giá 15-20 triệu đồng/m2.
"Tôi thấy nếu tìm được một căn ưng ý, giá tốt trong sức mua của mình thì cứ mua thôi. Nhiều lúc cứ chờ thì người khác lại mua mất hay chủ nhà không bán nữa thì tiếc lắm với lại không ai biết được khi nào là đáy cả", chị bộc bạch.
Có nên mua chung cư vào lúc này?
Trong một buổi tọa đàm hồi đầu năm, ông Trần Minh Hoàng, Phó tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), cho rằng giá bất động sản có giá trị ở thực và cho thuê, đặc biệt những sản phẩm đã hình thành, sẽ không có sự giảm giá nhiều trong năm nay. Bởi lẽ, nguồn cung đang rất khan hiếm trong khi nhu cầu vẫn ở mức cao.
"Trong năm ngoái dù thanh khoản thấp nhưng giá chỉ chững lại hoặc tăng chút ít chứ không giảm. Do đó, việc có nên chờ giảm giá thêm hay không phụ thuộc vào tình hình tài chính của nhà đầu tư. Nếu đang có lượng tiền mặt tốt, không phải vay mượn hoặc vay không nhiều, thì đây là cơ hội để so sánh và chọn lựa sản phẩm tốt", ông nói.
Trao đổi với Zing, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa cũng cho biết bắt đáy bất động sản là một bài toán khó, không dành cho những người không chuyên nghiệp trong ngành.
"Những ai đang có nhu cầu đầu tư bất động sản thì cứ nhắm thẳng vào một bất động sản yêu thích. Nếu nó đang giảm 5-10%, đặc biệt là 10% thì mạnh dạn mua", ông nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, trong hai tháng đầu năm nay, TP.HCM có 1.515 căn nhà ở trung cấp giá 20-40 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái TP.HCM không có căn nào thuộc phân khúc này được mở bán.
Dẫu vậy, theo ghi nhận của Zing, khách hàng vẫn khó tìm được những căn hộ với mức giá trên. Những dự án ra mắt trong thời gian gần đây dù được quảng bá là nhắm vào khách hàng giới trẻ, người lao động có thu nhập trung bình nhưng mức giá vẫn còn cao, trên 60 triệu đồng/m2 ở TP Thủ Đức. Tuy nhiên, nếu khách hàng chọn thanh toán 95% thì sẽ có mức chiết khấu lên 45-50%.
Trong khi đó, những sản phẩm với mức giá từ 30 triệu đồng/m2 được ghi nhận ở những dự án tại Hóc Môn, Long An, Dĩ An (Bình Dương).
Hiện thị trường căn hộ thứ cấp có nhiều chủ đầu tư rao bán lại với mức giá tốt để thanh toán nợ vay ngân hàng. Do đó, người dân có xu hướng ưu tiên chọn mua những căn hộ thứ cấp bởi có thể nhận nhà ở ngay thay vì chọn đầu tư ở những căn hộ hình thành trong tương lai.
Chia sẻ với Zing, một chuyên gia trong giới bất động sản cho rằng chủ đầu tư mặc dù gặp khó khăn và biết là nếu giảm giá sẽ tạo thanh khoản thấp hơn. Tuy nhiên, giá bán hiện nay gần như không thể giảm hơn được nữa bởi chi phí đầu vào liên tục tăng.
"Đồng thời, nếu chủ đầu tư giảm giá bán thêm kéo theo tài sản doanh nghiệp giảm. Khi đó khả năng vay vốn lẫn chào mời nhà đầu tư, quỹ đầu tư ngoại sẽ càng khó. Do vậy, họ lựa chọn giữ nguyên giá niêm yết cao nhưng sẽ có chiết khấu, ưu đãi cao khi khách thanh toán tiền mặt 95%", vị này nói.
Thực tế, đại diện một chủ đầu tư lớn ở phía Nam đang cùng lúc mở bán vài dự án mới cho hay những nhà đầu tư đang có sẵn tiền mặt, không cần vay mượn ngân hàng đang có phản ứng rất tích cực, vượt xa kỳ vọng ban đầu của họ.
"Tuy nhiên, với mức chiết khấu cao như hiện nay, doanh số có được cũng chỉ đủ để duy trì vận hành, gần như không có lãi. Chúng tôi kỳ vọng sẽ sớm hoàn tất thủ tục pháp lý để bán hàng, khôi phục dòng tiền", người này chia sẻ với Zing.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.