Sự cố chuyến bay VJ322 của VietJet khi hạ cánh bị trượt ra ngoài đường băng vào trưa 14/6 đã khiến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) phải tạm dừng hoạt động trong nhiều giờ liên tục.
Bên cạnh việc khắc phục hậu quả, nhiều ý kiến thắc mắc liệu hành khách bị ảnh hưởng do sự cố trên có được bảo hiểm? Nếu có, việc này được giải quyết ra sao?
Trao đổi với Zing, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) cho rằng trong các sự cố phát sinh sự kiện bảo hiểm, điều kiện tiên quyết để được bảo hiểm đó là chứng minh thiệt hại.
Đối với vụ máy bay VietJet trượt khỏi đường băng, luật sư Tuấn Anh đánh giá sự cố này đã đủ yếu tố thỏa mãn sự kiện được bảo hiểm.
Tuy nhiên, khách hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp trong sự cố này sẽ được bảo hiểm bồi thường trong trường hợp họ liệt kê được các thiệt hại và có con số, thông tin cụ thể làm rõ cho thiệt hại đó.
Ở đây, những thiệt hại có thể phát sinh bao gồm thiệt hại về sức khỏe, tài sản,... của hành khách đi trên chuyến bay bị trượt đường băng.
Luật sư cho rằng theo quy định, khách hàng bị ảnh hưởng sau sự cố hoàn toàn có quyền được bảo hiểm bồi thường. Nhưng thực tế, việc chứng minh các thiệt hại do sự cố đó gây ra là vô cùng khó khăn.
Hiện trường vụ máy bay của VietJet lệch đường băng. Ảnh: Chí Hùng. |
Còn luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật Chính Pháp) nhận định trước hết, cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc máy bay trượt đường băng do nguyên nhân chủ quan hay khách quan.
Ông Cường phân tích sự cố máy bay của VietJet lệch đường băng có thể gây thiệt hại về tinh thần và tài sản cho hành khách. Theo quy định, hai bên có thể chia sẻ, thương lượng với nhau về việc khắc phục hậu quả một cách tự nguyện.
Trường hợp không đạt được thỏa thuận thì bên bị thiệt hại có thể yêu cầu đối phương bồi thường nếu họ chứng minh được có những hậu quả gì?
Theo quy định của Bộ luật Dân sự, hành vi có lỗi dù là lỗi vô ý nhưng gây thiệt hại đến tài sản, sức khỏe của người khác thì phải bồi thường. Thiệt hại có thể là ảnh hưởng tâm lý phải điều trị, uống thuốc và cũng có thể là do chậm chuyến, hủy chuyến hay hoãn chuyến bay gây ảnh hưởng đến công việc, thiệt hại về kinh tế.
"Nếu sự cố hàng không này gây thiệt hại tinh thần và tài sản của tổ chức, cá nhân thì họ có quyền yêu cầu hãng bay bồi thường nhưng cần làm rõ yếu tố lỗi và thiệt hại trên thực tế", luật sư nhấn mạnh.
Luật sư Nguyễn Tiến Dũng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết đối với những hành khách bị ảnh hưởng gián tiếp do hủy chuyến hoặc thay đổi lịch bay do sự cố của máy bay VietJet gây ra, nếu họ chứng minh được thiệt hại về sức khỏe, tinh thần hay tài sản thì cũng có quyền yêu cầu hãng bay bồi thường.
Theo quy định về bảo hiểm, người bị thiệt hại phải chứng minh được các thiệt hại thông qua các tài liệu, chứng cứ cụ thể. Còn theo Bộ luật Dân sự, các hành vi do lỗi vô ý hoặc cố ý của tổ chức hay cá nhân gây ra, nếu gây thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp đều phải bồi thường thiệt hại.
Theo Thông tư 14/2015 của Bộ GTVT, hành khách có chuyến bay bị chậm kéo dài, giờ khởi hành thực tế muộn hơn 4 giờ so với thời gian dự kiến cất cánh theo lịch bay hoặc hủy chuyến sẽ được hãng bồi thường ứng trước không hoàn lại.
Mức bồi thường cho mỗi hành khách đối với chuyến bay nội địa có thể do từng hãng quy định nhưng không thấp hơn các mức như sau: Chuyến bay có độ dài đường bay dưới 500 km: 200.000 đồng; chuyến bay có độ dài đường bay từ 500 km đến dưới 1.000 km: 300.000 đồng; chuyến bay có độ dài đường bay từ 1.000 km trở lên: 400.000 đồng.
Ngoài ra, nếu có thiệt hại mà các bên không thỏa thuận với nhau được về mức bồi thường thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.