Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khác biệt bóng đá Việt Nam và Nhật Bản

Có bao giờ ta tự hỏi vì sao cầu thủ Nhật Bản hay Thái Lan cứ xuất ngoại là thành công trong khi phần lớn cầu thủ Việt Nam đều thất bại.

Trong 24 đội tuyển góp mặt tại Asian Cup Qatar vào giữa tháng này, chỉ 5 đội không có cầu thủ xuất ngoại là chủ nhà Qatar, UAE, Saudi Arabia, Ấn Độ và Việt Nam. Bởi ba nước Tây Á đều có đặc thù riêng, Ấn Độ và Việt Nam thực tế là hai đội tuyển hiếm hoi không có cầu thủ xuất ngoại trong đội hình. Đây là thiếu sót lớn với nền bóng đá đã hai lần vào tới top 8 châu lục và góp mặt ở vòng loại ba World Cup gần nhất.

Đối đầu Việt Nam - Nhật Bản ngày 14/1 tới vì thế sẽ là một trận cầu kỳ lạ bởi ngược lại với Việt Nam, đội hình tuyển Nhật có 21/26 cái tên đang chơi ở nước ngoài. Chiến lược bài bản và khoa học trong hoạt động xuất khẩu cầu thủ của bóng đá Nhật là điều Việt Nam cần phải học hỏi rất nhiều.

viet nam vs nhat ban anh 1

5 năm sau Asian Cup 2019, tuyển Việt Nam gặp lại Nhật Bản. Khoảng cách giữa đôi bên từ đó tới nay chưa hề được thu hẹp. Ảnh: Minh Chiến.

Bài học Nhật Bản

Chẳng phải Premier League của Kaoru Mitoma hay Liga với Takefusa Kubo, bước đầu trong chiến lược xuất ngoại của bóng đá Nhật không bao giờ là các giải vô địch thuộc top 5 châu Âu. Người Nhật hiểu rằng sẽ rất mạo hiểm nếu ngay lập tức gia nhập những giải đấu hàng đầu. Thay vì thế, họ chọn các giải đấu tầm trung, cho cầu thủ của mình có thời gian làm quen với môi trường, văn hóa Tây Âu. Các ngôi sao hiện tại của tuyển Nhật hầu hết đi theo con đường đó.

Takehiro Tomiyasu cùng Wataru Endo đều chọn Sint-Truiden (đội cũ của Công Phượng) trước khi gia nhập các CLB Ngoại hạng Anh và Bundesliga. Junya Ito chơi 4 mùa ở Bỉ rồi mới chuyển tới Reims (Ligue 1). Ritsu Doan cũng có 4 năm tại Hà Lan trước khi gia nhập Bundesliga. Takumi Minamino kiên trì hơn cả với bàn đạp là 6 mùa giải ở Áo trước khi chuyển tới Liverpool hùng mạnh.

Họ đều là những cầu thủ đầy tài năng nhưng không hề vội vã. Phần thưởng cho chiến lược đúng đắn và sự kiên trì của họ là phần lớn đều thành công ngay lập tức khi gia nhập các nền bóng đá lớn.

Chiều ngược lại, những cái tên đi ngược con đường ấy đều đối diện nguy cơ thất bại. Takefusa Kubo là một ví dụ. Chuyển tới Real năm 19 tuổi, siêu sao tương lai của tuyển Nhật chật vật suốt mấy mùa trước khi tìm thấy ánh hào quang ở Real Sociedad.

Điểm chung trong chiến lược của bóng đá Nhật là đề cao vai trò của các trạm trung gian, những giải vô địch quốc gia ngoài top 5 như Áo, Hà Lan và đặc biệt là Bỉ. So với J1 League (hạng 20 thế giới), các giải đấu này có thứ hạng vừa phải (Hà Lan hạng 6, Bỉ hạng 13, Áo hạng 14), thích hợp để làm bước đệm cho sự học hỏi của cầu thủ Nhật.

Tấm gương Nhật Bản là điều đã được nhiều nền bóng đá lớn học hỏi, trong đó có người hàng xóm Thái Lan. 5-7 năm trở lại đây, chiến lược xuất ngoại của bóng đá Thái đã luôn hướng trọng tâm về Nhật Bản.

Tương tự Nhật Bản, người Thái nhìn thấy ở J1 League một điểm đến phù hợp cả về trình độ lẫn văn hóa bóng đá và đã kiên định đi theo con đường đó. Thành quả là hàng loạt thương vụ thành công, gây được tiếng vang như Chanathip Songkrasin, Supachok Sarachat ở Consadole Sapporo, Teerasil Dangda, Ekanit Panya và nổi bật hơn cả là Theerathon Bunmathan, nhà vô địch J1 League 2019.

viet nam vs nhat ban anh 2

Xuân Trường chọn giải đấu cơ bắp Hàn Quốc làm điểm xuất ngoại đầu tiên trong sự nghiệp. Ảnh: Minh Chiến.

Cầu thủ Việt Nam xuất ngoại thế nào?

So với hai cường quốc bóng đá trên, Việt Nam cũng có những đặc điểm tương đồng. Cầu thủ Việt có lẽ không thua kém nhiều các ngôi sao Thái Lan về phẩm chất sân cỏ. Họ lẽ ra có thể thành công hơn nếu bóng đá Việt Nam cũng có một chiến lược xuất ngoại bài bản và khoa học.

Đáng tiếc, các chuyến xuất ngoại của bóng đá Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây đều diễn ra theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm, không có định hướng lãnh đạo từ trên, không có chiến lược cụ thể, không xác định được điểm đến tiềm năng. Cầu thủ Việt hầu hết không được chuẩn bị cho cuộc sống mới, không có hành trang cho những va chạm ngôn ngữ, văn hóa, thậm chí không ước lượng được chính xác trình độ bóng đá của điểm đến.

Điểm xuất ngoại đầu tiên của Lương Xuân Trường, một cầu thủ kỹ thuật, yếu thể lực, là giải đấu cơ bắp K League 1. Đoàn Văn Hậu chọn ngay giải Hà Lan vốn đứng hạng 6 thế giới trong khi Quang Hải không kém cạnh với một Ligue 2 có đẳng cấp bóng đá rất cao...

Ngược lại với sự khiêm nhường của người Nhật, cầu thủ Việt Nam luôn nhắm tới các giải đấu lớn, các nền bóng đá phát triển cao. Lựa chọn ấy đẩy họ vào cuộc cạnh tranh khốc liệt trong khi bản thân chưa có sự chuẩn bị đủ tốt. Nên không hề ngạc nhiên khi cầu thủ Việt Nam xuất ngoại thành công nhất là người chọn Thái Lan: Đặng Văn Lâm ở Muangthong.

Giống hệt cách người Nhật chọn Áo, Bỉ, bóng đá Việt Nam có thể coi Thái Lan là điểm bắt đầu tương tự. Thực tế cũng chứng minh Thai League 1 là giải đấu vừa tầm cầu thủ Việt, đồng thời vẫn sở hữu chất lượng cao hơn V.League và đặc biệt có nhiều CLB đủ năng lực cạnh tranh tại AFC Champions League. Sân chơi hàng xóm ấy lẽ ra có thể trở thành trường học tuyệt vời cho cầu thủ Việt khi xuất ngoại. Nhưng vì thiếu một định hướng nhất quán, bóng đá Việt Nam chưa tỏ ra mặn mà với giải Thái.

Cái giá phải trả cho hàng loạt sai lầm ấy là tuyển Việt Nam 100% V.League ở Asian Cup 2023. Kết quả cuộc đối đầu giữa tuyển Việt Nam ấy với Nhật Bản ra sao có lẽ chẳng cần nói thêm nữa.

Tiết lộ về HLV Park Hang-seo

Mục Thể thao giới thiệu tủ sách về HLV Park Hang-seo. Ở đây, độc giả sẽ có cơ hội tìm hiểu những câu chuyện về nhà cầm quân người Hàn Quốc trong thời gian ông cùng bóng đá Việt Nam làm nên lịch sử ở những giải đấu khu vực Đông Nam Á, lẫn châu Á.

HLV Troussier tăng độ khó cho Nguyễn Filip HLV trưởng Philippe Troussier đích thân chỉnh marker để tăng độ khó cho các thủ môn ở buổi tập tối 8/1.

Cạnh tranh khốc liệt ở cánh phải đội tuyển Việt Nam

Với 2 trận đá chính ở vòng loại World Cup, Vũ Văn Thanh đang thắng thế so với Hồ Tấn Tài trong cuộc đua ở cánh phải đội tuyển Việt Nam.

Tuyển Việt Nam và nghịch lý Quả bóng vàng

Trong top 5 đề cử rút gọn cho danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam 2023, chỉ một mình Phạm Tuấn Hải chắc suất đá chính ở đội tuyển quốc gia.

Greenwood hoi sinh ngoan muc hinh anh

Greenwood hồi sinh ngoạn mục

0

Ai có thể ngờ rằng một tài năng trẻ từng được kỳ vọng sẽ trở thành ngôi sao sáng của bóng đá Anh lại phải đối mặt với những sóng gió lớn đến vậy?

Quỳnh Phương

Bạn có thể quan tâm