Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khả năng kết nối tự nhiên của loài người

Ngay từ lúc khởi đầu sự tồn tại của giống loài, con người chúng ta đã dựa vào mối liên kết với thực tại để sinh tồn và thành công.

Ngay từ lúc khởi đầu sự tồn tại của giống loài, con người chúng ta đã dựa vào mối liên kết với thực tại để sinh tồn và thành công. Đối với tổ tiên chúng ta, điều này có nghĩa là họ phải có sự nhạy cảm cao độ với môi trường, nhận ra bất cứ thay đổi nào trong thời tiết, tiên liệu được khi nào có thú dữ, lần ra được nơi nào có thể có thức ăn. Họ phải nhận biết rõ, nâng cao cảnh giác, và liên tục suy nghĩ về những tín hiệu mà môi trường gửi cho họ.

Trong hoàn cảnh đó, với những áp lực rất trực tiếp, và bất kỳ sự vô ý nào cũng đều mang đến hệ quả sống chết, bộ não người đã tiến hóa như một công cụ giúp con người không chỉ tìm ra các mối nguy hiểm, mà còn từ từ điều khiển được môi trường đầy bất trắc. Lúc mà tổ tiên chúng ta bắt đầu quay vào bên trong và thả mình theo mong ước và mơ mộng, thực tại liền trừng phạt họ rất khắc nghiệt vì đã bị ảo tưởng và ra quyết định sai lầm.

Ket noi anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: RUN 4 FFWPU/Pexels.

Ngày nay, sau hàng trăm ngàn năm, chúng ta vẫn có cùng một bộ não được thiết kế với cùng một mục tiêu. Nhưng vì chúng ta càng ngày càng tăng khả năng điều khiển môi trường, và những áp lực vật chất đã giảm nhẹ rất nhiều, nên các mối nguy hiểm đã trở nên khó nhận ra hơn - chúng đến dưới hình thức con người (chứ không còn là hổ báo nữa) và tâm lý gian xảo của họ, cùng với những trò chơi chính trị và xã hội tinh vi mà chúng ta phải tham gia.

Và do các mối nguy hiểm ít rõ ràng này, vấn đề lớn nhất của chúng ta là đầu óc ta trở nên kém nhạy cảm hơn trước môi trường; chúng ta quay vào bên trong, đắm chìm trong giấc mơ và mộng tưởng của mình. Chúng ta trở nên ngờ nghệch.

Thêm vào cái mớ hỗn độn nguy hiểm này, văn hóa của chúng ta lại có khuynh hướng lấp đầy tâm trí với đủ loại quan niệm sai lầm, làm chúng ta tin rằng bản chất thế giới và con người nên như thế nào, thay vì thực tế nó như thế nào. Ta coi đó là sự thật và hành động theo các quan niệm sai lầm này, và cũng giống như trong quá khứ, cuối cùng thì môi trường và thực tại cũng sẽ trừng phạt ta vì những hành vi ảo tưởng.

Ta có thể không mất mạng, nhưng nghề nghiệp và các mối quan hệ sẽ bị đi sai hướng. Ta đổ lỗi cho kẻ khác về những xui xẻo của mình trong khi vấn đề vẫn luôn nằm ở chính ta, bắt nguồn từ sự ngu ngơ và ảo mộng mà chúng ta đã hấp thụ, chúng đã hướng dẫn hành động của ta trong vô thức.

Sau đây là một vài trong số những quan niệm sai lầm thường thấy trong nền văn hóa của chúng ta mà có thể dẫn ta đi sai đường: Chẳng hạn như khi nói về nghề nghiệp, ta tin rằng việc mình học trường nào, quen biết ai và kết nối với ai chính là chìa khóa của thành công trong tương lai. Ta nghĩ rằng nên tránh bằng mọi giá việc phạm lỗi hay thất bại hay bất cứ mâu thuẫn nào, rằng ta phải nhanh chóng kiếm tiền, gây được sự chú ý, và leo lên đỉnh cao.

Ta tưởng tượng rằng công việc thì cần phải vui, rằng sự nhàm chán là không tốt, và rằng ta có thể đi tắt để trở nên giỏi. Ta cho rằng sự sáng tạo là điều mà sinh ra đã có, một loại năng khiếu bẩm sinh. Ta có cảm giác rằng mọi người đều bình đẳng, và rằng thứ bậc chỉ là chuyện trong quá khứ.

Robert Greene/NXB Trẻ

SÁCH HAY