Trong tháng ba vừa qua, dự án “Chuyến tàu mùa thu” đã trao tặng 9 tủ sách tại nhiều địa điểm khác nhau. Đây là một trong nhiều hoạt động ý nghĩa mà các bạn trẻ thuộc câu lạc bộ Book & Friend thực hiện từ năm 2018 đến nay.
Kết nối những không gian đọc
Là dự án cộng đồng phi lợi nhuận, “Chuyến tàu mùa thu” hoạt động theo mô hình xây dựng, kết nối các không gian văn hóa xuyên Việt. Từ tháng 4/2018 và kết thúc mùa một vào tháng 9/2019, chương trình này đã mở các điểm kết nối văn hóa đọc nói riêng, văn hóa nói chung ở TP.HCM, Đức Trọng (Đà Lạt), Bà Rịa - Vũng Tàu, Lộc Ninh (Bình Phước), Đà Nẵng, Hội An, Hà Nội, Ninh Bình.
Xuyên suốt năm 2018-2019, họ xây dựng tủ sách “Tương lai nghề nghiệp của tôi” và tổ chức các talkshow quanh chủ đề ấy như: “Phụ nữ, đam mê và gia đình” ở Lộc Ninh, “Giờ là lúc sống giấc mơ đời mình” ở Đà Nẵng, Hội An, “Đam mê - ước mơ và gia đình” ở Hà Nội…
Tại các buổi tọa đàm đó, chương trình bóc tách từng lát cắt nghề nghiệp thông qua câu chuyện của các diễn giả cùng các quyển sách được chọn đưa vào tủ sách. Từ đó, những người làm chương trình khuyến khích người trẻ có đủ dũng khí theo đuổi nghề nghiệp mình yêu thích thay vì bị ràng buộc bởi gia đình, người thân hay xã hội.
Cuối năm 2019, sau chủ đề nghề nghiệp, tủ sách “Hiểu về văn minh Việt Nam” đang được thực hiện.
Bên cạnh các tọa đàm, nghiên cứu và công bố tủ sách, "Chuyến tàu mùa thu" thực hiện nhiều hoạt động bên lề tại mỗi không gian văn hóa: Tổ chức giao lưu kết nối những người đang phát triển văn hóa đọc tại mỗi tỉnh thành, tổ chức sân chơi STEM dành cho trẻ em, tặng tủ sách cho nhiều dự án cộng đồng.
Từ tháng 12/2021, dự án phát động chiến dịch “Tết lì xì sách - Vì một Trái Đất xanh”. Cộng đồng đã quyên góp 9 tủ sách. Các tủ sách này vừa được trao vào tháng ba cho những dự án văn hóa, thư viện, tổ chức khuyến đọc ở TP.HCM, Bình Dương, Quảng Ngãi và Hà Nội.
Đa dạng mô hình khuyến đọc
Theo đánh giá của thạc sĩ Trương Lê Na, Nhà sáng lập Book & Friend, Trưởng dự án “Chuyến tàu mùa thu”, văn hóa đọc ở Việt Nam đang dần nhận được sự quan tâm của nhiều thành phần trong xã hội.
Hoạt động trong lĩnh vực khuyến đọc hơn 10 năm nay, thạc sĩ Trương Lê Na đã tập hợp khoảng 30 dự án phát triển văn hóa đọc có nhu cầu nhận sách ở khắp Việt Nam.
“Con số này có thể thấp hơn thực tế, phản ánh số người bắt tay vào hành động vì văn hóa đọc Việt Nam đang ngày càng tăng”, bà Lê Na đánh giá.
Không chỉ số lượng người tham gia phát triển văn hóa đọc tăng, các nhóm đối tượng tham gia vào bức tranh văn hóa đọc cũng trở nên đa dạng.
Các dự án Sách và Hành động (TP.HCM), dự án văn hóa Lang thang (Bình Dương), dự án Colere (Hà Nội) tập trung vào bài toán văn hóa đọc cho người trẻ.
Không gian đọc Cỏ May (Quảng Ngãi) chọn phân khúc sách dành cho trẻ em, VSE Library (TP.HCM) lại có xuất phát điểm từ một tủ sách dành cho nhân viên ngành kỹ thuật nằm trong một công ty rồi sau đó dần phát triển thành một thư viện dành cho cộng đồng.
Tương tự, Song Hỷ Trà quán khởi đầu không gian đọc của mình bằng những quyển sách về trà, rồi những buổi thưởng trà đọc sách cứ thế lớn dần thành một không gian văn hóa được nhiều người yêu thích.
Sách Nhà mình (Hà Nội), Green Library (TP.HCM), Thư viện Bồ Công Anh (TP.HCM) xây dựng tủ sách ngay chính trong gian nhà của mình bên cạnh những đứa trẻ mới lớn rồi từ đó lan tỏa tinh thần đọc sách đến những bà mẹ xung quanh.
Dế Garden khởi xướng hoạt động đọc sách với các chương trình “Tri thức xanh dưới tán cây vườn Dế”, đổi sách lấy cây xanh...
Khi nhìn vào sự đa dạng trong cách làm khuyến đọc trên khắp đất nước, thạc sĩ Trương Lê Na nhận thấy sức mạnh tập thể. Mỗi cá nhân trong xã hội, đại diện là các trưởng dự án khuyến đọc, dù làm việc trong ngành nghề nào, cùng quan tâm đến phát triển văn hóa đọc thì đó là một tín hiệu đáng mừng và cần được cổ vũ.
Theo bà Trương Lê Na, nếu tạo được môi trường, diễn đàn, giao lưu, kết nối, trao đổi kinh nghiệm giữa những người làm công tác khuyến đọc thì bức tranh văn hóa đọc Việt Nam sẽ không còn là bài toán quá khó để giải quyết.
Những mô hình khuyến đọc trên thế giới
Nhiều tủ sách, thư viện công cộng được lắp đặt trên đường phố. Cùng đó, các ứng dụng đọc sách miễn phí ra đời, khuyến khích người dân tiếp cận sách.
Trao tặng 25 tủ sách cho các địa phương
Khởi động từ đầu năm nay, đến cuối tháng ba, dự án “ATM tủ sách” đã mang nhiều ấn phẩm về 25 địa điểm ở các vùng, miền trên cả nước.
Lan tỏa tình yêu sách qua các cuộc thi
Từ ngày 1/4, cổng tiếp nhận bài dự thi giới thiệu sách trực tuyến chính thức mở cửa. Cùng đó, vòng sơ loại cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc cũng được tổ chức tại nhiều địa phương.