Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lan tỏa tình yêu sách qua các cuộc thi

Từ ngày 1/4, cổng tiếp nhận bài dự thi giới thiệu sách trực tuyến chính thức mở cửa. Cùng đó, vòng sơ loại cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc cũng được tổ chức tại nhiều địa phương.

Sáng 1/4, tại Phố Sách 19/12 (Hà Nội), lễ phát động 2 cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc và Giới thiệu sách trực tuyến năm 2022 được tổ chức, thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh, sinh viên.

Ông Phạm Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Trưởng ban tổ chức 2 cuộc thi này - cho biết đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc”.

Dai su Van hoa doc anh 1

Nguyễn Minh Phương - sinh viên Học viện Nông nghiệp, Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021 - chia sẻ tại buổi lễ. Ảnh: Thu Huệ.

Sức lan tỏa của cuộc thi

Đại sứ Văn hóa đọc là cuộc thi được tổ chức thường niên kể từ năm 2019 với mục tiêu kết nối và truyền cảm hứng, niềm đam mê đọc sách cho người dân Việt Nam, từ đó lan tỏa tri thức trong cộng đồng.

Năm 2021, cuộc thi thu hút gần một triệu học sinh, sinh viên trên cả nước tham gia. Gần 6.900 trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học và học viện lọt vào vòng sơ khảo.

Trong khi đó, cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến được tổ chức lần đầu tiên năm 2021, xuất phát từ ý tưởng mở ra sân chơi mới, thú vị và bổ ích để những người yêu sách có thể chia sẻ những cuốn sách hay và lan tỏa thói quen đọc tới cộng đồng.

Tiêu chí cuộc thi này cũng thể hiện sự thích ứng linh hoạt trong tình hình dịch bệnh Covid-19, đồng thời đa đạng hóa hình thức đọc, giới thiệu sách phù hợp trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Vụ trưởng Vụ Thư viện Phạm Quốc Hùng đánh giá cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc đã thực sự trở thành diễn đàn, nơi học sinh, sinh viên, thắp lên tình yêu đọc sách cùng khát vọng của tuổi trẻ.

Chia sẻ tại buổi lễ, Nguyễn Minh Phương - sinh viên Học viện Nông nghiệp, Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021 - cho rằng cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc đã tạo sân chơi cho thế hệ trẻ thể hiện niềm đam mê và tình yêu đọc sách.

“Là sinh viên, em hiểu được những khó khăn mà các bạn trẻ gặp phải trong quá trình đọc và tìm đầu sách. Song song việc tặng sách cho các thư viện cộng đồng, chúng ta cần có biện pháp tác động, để mọi người cùng thấy giá trị của việc đọc, từ đó mới khơi dậy tinh thần đọc sách”, Minh Phương nói.

Thí sinh đoạt giải cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2021 cũng bày tỏ ý nghĩa và sức lan tỏa của cuộc thi năm nay sẽ thu hút đông đảo người trẻ tham dự với những bài dự thi chất lượng tốt.

Song hành cùng cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc, ông Hùng thông tin sau khi cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến năm 2021 diễn ra, các bài dự thi tiếp tục thu hút nhiều lượt xem, trở thành nguồn tài liệu quý giá, giới thiệu hàng nghìn cuốn sách hay, bổ ích đến với đông đảo độc giả trên cả nước.

Cô Phương Linh - giáo viên trường THCS Tô Hoàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) - là thí sinh tham dự và đoạt giải cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến năm 2021. Cô cho biết cuộc thi đã mở ra cơ hội để cả cộng đồng chung tay chia sẻ niềm yêu thích đọc sách.

“Với giải thưởng này, giáo viên chúng tôi luôn cùng học sinh lan tỏa đam mê đọc, không chỉ trong các hoạt động ở thư viện nhà trường như ‘Sách hay cùng đọc’, ‘Mỗi tuần một cuốn sách’, ‘Ngày hội đọc sách’, mà còn đưa những giờ đọc sách của học sinh trở nên gần gũi hơn”, cô Phương Linh cho hay.

Chủ đề hướng tới thế hệ trẻ

Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc và Giới thiệu sách trực tuyến được coi là hoạt động có ý nghĩa và đạt hiệu quả trong quá trình thực hiện đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

Năm nay, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc lấy chủ để “Khát vọng phát triển đất nước”, còn Giới thiệu sách trực tuyến là “Sách và khát vọng cống hiến”. Chủ đề và thể lệ 2 cuộc thi đều có sự đổi mới, hướng tới thế hệ trẻ.

Đối với cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc, ban tổ chức đã xây dựng những bộ đề thi mới, nhằm phát huy khả năng tư duy, tính sáng tạo của thí sinh. Bên cạnh đó, ngoài hình thức dự thi bằng bài viết hoặc video như thường lệ, năm nay các em có thể vẽ tranh, sáng tác thơ, truyện ngắn, kịch... về tình yêu sách và văn hóa đọc.

Trong khi đó, cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến khuyến khích thí sinh xây dựng video giới thiệu về cuốn sách truyền cảm hứng, lan tỏa tri thức, khơi dậy khát vọng cống hiến và đóng góp tích cực cho xã hội.

Thay mặt ban tổ chức, ông Phạm Quốc Hùng gợi ý các thí sinh nên lựa chọn đề tài, sách mới, mang tính thời sự, có nội dung bám sát chủ đề khát vọng của lớp trẻ. Sách được chọn phải đến từ các đơn vị xuất bản chính thống tại Việt Nam. Ngoài ra, thí sinh cần thể hiện sự sáng tạo và chú ý tới các vấn đề bản quyền.

“Ban tổ chức hy vọng cả 2 cuộc thi sẽ thu được nhiều kết quả tích cực, khơi dậy tình yêu đọc sách và khát vọng cống hiến phát triển đất nước, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung”, ông Hùng bày tỏ.

Lan tỏa văn hóa đọc qua cuộc thi giới thiệu sách trực tuyến

Với chủ đề “Sách và khát vọng cống hiến”, cuộc thi lần này hướng tới những ấn phẩm truyền cảm hứng, lan tỏa tri thức và khơi dậy sự đóng góp cho xã hội.

Đẩy mạnh hoạt động phát triển văn hóa đọc cộng đồng

Đề án được thực hiện nhằm tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng văn hóa đọc và hoạt động phục vụ học tập trong thời gian tới.

Thu Huệ

Bạn có thể quan tâm