Sáng 18/3, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các đơn vị liên quan họp Ban tổ chức cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022.
Cuộc thi được tổ chức từ năm 2019, là một trong các hoạt động quan trọng nhằm triển khai đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.
Trải qua 3 mùa tổ chức, cuộc thi đã gắn bó với nhiều học sinh, sinh viên tại các tỉnh, thành; từ đó khơi dậy niềm đam mê, thúc đẩy phong trào đọc sách trong nhà trường, khuyến khích việc chia sẻ, lan tỏa niềm yêu sách đến cộng đồng.
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông - phát biểu tại cuộc họp sáng 18/3. Ảnh: Thu Huệ. |
Tạo hiệu ứng lan tỏa
Ông Phạm Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi - thông tin năm 2021, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc đã thu hút gần một triệu học sinh, sinh viên trên khắp cả nước đến từ 6.882 trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học và học viện tham gia.
Từ những kết quả tích cực đó, cuộc thi đã thực sự tạo được dấu ấn và có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.
Trước đó, ngày 10/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn về việc hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022 tới các bộ, ban, ngành có liên quan.
“Đến nay, gần 30 tỉnh, thành đã gửi cho chúng tôi kế hoạch triển khai cuộc thi. Đó là tín hiệu đáng mừng của cuộc thi năm nay”, ông Hùng chia sẻ.
Vụ trưởng Vụ Thư viện cũng nhận định đây là một trong những hoạt động nổi bật được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm đặc biệt. Với chủ đề “Khát vọng phát triển đất nước”, ông Hùng mong những bài dự thi sẽ thể hiện rõ khát vọng cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn hóa đọc nói riêng và xây dựng đất nước nói chung.
“Tôi mong thế hệ trẻ, đặc biệt là những người ham đọc sách sẽ tìm được trong sách kiến thức quý báu, để từ đó truyền tải vào bài dự thi khát vọng của bản thân. Với sự đa dạng của đầu sách hiện nay và tiêu chí cuộc thi, các thí sinh nên lựa chọn mảng sách hướng đến giáo dục, chính trị, tư tưởng, đường lối, chính sách của Đảng, lịch sử, văn hóa, danh nhân…”, ông Hùng gợi ý.
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho rằng đây là cuộc thi có ý nghĩa lớn đối với mục tiêu phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Ông Nguyên nhận thấy “chỉ khi văn hóa đọc phát triển tốt, ngành xuất bản mới có cơ hội phát triển. Và ngược lại, chỉ khi xuất bản có những đầu sách tốt thì mới giúp văn hóa đọc có bước tiến”.
Theo ông Nguyên, để tri thức và tình yêu sách lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, cuộc thi cần có chiến lược truyền thông bài bản. Điều này cần được thực hiện trước, trong và cả sau khi cuộc thi khép lại hàng năm.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề xuất mở cổng thông tin điện tử để tiếp nhận bài dự thi.
“Trong bối cảnh chuyển đổi số và tình hình dịch bệnh, bên cạnh hình thức gửi bài dự thi theo cách truyền thống, nên có một cổng điện tử riêng để vừa nhận bài dự thi, vừa là nơi lưu giữ thông tin và tiếp tục quảng bá cho cuộc thi này và nhiều hoạt động liên quan văn hóa đọc”, ông Nguyên lý giải.
Một bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2020. Ảnh: Hứa Mộc. |
Hướng tới thế hệ trẻ
Trải qua 3 mùa tổ chức, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm nay có nội dung thi tương tự các năm trước nhưng hình thức thi có sự đa dạng hơn.
Thông tin từ ban tổ chức cho hay bên cạnh bài viết chia sẻ về cuốn sách yêu thích, học sinh, sinh viên có thể sáng tác thơ, truyện ngắn, kịch, vẽ tranh với thông điệp lan tỏa tình yêu tới văn hóa đọc theo chủ đề “Khát vọng phát triển đất nước”.
“Cuộc thi này hướng đến thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước. Tôi muốn lứa tuổi học sinh, sinh viên với khát vọng, nội năng của tuổi trẻ, sẽ cùng đóng góp, khơi dậy giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam toàn diện”, ông Phạm Quốc Hùng nói.
Trưởng ban tổ chức cuộc thi cũng dự kiến những bài dự thi xuất sắc được tập hợp, tạo thành bộ cơ sở dữ liệu để độc giả cả nước có thể cảm nhận được tình yêu sách, cũng như định hướng cách thức làm bài dự thi cho những năm sắp tới.
Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022 được tổ chức dành cho học sinh, sinh viên trên cả nước. Lễ phát động dự kiến diễn ra ngày 1/4 tại đường sách 19/12 (Hà Nội).
Cuộc thi sẽ diễn ra qua 2 vòng: Vòng sơ khảo (từ nay đến 14/7) và vòng chung kết (từ 15/7 đến cuối tháng 11).
Lễ trao giải dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11 tại Hà Nội.