Tại họp báo chuyên đề về “Hoạt động kiểm tra, điều tra phòng chống gian lận xuất xứ hàng Việt Nam xuất khẩu của ngành hải quan” chiều 6/7, ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan), cho biết chưa đủ căn cứ kết luận vi phạm về xuất xứ đối với lô nhôm 4,3 tỷ USD của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu.
“Có thể nói đến giờ phút này, chúng tôi đã kết thúc quá trình điều tra. Theo đó, chưa đủ căn cứ kết luận doanh nghiệp này vi phạm về xuất xứ hàng hóa”, ông Lộc khẳng định.
Kho nhôm của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu. Ảnh: The Wall Street Journal. |
Theo cơ quan hải quan, Công ty Nhôm Toàn Cầu nhập khẩu nhôm thành phẩm vào Việt Nam để sản xuất hàng xuất khẩu nhưng có thể do điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, hình dáng… nên doanh nghiệp thực hiện việc sản xuất lại, nghĩa là thành phẩm của công đoạn sản xuất này là nguyên liệu của công đoạn sản xuất khác .
Vì thế, trong quá trình chuyển đổi, doanh nghiệp đã đáp ứng tiêu chuẩn chuyển đổi mã số (thay đổi mã số hàng hóa).
Thông tin này sẽ được báo cáo tới Chính phủ Mỹ theo thỏa thuận hợp tác hải quan giữa 2 nước.
Tuy nhiên, đoàn kiểm tra đang xác minh các dấu hiệu vi phạm khác của Nhôm Toàn Cầu. Cụ thể, doanh nghiệp này bán một số thành phẩm theo chỉ định của khách hàng nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam.
Trước đó hồi tháng 10/2019, Tổng cục Hải quan cho biết đã phát hiện và bắt giữ lô hàng nhôm trị giá khoảng 4,3 tỷ USD có dấu hiệu giả mạo xuất xứ của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu, có trụ sở chính tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Doanh nghiệp bị phát hiện có công nghệ, dây chuyền nhưng lại nhập khẩu mặt hàng nhôm thỏi, nhôm thanh, nhôm bán thành phẩm với trị giá lên tới hàng tỷ USD. Lý do được đại diện Tổng cục Hải quan cho biết là nhôm Việt Nam xuất đi Mỹ chỉ chịu thuế khoảng 15%, trong khi nhôm Trung Quốc muốn sang thị trường này phải chịu thuế lên đến 374%.